• Click để copy

Nhận thức, ngăn chặn nguy cơ của dịch bệnh Marburg

Hiện nay trên thế giới tình hình dịch bệnh Marburg đang diễn ra phức tạp với tỷ lệ lây lan, gây tử vong cao. Đối với TP Hồ Chí Minh, tuy được đánh giá là nơi ít nguy cơ bùng phát dịch Marburg nhưng Sở Y tế Thành phố đã cảnh giác, triển khai các biện pháp tăng cường, giám sát phòng, chống dịch, bảo đảm người dân bám nắm thông tin để chủ động phòng ngừa.

Dịch Marburg có nhiều tác động tàn phá sức khỏe con người

Gần cuối năm nay, Bộ Y tế Rwanda (Cộng hòa Rwanda) đã đưa ra thông báo về dịch bệnh do virus Marburg, lần đầu tiên được phát hiện tại nước này. Hiện nay, virus đã lây lan ra khắp thế giới thông qua khách du lịch bị nhiễm bệnh hoặc nhân viên bị lây nhiễm trong phòng thí nghiệm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận gần 60 trường hợp mắc bệnh do virus Marburg, trong đó đã có 13 trường hợp tử vong.

Trước tình hình trên, WHO đánh giá nguy cơ bùng phát dịch bệnh do virus Marburg là rất cao ở cấp quốc gia, cao ở cấp khu vực châu Phi và thấp ở cấp độ toàn cầu. Trước đánh giá trên, WHO cũng ra khuyến cáo không nên áp dụng bất kỳ hạn chế đi lại và thương mại nào với Rwanda dù đang trong bối cảnh bùng phát dịch.

Nhận thức, ngăn chặn nguy cơ của dịch bệnh Marburg
Thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh Marburg tại Rwanda. Ảnh: WHO

Bệnh do virus Marburg, hay còn được gọi là sốt xuất huyết Marburg, là căn bệnh bắt nguồn từ môi trường ẩm ướt trong các hang động, nơi có các đàn dơi ăn quả sinh sống, từ đó lây truyền sang người, với thời gian ủ bệnh là 21 ngày. Virus Marburg có thể bám và lây lan từ việc tiếp xúc trực tiếp như nói chuyện, qua dịch mũi, nước bọt, da bị tổn thương hoặc niêm mạc, máu, nội tạng, quan hệ tình dục với người mới khỏi bệnh cũng vẫn có khả năng lây nhiễm; cho đến lây lan qua chạm vào bề mặt các đồ vật dính virus như bàn, ghế, giường, quần áo...

Sau khi lây bệnh Marburg, người nhiễm sẽ đột ngột sốt cao, có các triệu chứng đau đầu dữ dội, khó chịu, đau nhức cơ bắp, kèm theo tiêu chảy gây mất nước nghiêm trọng. Tính từ ngày thứ ba từ khi bị lây nhiễm, người bệnh sẽ cảm thấy thêm các vấn đề như chuột rút, đau bụng, buồn nôn... Đối với các ca bệnh đặc biệt nghiêm trọng, khả năng tử vong có thể xảy ra trong từ 8 đến 9 ngày, thường nguyên nhân do mất máu nghiêm trọng và sốc.

Cần chú ý, hiện tại bệnh do virus Marburg gây ra vẫn chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị nào được phê duyệt; tuy nhiên, đã có nhiều loại vaccine và liệu pháp thuốc đang được nghiên cứu phát triển.

Theo thống kê của WHO, tình hình bệnh Marburg hiện tại đang tập trung chủ yếu tại khu vực các quốc gia châu Phi như: Guinea, Angola, Cộng hòa Congo và gần đây nhất là Rwanda. Đánh giá nguy cơ nghiêm trọng của dịch bệnh Marburg, một số quốc gia trên khắp thế giới đã lập tức triển khai tăng cường biện pháp y tế tại các cửa khẩu, nhằm kiểm soát dịch bệnh ngay từ khi bắt đầu xâm nhập như tại Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc…

TP Hồ Chí Minh triển khai các biện pháp phòng dịch từ sớm

Ở nước ta, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm soát bệnh tại cửa khẩu. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố thực hiện nghiêm túc giám sát hành khách từ các đường bay có liên quan đến Rwanda, cũng như phối hợp với các ngành liên quan triển khai các biện pháp giám sát, phát hiện và cách ly các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Marburg theo đúng quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Tuy Marburg là dịch bệnh nguy hiểm và cần đặc biệt quan tâm, nhưng nguy cơ bệnh Marburg xâm nhập qua đường hàng không vào TP Hồ Chí Minh khá thấp do không có đường bay thẳng từ Rwanda và khách nhập cảnh đã được sàng lọc trước khi xuất cảnh. Còn đối với đường hàng hải, từ tháng 1-2023 đến nay Thành phố không có chuyến tàu, thuyền nào nhập cảnh trực tiếp từ Rwanda. Đánh giá về bệnh Marburg, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ nhiệm Liên chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết, người dân không nên quá lo lắng, hoang mang về bệnh này; đồng thời, cần chú ý nếu đến khu vực châu Phi.

Với chủ trương phòng bệnh hơn chữa bệnh, Sở Y tế Thành phố chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh khi phát hiện các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh Marburg phải điều tra dịch tễ, khai thác tiền sử tiếp xúc; đồng thời, phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xử lý, không để lây bệnh ra cộng đồng; bảo đảm nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho các cơ sở y tế về những biện pháp phòng, chống dịch, chăm sóc, điều trị, chủ động phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức để xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống, trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác truyền thông về dịch bệnh, để người dân chủ động nâng cao nhận thức các nguy cơ của dịch bệnh Marburg, không chủ quan trước mọi tình huống; nắm rõ các biện pháp phòng vệ cá nhân có thể thực hiện.

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, vào thời điểm này cần khuyến cáo người dân hạn chế việc di chuyển không cần thiết ở các quốc gia đang bùng phát dịch. Đối với người từng đi qua khu vực có dịch, nếu phát hiện những triệu chứng nghi ngờ, phải đi khám ngay tại các cơ sở y tế và cung cấp cho nhân viên y tế đầy đủ thông tin về hành trình di chuyển của bản thân tại vùng dịch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, cũng như để hạn chế lây nhiễm.

PHƯƠNG NAM

Tin mới

Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin

Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.

Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện

Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.

Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?

Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.

TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng

Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.

Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao

Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B

Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.