Nỗi lo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025
Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chính thức áp dụng những điều chỉnh lớn về hình thức, nội dung và cách thức đánh giá.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, mục tiêu của những điều chỉnh là giảm áp lực thi cử, hướng đến đánh giá toàn diện năng lực của học sinh. Tuy nhiên, những thay đổi này cũng đang tạo ra không ít lo lắng cho học sinh, phụ huynh và cả đội ngũ giáo viên trong quá trình chuẩn bị.
Học sinh “ngợp” trước thay đổi cấu trúc đề và cách đánh giá
Một trong những điểm mới đáng chú ý là việc rút gọn số môn thi từ 6 xuống còn 4 môn. Cụ thể, thí sinh sẽ thi hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, cùng hai môn tự chọn thay vì phải thi cả tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc xã hội như trước. Kỳ thi cũng được điều chỉnh còn 3 buổi, từ đó giúp giảm thời lượng gây căng thẳng, áp lực cho học sinh.
Bên cạnh đó, cơ cấu xét tốt nghiệp thay đổi khi tỷ trọng điểm học bạ được nâng lên 50%, thay vì chỉ chiếm 30% như trước. Điều này đồng nghĩa với việc kết quả học tập 3 năm THPT sẽ có vai trò quyết định hơn trong quá trình xét tốt nghiệp.
![]() |
Sau giờ học chính khóa, nhiều học sinh lớp 12 ở TP Hà Nội tiếp tục đến các trung tâm học thêm để ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. |
Dù mục đích là giảm tải, thế nhưng với nhiều học sinh lớp 12 hiện nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 lại trở thành nỗi lo. Em Phí Nguyên Bình, học sinh Lớp 12A1, Trường THPT Khương Đình (Hà Nội), chia sẻ: “Em thực sự cảm thấy áp lực vì không chỉ phải học kỹ mà còn phải hiểu sâu để làm được bài. Đề thi năm nay không còn kiểm tra học thuộc lòng như trước mà bắt buộc phải biết vận dụng kiến thức thực tế”.
Theo định hướng mới của Bộ GD-ĐT, đề thi các môn sẽ có cấu trúc chú trọng đánh giá năng lực học sinh thay vì chỉ kiểm tra ghi nhớ. Cụ thể, tỷ lệ câu hỏi ở mức độ “vận dụng" và "vận dụng cao" tăng lên, trong đó khoảng 30% câu hỏi yêu cầu thí sinh phải biết phân tích, lập luận, giải quyết vấn đề thực tế. Với môn Ngữ văn, đề thi năm nay có thể sử dụng các văn bản ngoài sách giáo khoa, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng đọc hiểu tốt và tư duy linh hoạt.
Áp lực học tập không chỉ dừng lại ở khối lượng kiến thức mà còn đến từ việc phải làm quen với phương pháp học hoàn toàn mới trong một thời gian khá ngắn. “Chúng em vừa phải theo sát chương trình chính khóa, vừa phải luyện đề và học thêm kỹ năng làm bài. Nhiều bạn học từ sáng đến tối, không có thời gian nghỉ ngơi”, Nguyên Bình cho biết thêm. Không chỉ riêng Nguyên Bình, Nguyễn Ngọc Dũng, học sinh Lớp 12A2, Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) cũng thấy áp lực chồng chất khi đặt mục tiêu vào Trường Đại học Y Hà Nội, một trong những trường có điểm chuẩn cao.
“Em biết rõ điểm chuẩn Trường Đại học Y Hà Nội những năm gần đây đều trên 26 điểm, thậm chí có năm lên tới gần 29 điểm, nên em gần như không được phép sai sót. Chỉ một câu trắc nghiệm nhầm là có thể mất luôn cơ hội”, Ngọc Dũng chia sẻ.
Với khối lượng kiến thức nặng cộng thêm yêu cầu cao từ phía trường đại học được lựa chọn, Ngọc Dũng cho biết em gần như không có thời gian nghỉ ngơi: “Em học cả ngày, tự học đến khuya mà vẫn cảm thấy chưa đủ. Đề thi năm nay lại nhấn mạnh yếu tố vận dụng và thực tiễn, nên em không chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải tìm thêm tài liệu bên ngoài, tìm tòi, tự vận dụng lý thuyết vào thực tế. Còn hơn hai tháng nữa là bước vào kỳ thi, nhưng đôi lúc em cũng không chắc cách mình đang học có đúng hướng với cấu trúc đề thi mới hay không”.
Phụ huynh và giáo viên đồng hành, nhưng lo lắng
Không chỉ học sinh, nhiều phụ huynh cũng đang cảm thấy bối rối khi kỳ thi thay đổi quá nhanh so với những gì họ đã quen thuộc. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, phụ huynh của em Phí Nguyên Bình chia sẻ: “Gia đình tôi luôn cố gắng hỗ trợ con về mặt tinh thần và tài chính. Năm nay, cấu trúc đề thi thay đổi nhiều so với mọi năm, chúng tôi không nắm bắt được hết. Do đó, gia đình cũng gặp nhiều khó khăn để có thể tư vấn hay giúp con ôn tập hiệu quả”.
Các trung tâm giáo dục và luyện thi cũng ghi nhận xu hướng học sinh tìm đến các khóa học ôn luyện kỹ năng phân tích đề, học phương pháp làm bài theo kiểu “vận dụng” ngày càng đông. Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Cổ phần G-Corp, người đã có 10 năm kinh nghiệm trong giảng dạy môn Vật lý, cho rằng: “Học sinh cần bắt đầu xây dựng kế hoạch học tập và ôn luyện dài hạn, thay vì học dồn, học tủ như trước đây. Việc phân bổ thời gian hợp lý giữa các môn, tăng cường luyện tập thực tế và nâng cao khả năng trình bày, lập luận cũng là những yếu tố quan trọng. Đồng thời, sự đồng hành từ nhà trường, gia đình và xã hội là không thể thiếu. Khi học sinh được học tập trong một môi trường hiểu và hỗ trợ, áp lực sẽ dần được hóa giải, nhường chỗ cho sự tự tin và vững vàng bước vào kỳ thi quan trọng nhất của tuổi học trò”.
Trong bối cảnh kỳ thi đang thay đổi để phù hợp hơn với thực tiễn giáo dục hiện đại, nỗi lo của học sinh và phụ huynh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu coi đây là cơ hội để thay đổi cách học-học vì hiểu và biết áp dụng, thay vì chỉ học để thi-thì Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có thể sẽ trở thành cột mốc quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành thực sự của một thế hệ học sinh mới.
Bài và ảnh: VÂN HÀ
Tin mới
Lạng Sơn: Phát hiện, xử lý 4.100 đơn vị sản phẩm là thực phẩm nhập lậu
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6, Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn phối hợp cùng Đội 389 tỉnh Lạng Sơn và Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện phương tiện vận chuyển thực phẩm bao gói sẵn có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
Kiểm soát chặt nhiễm khuẩn bệnh viện
Tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) trong các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) giai đoạn 2025-2030 do Bộ Y tế vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, KSNK là một trong những trụ cột quan trọng trong bảo đảm an toàn cho người bệnh, chất lượng dịch vụ y tế và năng lực ứng phó của hệ thống y tế trước các bệnh truyền nhiễm.
Công đoàn Y tế Việt Nam ký kết thỏa thuận bảo đảm quyền lợi cho người lao động ngành Y
Ngày 11-4, Công đoàn Y tế Việt Nam và Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động ngành Y tế trong giai đoạn 2025-2028.
Bộ Y tế ban hành danh mục chỉ số cận lâm sàng phục vụ cho bệnh án điện tử
Ngày 11-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đã ký Quyết định số 1227/QĐ-BYT đã ban hành Danh mục mã dùng chung đối với kỹ thuật, thuật ngữ chỉ số cận lâm sàng (đợt 1).
Rộn ràng chào đón ngày truyền thống ở Trường Sĩ quan Lục quân 1
Những ngày tháng 4, có mặt tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, ngay từ cổng trường, chúng tôi nhận thấy cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống được trải khắp từ cổng trường đến các ngả đường vào từng đơn vị.
Nỗi lo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025
Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chính thức áp dụng những điều chỉnh lớn về hình thức, nội dung và cách thức đánh giá.