Nhiều khó khăn với giáo viên dạy môn tích hợp
Năm học 2023-2024 là năm thứ ba Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở bậc THCS với nhiều điểm mới, trong đó có nội dung dạy học tích hợp. Tuy nhiên, do chưa có nguồn nhân lực chuyên ngành, việc bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên đơn môn chuyển sang dạy tích hợp cũng chưa được triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương khiến giáo viên đang chịu nhiều áp lực...
Giáo viên gặp khó
Bắt đầu từ năm học 2021-2022, bậc THCS triển khai thực hiện 2 môn học mới là Khoa học tự nhiên (trên cơ sở tích hợp 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học của chương trình cũ); môn Lịch sử và Địa lý (trên cơ sở tích hợp 2 phân môn Lịch sử, Địa lý). Tuy nhiên, khi triển khai chương trình này, nhiều giáo viên do chưa được đào tạo, bồi dưỡng nên chịu rất nhiều áp lực trong quá trình giảng dạy.
Cô Vũ Huyền Trang, giáo viên dạy môn Địa lý, Trường THCS Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Khi chuyển sang dạy tích hợp môn Lịch sử và Địa lý, tôi gặp những khó khăn nhất định, bởi đặc thù của 2 môn học này có nhiều điểm khác biệt. Vì vậy, quá trình giảng dạy, ngoài phần kiến thức của bộ môn Địa lý theo đúng chuyên ngành, tôi phải tự học hỏi thêm kiến thức của môn Lịch sử để có thể từng bước dạy học sinh”.
Giờ tự học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn). |
Tìm hiểu ở diễn đàn "Giáo viên khoa học tự nhiên" trên mạng xã hội Facebook, nơi có hơn 65.000 thành viên tham gia, nhiều giáo viên đang dạy môn tích hợp cấp THCS ở khắp các địa phương trên cả nước đã chia sẻ nhiều khó khăn mà mình gặp phải. Bởi mỗi người hầu như chỉ được đào tạo một chuyên ngành, có một thế mạnh, dạy một bộ môn đã nhiều năm nhưng giờ đây phải giảng dạy môn học mà có 1-2 phân môn không thực sự am hiểu thì khó có thể tự tin đứng lớp.
Việc dạy tích hợp ở bậc THCS gây ra không ít khó khăn cho các thầy, cô giáo, đặc biệt tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tìm hiểu thực tế ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, chúng tôi nhận thấy, nhiều trường THCS đến nay vẫn “trắng” giáo viên có thể đảm nhận nhiều hơn một phân môn hay toàn bộ nội dung tích hợp liên môn.
Thầy giáo Lý Văn Thơ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: “Đối với nhà trường, việc dạy môn Khoa học tự nhiên hay môn Lịch sử và Địa lý theo chương trình mới còn nhiều khó khăn. Các thầy, cô giáo chưa được tập huấn để dạy môn tích hợp. Vì vậy, nhà trường vẫn thực hiện giáo viên phân môn nào đảm nhận phần kiến thức phân môn đó trong môn tích hợp. Bên cạnh đó, học sinh của nhà trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, khả năng nhận thức hạn chế, đây cũng là rào cản của việc thực hiện dạy tích hợp”. Cùng chung tình cảnh trường “trắng” giáo viên dạy tích hợp, thầy giáo Lương Văn Thông, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Cô Ba (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) cho biết: “Đến nay, nhà trường chưa có giáo viên nào có thể đảm nhận đứng lớp dạy môn tích hợp. Mặc dù thời gian qua trường đã cử giáo viên đi tập huấn. Tuy nhiên, do thời gian ngắn, cùng với đó, giáo viên chưa đáp ứng được chương trình đào tạo nên hiệu quả không như mong muốn”.
Cần có chính sách phù hợp
Ngày 21-7-2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT về chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý. Theo các quyết định này, giáo viên đảm nhận môn tích hợp có thể đi bồi dưỡng ở các trường đại học sư phạm, các trường đại học có khoa sư phạm... Thời gian tập huấn là 3 tháng. Kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng; do người học tự đóng góp.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đàm Vũ Thủy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Khánh Xuân (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) băn khoăn: “Với việc chỉ tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên dạy đơn môn về kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học của 1 hoặc 2 phân môn khác trong 3 tháng thì giáo viên dạy môn Vật lý liệu có đủ khả năng để dạy môn Sinh học và Hóa học không? Hay một giáo viên dạy môn Sinh học cũng rất khó có đủ khả năng đảm nhận phân môn Vật lý và Hóa học. Bên cạnh đó, cũng theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kinh phí bồi dưỡng từ 3 nguồn, không giao cụ thể cho bên nào nên như trường chúng tôi, đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, trường không có kinh phí, nếu địa phương không tổ chức cho giáo viên đi tập huấn thì rất khó để có giáo viên dạy được tích hợp”.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong năm 2024, lứa sinh viên đào tạo theo hướng dạy học tích hợp sẽ ra trường. Đây là nguồn nhân lực đáp ứng phần nào nhu cầu giáo viên dạy môn tích hợp. Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt câu hỏi, khi lứa sinh viên được đào tạo dạy tích hợp ra trường thì việc sắp xếp giữa giáo viên đơn môn hiện nay và sinh viên ra trường thế nào cho phù hợp.
Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Đức Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã hoàn thành đề án đào tạo giáo viên dạy tích hợp và đang trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Hằng năm, nhà trường vẫn bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT tùy thuộc nhu cầu của các địa phương, đơn vị, giáo viên. Thời gian tới, lứa sinh viên đào tạo đúng theo hướng dạy học tích hợp sẽ ra trường. Tuy nhiên, các thầy, cô dạy đơn môn vẫn đang làm việc, chưa thể thay thế ngay được. Nếu không sắp xếp được biên chế, các em không xin được việc làm đúng chuyên ngành thì sẽ dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực rất lớn".
Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói chung và triển khai dạy học tích hợp nói riêng là quá trình có tác động đến nhiều đối tượng, là mối quan tâm chung của toàn xã hội. Chính vì vậy, trước những khó khăn, bất cập như hiện nay, ngành giáo dục cùng các địa phương cần có những giải pháp phù hợp để có thể giúp giáo viên, học sinh dạy và học tốt chương trình mới theo đúng lộ trình đề ra
Bài và ảnh: HỒNG THỊNH TRANG
Tin mới
Tháo gỡ các điểm nghẽn để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh
Ngày 16-11, tại Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức diễn đàn "Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển".
Đội QLTT số 3 xử phạt 15,5 triệu đồng một cá nhân không đăng ký kinh doanh và kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024 của Cục QLTT tỉnh Bắc Giang.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam
Theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1401/QĐ-TTg ngày 15-11-2024 cử ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thay cho Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc vừa có quyết định nghỉ hưu.
Trình diễn nhiều tiết mục đặc sắc tại Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính
Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII-năm 2024, sáng 16-11, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) diễn ra lễ khai mạc các hoạt động văn hóa chung thuộc Liên hoan.
Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tập huấn nghiệp vụ cán bộ, giáo viên mầm non
Từ ngày 15 đến 17-11, tại Nhà máy Z117, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non năm học 2024-2025.
Trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam
Sáng 16-11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024.