Nhìn thẳng - Nói thật: Xóa bỏ tư duy "quản không được thì cấm"
“Quản không được thì cấm”, câu nói rất quen thuộc này không rõ xuất hiện trong đời sống xã hội từ bao giờ, nhưng phản ánh một tư duy hành chính cũ kỹ, lạc hậu, bản chất là bất lực trước phát triển.
Khó có thể đo lường được mức độ thiệt hại, hậu quả về tinh thần và vật chất do tư duy này gây nên cho toàn xã hội. Cấm là hành động an toàn hơn cả khi mà năng lực của bộ máy hành chính chưa thể quản lý được một lĩnh vực, một công việc hay vấn đề phức tạp nào đó. Hoặc tệ hơn, có thể quản được nhưng không muốn quản vì không mang lại lợi ích cho ngành, cơ quan và cá nhân mình, thì cấm luôn cho nhanh gọn, đỡ phiền...
Giờ đây, người đứng đầu Đảng ta đã tuyên bố dứt khoát: “Bỏ tư duy quản không được thì cấm”; vậy đặt ra vấn đề nếu quản không được sẽ phải làm gì?
Với nguyên tắc công dân được phép làm những gì mà pháp luật không cấm và cán bộ, công chức, viên chức chỉ làm những gì được phép, câu hỏi “quản không được thì phải làm gì?” cần được trả lời bằng một tư duy cởi mở, đổi mới và mang tính xây dựng.
Thay vì lựa chọn biện pháp cấm đoán, Nhà nước và các cơ quan hành chính cần hướng đến việc tạo lập những cơ chế, chính sách để vừa bảo đảm quản lý hiệu quả vừa thúc đẩy sự phát triển. Trước tiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng việc “quản không được” thường bắt nguồn từ những hạn chế về năng lực con người, công cụ hoặc hệ thống pháp luật.
Vì vậy, giải pháp lâu dài là đầu tư vào nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng của đội ngũ cán bộ, công chức, hiện đại hóa công nghệ và cải tiến quy trình làm việc. Ví dụ, trong các lĩnh vực phức tạp như công nghệ thông tin, thương mại điện tử thì cần đào tạo chuyên sâu, cập nhật kiến thức liên tục để cán bộ có thể theo kịp tốc độ phát triển và đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp.
Cùng với đó, pháp luật phải tạo không gian cho sự đổi mới sáng tạo. Việc ban hành các quy định cần tham vấn chuyên gia, tổ chức xã hội và doanh nghiệp để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, việc rà soát, điều chỉnh các quy định lỗi thời cần được tiến hành thường xuyên, tránh tình trạng pháp luật đi sau thực tiễn cuộc sống. Trong bối cảnh các lĩnh vực kinh tế-xã hội phát triển nhanh chóng, cơ quan nhà nước không thể một mình quản lý tất cả. Việc khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân trong giám sát, quản lý là một xu hướng tất yếu. Những mô hình như “đồng quản lý” hoặc hợp tác công tư (PPP) không chỉ giúp giảm tải gánh nặng cho Nhà nước mà còn nâng cao hiệu quả quản lý nhờ tận dụng được chuyên môn, nguồn lực của xã hội.
Để tránh tình trạng “cấm vì không quản được”, cần xây dựng một xã hội mà người dân có ý thức chấp hành pháp luật cao. Điều này đòi hỏi đầu tư vào giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức và kỹ năng tự quản của cộng đồng. Khi người dân tự giác tuân thủ, việc quản lý sẽ trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Khi đối diện với một lĩnh vực mới chưa có tiền lệ, thay vì áp dụng biện pháp cấm đoán, Nhà nước có thể thử nghiệm các giải pháp quản lý khác nhau ở quy mô nhỏ. Thông qua việc học hỏi từ những thất bại và thành công, sẽ từng bước tìm ra mô hình quản lý phù hợp.
Tinh thần đổi mới trong quản lý hành chính không chỉ là từ bỏ tư duy “quản không được thì cấm” mà còn là chuyển đổi sang tư duy “quản lý để tạo điều kiện phát triển”. Đó là sự can đảm để thừa nhận những hạn chế, kiên trì tìm giải pháp và sẵn sàng thay đổi vì lợi ích chung của xã hội. Khi quản lý bằng sự minh bạch, khoa học và hợp lý, không chỉ tránh được tổn thất do cấm đoán không cần thiết mà còn tạo nền tảng cho một xã hội thịnh vượng, công bằng và phát triển bền vững.
HOÀNG HUY
Tin mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng
Chiều 21-7, trong chuyến làm việc tại tỉnh An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Ngành Kiểm sát nhân dân góp phần kiến tạo xã hội kỷ cương, công bằng, dân chủ, văn minh
Sáng 21-7, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân (26-7-1960 / 26-7-2025), đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ VII.
Venezuela gửi lời chia buồn đến Việt Nam sau vụ chìm tàu ở Vịnh Hạ Long
Chính phủ Venezuela vừa gửi lời chia buồn sâu sắc đến Việt Nam trước thảm kịch chìm tàu du lịch Wonder Sea (tàu Vịnh Xanh) trên vịnh Hạ Long, khiến 34 người thiệt mạng.
Xung đột Hamas-Israel: Hamas cân nhắc khả năng rút khỏi đàm phán
Ngày 20-7, truyền thông khu vực dẫn các nguồn tin cho biết Phong trào Hamas đang cân nhắc khả năng gia hạn thời gian đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza vào cuối tuần này, hoặc nhóm này sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán tại Qatar và chỉ quay lại nếu các đề xuất về một thỏa thuận toàn diện được đưa ra.
Thuế quan của Mỹ: Washington để ngỏ việc duy trì mức thuế cơ bản 10%
Ngày 20-7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết nước này vẫn có ý định áp dụng thuế quan cơ bản 10% đối với nhiều quốc gia nhỏ hơn, bất chấp những gợi ý gần đây rằng mức thuế này có thể cao hơn.
Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp ứng phó bão Wipha
Sáng 21-7 (theo giờ địa phương), Trung tâm Khí tượng Trung ương Trung Quốc tiếp tục phát đi cảnh báo màu cam - mức cao thứ 2 trong thang cảnh báo bão gồm 4 cấp, về cơn bão Wipha.