Phiên họp Hội đồng CPTPP cấp Bộ trưởng lần thứ 8
Đoàn đại biểu Việt Nam gồm đại diện các Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Công an và Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn.
Phiên họp Hội đồng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lần thứ 8 và chuỗi các sự kiện liên quan đã được tổ chức từ ngày 26 đến 28 tháng 11 năm 2024 tại Vancouver, Ca-na-đa. Phiên họp được chủ trì bởi bà Mary Ng, Bộ trưởng Xúc tiến xuất khẩu, Phát triển kinh tế và thương mại quốc tế Ca-na-đa, nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của CPTPP trong năm 2024. Tham gia phiên họp là Bộ trưởng và Quan chức cấp cao của các nước Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Ma-lai-xi-a, Nhật Bản, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po, Việt Nam và Vương quốc Anh.
Đoàn đại biểu Việt Nam gồm đại diện các Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Công an và Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn.
Tại phiên họp, các Thành viên CPTPP đều bày tỏ việc Hiệp định chính thức có hiệu lực với Vương quốc Anh kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2024 là một dấu mốc quan trọng không chỉ đối với Vương quốc Anh và CPTPP mà cả đối với thương mại toàn cầu nói chung, góp phần quan trọng vào việc nâng cao lợi ích của Hiệp định này với các nước CPTPP cũng như các nước quan tâm đến xây dựng quan hệ thương mại và đầu tư dựa trên các quy tắc mở và ổn định. Cho đến nay, đã có 9/11 Thành viên CPTPP chính thức hoàn tất quá trình phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh và chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để để có thể thực thi ngay các cam kết từ ngày 15 tháng 12 năm 2024.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của CPTPP là tiếp tục kiểm điểm lại quá trình thực thi Hiệp định cũng như nắm bắt các vấn đề mới nổi lên trong thương mại toàn cầu để có thể giúp CPTPP luôn là Hiệp định có tiêu chuẩn cao, đáp ứng tốt nhất lợi ích của các Thành viên. Trong bối cảnh đó, các Bộ trưởng đã nghe báo cáo về công tác Rà soát thực thi Hiệp định trong năm 2024 và đề ra các chỉ đạo cần thiết về các nội dung cần tập trung hoàn thành trong thời gian tới.
Đối với việc kết nạp thành viên mới, các Bộ trưởng ghi nhận ngày càng có nhiều nền kinh tế quan tâm đến việc gia nhập Hiệp định CPTPP. Điều này cho thấy sức hút cũng như tầm quan trọng ngày càng được mở rộng của CPTPP trong thương mại khu vực và trên thế giới. Tại phiên họp, các Thành viên CPTPP đã thống nhất khởi động quy trình đàm phán gia nhập đối với Costa Rica cũng như thúc đẩy quá trình xem xét đơn xin gia nhập của những nền kinh tế khác, đảm bảo Hiệp định luôn sẵn sàng mở cửa chào đón các nền kinh tế có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao và tuân thủ đúng quy trình, thủ tục gia nhập của Hiệp định.
Trên cơ sở đồng thuận, các Bộ trưởng đã thống nhất thông qua: (i) Tuyên bố Vancouver; (ii) Quyết định khởi động đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP đối với Costa Rica; và (iii) Quyết định về Danh sách Chủ tịch và Phó Chủ tịch luân phiên CPTPP giai đoạn 2025-2031.
Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, được các nước ghi nhận và đánh giá cao, góp phần vào các kết quả thành công chung của phiên họp. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy rà soát Hiệp định để Hiệp định tiếp tục giữ vị thế “tiêu chuẩn vàng” và là minh chứng điển hình cho FTA thế hệ mới. Với ý nghĩa và mục tiêu đó, hoạt động rà soát thực thi Hiệp định không chỉ mang tính tổng kết những việc đã làm được, mà còn làm rõ những vấn đề mới nổi để cùng nhau thảo luận, bàn giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa Hiệp định với sự phát triển không ngừng và không đều của các nền kinh tế trong khu vực và thế giới trên cơ sở tôn trọng những điểm khác biệt của mỗi nước thành viên. Do vậy, để hoạt động Rà soát thực thi Hiệp định đạt được hiệu quả cao hơn, nhất là trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Bộ trưởng đề nghị các Thành viên CPTPP xác định những vấn đề ưu tiên và hài hoà hoá các sáng kiến để tập trung thảo luận và từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp cụ thể, khả thi. Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ các nước xử lý khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian tới, Bộ trưởng cũng đề nghị Hội đồng xem xét cho thành lập Ban Thư ký CPTPP từ năm 2025. Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với các Thành viên CPTPP trong tất cả các hoạt động của Hiệp định trong thời gian tới, góp phần củng cố vị thế của Hiệp định là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, là hình mẫu hợp tác kinh tế mang tính toàn cầu của thế kỷ 21, và đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân của các nước thành viên.
Phiên họp Hội đồng cấp Bộ trưởng Hiệp định CPTPP lần thứ 9 sẽ được tổ chức trong năm 2025 do Ốt-xtrây-li-a giữ vai trò Chủ tịch và Việt Nam cùng Ca-na-đa giữ vai trò Phó Chủ tịch.
Hiệp định CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia. Hiệp định chính thức có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 14 tháng 01 năm 2019. Ban đầu, Hiệp định CPTPP có 11 Thành viên, bao gồm: Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Ma-lai-xi-a, Nhật Bản, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam. Vừa qua, các nước CPTPP đã kết thúc đàm phán và ký Nghị định thư gia nhập của Vương quốc Anh. Cho đến nay, đã có 9/11 Thành viên CPTPP hoàn tất thủ tục phê chuẩn việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP và Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực với Vương quốc Anh và các nước này kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2024. Việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP chính thức gia nhập CPTPP là sự kiện mang nhiều ý nghĩa quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên CPTPP kết nạp một Thành viên mới và là Thành viên được đánh giá là nhiều tiềm năng, ở ngoài khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển mới trong khuôn khổ Hiệp định. Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam đã có các buổi làm việc với nước Chủ tịch Ca-na-đa, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Xinh-ga-po và Bộ trưởng cũng như Trưởng đoàn nhiều nước để thảo luận và thống nhất các nội dung cần ưu tiên trong CPTPP cũng như các giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước. Về phía Việt Nam, Hiệp định CPTPP đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các Thành viên CPTPP đạt 76,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 41,4 tỷ USD, tăng 11,6% và nhập khẩu đạt 34,8 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. |
Tin mới
Bổ sung nhiều quy định chuyên biệt, nhân văn dành cho người chưa thành niên
Sáng 30-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên với tỷ lệ tán thành cao.
Ukraine sẵn sàng từ bỏ lãnh thổ cho Nga để đổi lấy hòa bình
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu tiên tuyên bố nước này có thể tạm thời nhượng đất để đổi lấy sự bảo vệ từ “chiếc ô Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.
Quân sự thế giới hôm nay (30-11): Nga sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo Oreshnik
Quân sự thế giới hôm nay (30-11-2024) có những nội dung sau: Nga sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo Oreshnik; Nhật Bản hạ thủy tàu hỗ trợ đổ bộ YOKO; Máy bay không người lái đánh chặn HitchHiker của Mỹ hoạt động thử nghiệm tại Ukraine.
Trung Quốc thúc đẩy phát triển nền kinh tế băng tuyết
Trong những năm tới, Trung Quốc sẽ áp dụng một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế băng tuyết, đưa ngành này trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, với quy mô dự kiến đạt 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 207 tỷ USD) vào năm 2030.
Mexico muốn ngăn chặn cuộc chiến thuế quan với Mỹ
Ngày 28-11, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum bày tỏ tin tưởng rằng có thể ngăn chặn được cuộc chiến thuế quan giữa nước này và Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump thông báo dự định sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico ngay ngày đầu tiên nhậm chức.
Hải đoàn 38 Biên phòng bắt giữ tàu chở than không rõ nguồn gốc
Thực hiện Kế hoạch cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Biên đội tuần tra Hải đoàn 38 Biên phòng phát hiện, kiểm tra phương tiện vận tải biển chở hàng hoá không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp.