Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Bay theo những giọt mưa đồng hành
Tôi biết đến tên tuổi nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha từ khi vẫn còn nhỏ, khi mỗi lần trên Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên ca khúc “Mùa xuân bao điều lạ” mà ông phổ từ thơ Định Hải. Ca khúc có âm hưởng trong sáng, rộn ràng, trìu mến, yêu đời, đã thấm vào tôi ngay từ lần đầu tiên: “Én có gì lạ báo mùa xuân sang. Và đất có gì lạ cánh mai vàng ươm. Pháo có gì lạ mà tiếng nổ vang. Mùa xuân có gì lạ làm em rộn ràng”.
Sau này, tôi được biết đến các sáng tác thơ của ông nhiều hơn, từ bài thơ đoạt giải Nhì Báo Văn nghệ “Những giọt mưa đồng hành” hay bài tứ tuyệt “Không đề” được bao thế hệ sinh viên chép vào sổ tay: “Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ / Rơi cơn mưa ban trưa / Chợt thấy hồn mình tách thành hai nửa/ Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa”.
Từ tháng 9-2019, tôi chuyển công tác từ Viện Ngôn ngữ học về Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam. Bắt đầu từ đây, tôi có nhiều dịp gặp nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha trong nhiều kỳ cuộc. Lúc thì phỏng vấn, xin các ý kiến phát biểu của ông xoay quanh các sự kiện văn học nghệ thuật, lúc thì đến chúc mừng các tác phẩm mới của ông vừa ra mắt bạn đọc.
Ngày 29-10-2021, tôi thực hiện chương trình "Đôi bạn văn chương" đầu tiên với nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, trò chuyện về chân dung nhà thơ Thanh Tùng, một người đồng hương, người bạn rất đỗi thân tình của ông. Trong cuộc trò chuyện này, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã vài lần phải dừng lại vì xúc động, giọng rưng rưng nghẹn ngào.
Nhiều người đã nói đến trí nhớ kỳ lạ của Nguyễn Thụy Kha, ông như một cuốn từ điển sống về thơ và nhạc, am tường từng gốc gác của mỗi tác phẩm, xuất thân và hành trình sáng tác của mỗi tác giả. Nhưng khi làm chương trình với ông, tôi còn nhận thấy một điểm đặc biệt nữa: Ông không bao giờ cần xem trước kịch bản. Chỉ cần tôi báo trước về chân dung sẽ trò chuyện và hẹn ngày, giờ tại phòng thu, ông sẽ đến đúng giờ và sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi gì. Thế nên, cũng không lạ khi Nguyễn Thụy Kha thuộc lòng hầu hết tất cả những sáng tác của mình, từ thơ cho đến nhạc, từ bài thơ mới viết tuần trước cũng như bài thơ viết cách đó nửa thế kỷ.
![]() |
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha xúc động hát về đồng đội. Ảnh: QUANG THANH |
Về tuổi tác, ông thuộc hàng cha chú, nhưng tính tình, phong cách lại rất trẻ trung, nên ông cho phép và khuyến khích tôi gọi bằng anh. Cứ thêm mỗi chương trình trò chuyện Đôi bạn văn chương, tôi và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha càng hiểu nhau hơn, càng thân tình hơn.
Một loạt các chương trình trò chuyện tiếp theo được tôi thực hiện cùng Nguyễn Thụy Kha, gồm: Đỗ Nam Cao - Mười năm lại nhớ tới người; Lúng liếng Hoàng Cầm; Những bài thơ Quảng Trị; Lâm Thị Mỹ Dạ - Lá dịu dàng thăm thẳm của tôi ơi; Văn Cao - Giữa hai bờ thơ nhạc... Hầu hết các chân dung Nguyễn Thụy Kha nhận lời đến phòng thu trò chuyện đều là những người bạn văn chương mà ông đã có những khoảng thời gian tiếp xúc, gặp gỡ hoặc có nhiều kỷ niệm ân tình. Vì thế, những câu chuyện ông kể bao giờ cũng đặc biệt, độc đáo, sống động, không thể tìm thấy ở bất kỳ khách mời nào khác. Chúng tôi dự kiến sẽ làm ngay một số chương trình tiếp theo, như chân dung nhà thơ Thanh Thảo, chân dung thơ Nguyễn Mỹ. Nhưng chưa kịp thực hiện, thì nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã phải vào viện và cứ thế cuốn vào một hành trình điều trị không ngừng, từ bệnh viện Thanh Nhàn sang Bệnh viện Đại học Y và rồi cuối cùng là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Cứ mỗi khi một chương trình trò chuyện kết thúc, anh em tôi lại kéo nhau ra quán nhậu. Những địa điểm quen thuộc mà Nguyễn Thụy Kha thường lui tới là quán Laca 24 Lý Quốc Sư, quán rượu 77 Đường Thành, nhà hàng Hoa Long số 10 Nguyễn Quyền. Cũng có khi, những cuộc vui được tổ chức tại nhà họa sĩ Lê Thiết Cương, 39A Lý Quốc Sư. Những cuộc vui bao giờ cũng có thêm những người bạn, người em mà anh Thụy Kha yêu quý. Anh Nguyễn Thụy Kha ăn theo một công thức riêng, đó là ăn trước 9 giờ sáng và sau 5 giờ chiều. Thế nên, trong toàn bộ các cuộc nhậu buổi trưa, anh chỉ ngồi uống rượu mà không ăn. Sẽ có thêm một ly nước suối bên cạnh và không bao giờ thiếu xì-gà. Nguyễn Thụy Kha coi whisky và xì gà là bản "song tấu" độc nhất vô nhị, không thể có thứ này mà thiếu thứ kia. Nhìn bên ngoài, nếu mới tiếp xúc, Nguyễn Thụy Kha có vẻ lạnh lùng, kiêu bạc, khiến không ít người phải ngại ngần. Thế nhưng, chơi lâu mới biết, anh là người cực kỳ tình cảm, dễ mủi lòng, không tiếc những người em bất cứ thứ gì. Nguyễn Thụy Kha không có lương hưu, suốt mấy chục năm sống và viết tự do, nên không phải lúc nào cũng sẵn tiền. Nhưng khi có tiền thì cực kỳ hào sảng và rộng rãi, giúp đỡ người khác không đắn đo.
Nguyễn Thụy Kha cũng luôn sẵn lòng lắng nghe và góp ý những tác phẩm mới của đàn em một cách xác đáng. Anh phổ nhạc những bài thơ của đàn em. Anh vẫn thường khuyên tôi phải dành nhiều thời gian hơn cho thơ, phải tìm hiểu âm nhạc thế giới để có một cái phông nền thật vững chắc. Vì cũng chơi guitar và hát tạm được, nên nhiều lần tôi được anh Nguyễn Thụy Kha giao nhiệm vụ hát các ca khúc của anh. Chẳng hạn, hát ca khúc về Bình Dương trong buổi ra mắt sách ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, hát bài “Người sống giữa thời gian” (viết tặng Trung tướng Lê Quang Bốn), bài “Bài ca Lữ đoàn 229”...
![]() |
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (bên trái) và tác giả bài viết trong chương trình "Đôi bạn văn chương". |
Một ngày của Nguyễn Thụy Kha thường dậy sớm ăn sáng và ngồi vào bàn làm việc, viết đúng hai trang. Nếu vì một lý do gì đó có ngày không viết được, thì ngày tiếp theo phải viết bù cho đủ số. Làm việc một cách đều đặn như vậy, nên số trang viết được xuất bản của Nguyễn Thụy Kha khiến cho mọi người phải kinh ngạc: Riêng văn xuôi là 22 cuốn, bao gồm bút ký, chân dung, tiểu luận, phê bình âm nhạc, tiểu thuyết, trong đó có nhiều cuốn giành những giải thưởng danh giá.
Hai tập sách "Thế kỷ âm nhạc Việt Nam" mang về cho Nguyễn Thụy Kha giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật ở lĩnh vực phê bình âm nhạc; các cuốn sách “Nguyễn Thiện Đạo - Nhạc sĩ bị giời đày” và “Huy Du - Đạo và đời” giành giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Cuốn Hồi ký văn nghệ anh dự định sẽ viết mấy tập, giờ mới hoàn thành được một phần. Nguyễn Thụy Kha còn có công lớn khi sưu tập, thu thập, biên soạn và công bố các tác phẩm của Văn Cao, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng. Vì lý do lịch sử, mà những tên tuổi lớn ấy một thời gian dài đã bị chìm khuất, tác phẩm không được công chúng biết đến.
Tôi nghĩ, giới phê bình văn học ở nước ta từ trước đến nay cũng chưa đánh giá hết những đóng góp ở mảng thơ của Nguyễn Thụy Kha. Ngoài “Những giọt mưa đồng hành” đoạt giải thưởng Báo Văn nghệ năm 1982 và tập “Trường ca ngắn - Kịch thơ” đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014, Nguyễn Thụy Kha còn có nhiều đóng góp quan trọng ở mảng thơ hậu chiến, tiêu biểu là tập “Thời máu xanh” với nhiều bài thơ đặc sắc, như: “Người bán rắn ở Văn Miếu”, “Cởi”, “Vào một trưa ngày cuối cùng tháng Tư”...
Thơ tình của ông cũng rất hiện đại với ngôn ngữ táo bạo, hình tượng độc đáo. Bài thơ “Chiều không em” của Nguyễn Thụy Kha đã được tới ba thế hệ nhạc sĩ phổ nhạc. Đó là Huy Du, Phú Quang và Bùi Việt Hà. Từ vẻ đẹp của lời thơ đã đi vào trọn vẹn trong vẻ đẹp ca từ: “Chiều không em chiều buồn không em/ Trái tim ta ai ném bên thềm/ Chiều không em câu ca vàng sương khói / Biết về đâu để mà nhớ mà quên”.
Bây giờ thì Nguyễn Thụy Kha đã tạm dừng cuộc rong chơi ở cõi này, để bay theo những giọt mưa từng đồng hành một thời trai trẻ. Ở chốn xa xanh nào đó, chắc ông đang gặp lại những người bạn chí thiết một thời, để lại cùng nhau uống rượu đọc thơ, mà cả cười nhìn xuống thế gian...
Tiến sĩ ĐỖ ANH VŨ
Tin mới
Cảnh giác với các hội, nhóm tuyên truyền, sử dụng, mua bán trang phục lính ngụy trên không gian mạng
Thời gian qua, nhiều bài viết, hình ảnh được đăng tải trên các hội, nhóm, trang mạng xã hội của một số người sử dụng, mua bán trang phục lính ngụy gây khó chịu, phản cảm cho người đọc, người nhìn và bức xúc trong dư luận.
Vụ ngộ độc rượu: 1 người tử vong, 5 người được cứu
Liên quan đến vụ ngộ độc rượu khiến 6 người nhập viện cấp cứu, chiều 1-4, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh thông tin, nạn nhân P.N.Q.K. (25 tuổi, ở tỉnh Tiền Giang) đã tử vong.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Nhà vua Vương quốc Bỉ
Ngày 1-4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe đang thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.
Trình Chính phủ văn bản tinh gọn bộ máy trước ngày 6-4
Ngày 1-4, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật đã họp phiên thứ 5, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Lê Thành Long, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Thúc đẩy hợp tác khoa học, nghiên cứu và đào tạo giữa Việt Nam và Bỉ
Ngày 1-4, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà Vua và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ, đoàn Bộ trưởng - Thủ hiến Bỉ cùng lãnh đạo các đại học, cơ quan nghiên cứu đã có chuyến thăm Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
Động đất tại Myanmar: “Phép màu” sau 91 giờ bị vùi lấp dưới đống đổ nát
Lực lượng cứu hộ tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar đã giải cứu thành công một phụ nữ 63 tuổi vào sáng 1-4, sau 91 giờ bị chôn vùi dưới đống đổ nát.