• Click để copy

Phát triển công nghiệp văn hóa từ lễ hội âm nhạc

Với 5 mùa biểu diễn, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo (Hozo music festival-Hozo) đã trở thành điểm nhấn cho hoạt động âm nhạc không chỉ của TP Hồ Chí Minh mà còn trên cả nước, trở thành điểm đến thu hút các nghệ sĩ khắp thế giới đến tham gia.

Hệ sinh thái âm nhạc mới

Được khởi đầu từ năm 2019, tính hết năm 2024, dù bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 nhưng Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo đã đi được 5 mùa.
Qua 5 mùa tổ chức, Hozo đã quy tụ hàng nghìn nghệ sĩ khắp thế giới cùng góp mặt để được chơi nhạc, được thể hiện, chia sẻ những dòng nhạc yêu thích của mình cùng với khán giả, tạo nên sự giao thoa văn hóa độc đáo.

Hozo là sự kiện kết hợp của nhiều thể loại âm nhạc, từ những thể loại âm nhạc phổ biến như Pop, Rock, Rap/Hip-hop, R&B, EDM, Jazz, Highlife, Funk... cho tới những dòng nhạc mang tính thể nghiệm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại như nhạc dân gian, dân ca.

Phát triển công nghiệp văn hóa từ lễ hội âm nhạc
 Tiết mục biểu diễn trong Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo 2024. Ảnh: Ban tổ chức chương trình

Qua 5 mùa, Hozo đã dần khẳng định thương hiệu, mang dấu ấn văn hóa đặc sắc, tạo điểm nhấn với nhiều nước trong khu vực.

Hozo là một lễ hội âm nhạc nhưng không chỉ có âm nhạc mà đồng hành với âm nhạc còn có rất nhiều sự kiện đi cùng, tất cả tạo nên một hệ sinh thái của lễ hội. Các show diễn trong chương trình luôn đa dạng, tạo sự kết nối tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả.

Họ cùng tham gia trải nghiệm, vui chơi, thỏa sức sáng tạo cũng như thưởng thức đa dạng sản phẩm như các hoạt động trải nghiệm đa giác quan, những hoạt động dành cho các tài năng âm nhạc, hội thảo dành cho các chuyên gia nghiên cứu thị trường âm nhạc.

Nhạc sĩ Huy Tuấn, Tổng đạo diễn của Hozo cho rằng: “Hozo không chỉ giới hạn trong một liên hoan âm nhạc đơn thuần mà còn xây dựng những diễn đàn ý nghĩa-nơi các chuyên gia quốc tế, tài năng trẻ và những người làm nghề có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm hướng đi mới. Đây là bước tiến quan trọng để nâng tầm chuyên nghiệp hóa lĩnh vực biểu diễn, góp phần định hình và phát triển ngành công nghiệp văn hóa”.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhận định: Sau 5 lần tổ chức, Hozo đã trở thành dấu ấn đặc sắc, tạo dựng nên một không gian sáng tạo, nơi kết nối bạn bè quốc tế để cùng tôn vinh và giới thiệu những giá trị độc đáo của văn hóa mỗi quốc gia. Việc Hozo mở rộng, hợp tác với các lễ hội âm nhạc quốc tế lớn trong khu vực và các mạng lưới sáng tạo toàn cầu đã đưa Hozo trở thành cầu nối giữa Việt Nam và thế giới, không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc mà còn ở các khía cạnh văn hóa, nghệ thuật và du lịch. Thông qua Hozo, TP Hồ Chí Minh không chỉ được biết đến như một trung tâm kinh tế năng động, sáng tạo, hội nhập mà còn là một điểm hẹn giao lưu văn hóa quốc tế, nơi các giá trị âm nhạc và nghệ thuật được tôn vinh và lan tỏa.

Theo đạo diễn Hữu Phương, từ thành công của Hozo, các nhà sản xuất Việt đã có thêm sự tự tin để bắt tay vào làm với những chương trình có quy mô lớn như: “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”, “Hội thuần hội 2024”, “GENfest 2024”, “Ravolution Timeline”, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”... đem lại nhiều thành công khi thu hút lượng lớn khán giả. 

Định hình phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Với quy mô vài trăm nghệ sĩ cho một mùa diễn cùng hàng trăm tiết mục âm nhạc, việc tổ chức thành công các đêm nhạc Hozo hay “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”,... thực sự là thách thức lớn với các nhà tổ chức. Từ việc xây dựng ý tưởng, mời gọi tài trợ cũng như công tác tổ chức đón tiếp khách mời, dàn dựng chương trình cả núi công việc luôn yêu cầu có sự phối hợp cực kỳ đồng bộ cũng như giải quyết các vướng mắc.

Bà Thái Thị Trúc Mai, Giám đốc điều hành Công ty Beyond-đơn vị vận hành cùng Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức các chương trình Hozo cho biết trong quá trình thực hiện, các nhà tổ chức luôn đối mặt với nhiều thách thức. Từ việc xử lý tích hợp nhiều yếu tố khác nhau trong một chương trình lớn như Hozo bao gồm công tác tổ chức vận hành, khai thác thương mại, quản trị tài chính... nhưng vẫn phải bảo đảm nội dung chương trình đầy đủ tính kết nối các yếu tố văn hóa-nghệ thuật-giải trí, đòi hỏi những người tổ chức phải có sự linh hoạt và sáng tạo trong công tác lên kế hoạch, thương lượng và làm việc với các đối tác, công tác chuẩn bị và vận hành.

“Tuy có nhiều thách thức, nhưng qua những lần tổ chức thành công đã cho chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức vận hành với các chương trình lớn, mở ra nhiều cơ hội cho chúng tôi có thể bắt tay vào với các chương trình tương tự, sẽ tổ chức trong thời gian tới”, bà Thái Thị Trúc Mai cho biết thêm.

Nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng, các nhà tổ chức đang gặt hái được một số thành công  nhưng cũng cho thấy nhu cầu của khán giả đối với văn hóa, nghệ thuật và âm nhạc giải trí. Âm nhạc ngày càng khẳng định vị trí mũi nhọn trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa và năm 2025 chắc chắn nhạc Việt sẽ ngày càng rực rỡ hơn với việc bùng nổ liveshow, concert, lễ hội âm nhạc có lượng khán giả kỷ lục. Đây là thời điểm vàng để các nghệ sĩ, mạng lưới các doanh nghiệp trong ngành, các cơ quan quản lý và người yêu âm nhạc cùng chung tay xây dựng thị trường âm nhạc.

Việc hàng chục sự kiện giải trí quy mô lớn được tổ chức thành công cho thấy năng lực tổ chức sự kiện biểu diễn ở Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp. Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành văn hóa, thể thao, du lịch năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc đến thành công của hai chương trình “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai”; đồng thời gợi ý nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt như hai chương trình nói trên để góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng của ngành nghệ thuật và nếu như trước đây có những chương trình bán mãi không hết vé thì bây giờ có chương trình không có vé để bán.

Với các lễ hội, sự kiện âm nhạc, các nhà sản xuất chương trình đều có chung quan điểm những bước đi tiếp theo sẽ tập trung vào việc lắng nghe cộng đồng, đánh giá chất lượng tổ chức, học hỏi từ các mô hình thành công trong nước và quốc tế, xứng đáng với kỳ vọng của người dân, góp phần xây dựng ngành công nghiệp nghệ thuật biểu diễn “made in Việt Nam”.

Tại Giải thưởng Cống hiến lần thứ 19 năm 2025, vừa được Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) công bố, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo đã nằm trong hạng mục đề cử Chuỗi chương trình của năm. Đây là lần thứ 3 Hozo nhận được đề cử tại giải thưởng Cống hiến và năm 2020, Hozo đã được nhận giải thưởng này. Theo đánh giá của Ban tổ chức giải thưởng, trong hàng loạt chương trình đình đám của năm 2024, bên cạnh các chương trình truyền hình được đề cử thì Hozo cũng là lễ hội âm nhạc duy nhất có mặt. Điều này cho thấy nỗ lực của Hozo đã tạo nên một điểm đến văn hóa, một lễ hội âm nhạc quốc tế đúng nghĩa khi quy tụ hàng trăm nghệ sĩ đến từ khắp thế giới, mang lại cơ hội thưởng thức âm nhạc phong phú cho khán giả là một bước đi đúng đắn.

HỮU QUÂN

Tin mới

Nghị quyết về tổ chức các cơ quan của Quốc hội
Nghị quyết về tổ chức các cơ quan của Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 178/2024/QH15 của Quốc hội về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội.

Công bố Quyết định kiểm tra của Bộ Chính trị đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng
Công bố Quyết định kiểm tra của Bộ Chính trị đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng

​Ngày 21-2, tại TP Đà Nẵng, đoàn kiểm tra số 1909 của Bộ Chính trị đã công bố quyết định kiểm tra năm 2025 của Bộ Chính trị đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.

Thời tiết hôm nay (22-2): Không khí lạnh tăng cường
Thời tiết hôm nay (22-2): Không khí lạnh tăng cường

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết hôm nay, 22-2: Bộ phận không khí lạnh đã báo đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng gần sáng ngày 23-2, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3-4, vùng ven biển cấp 4-5, có nơi giật cấp 6.

Chuẩn bị nhân lực cho điện hạt nhân
Chuẩn bị nhân lực cho điện hạt nhân

Quốc hội vừa quyết định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Chính phủ đang thực hiện tổng lực, đồng bộ các giải pháp, trong đó có sự chuẩn bị nguồn nhân lực để xây dựng, đưa dự án này vận hành trong các năm 2030-2031.

Ghế nóng: Tai tiếng từ vấn đề trọng tài
Ghế nóng: Tai tiếng từ vấn đề trọng tài

Kể từ khi Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam (V-League) lên chuyên nghiệp vào năm 2000, gần như mùa nào cũng có lùm xùm giữa các câu lạc bộ với đội ngũ trọng tài. Dù nhiều trận đấu ở mùa giải 2024-2025 được áp dụng công nghệ VAR (video hỗ trợ trọng tài), một lần nữa vấn đề trọng tài lại nóng lên.

Tỷ giá USD hôm nay (22-2): Đồng USD phục hồi phiên chốt tuần
Tỷ giá USD hôm nay (22-2): Đồng USD phục hồi phiên chốt tuần

Tỷ giá USD hôm nay (22-2): Rạng sáng 22-2, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 5 đồng, hiện ở mức 24.638 đồng.