• Click để copy

Phúc thẩm vụ án FLC: Bị cáo Trịnh Văn Quyết tiếp tục vắng mặt tại tòa vì lý do sức khỏe

Ngày 25-3, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC).

Trước phiên phúc thẩm, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết có đơn xin xét xử vắng mặt hoặc hoãn phiên tòa với lý do sức khỏe. Bị cáo cho biết trong quá trình điều trị bệnh lao ác tính, do dị ứng thuốc nên bị ho ra máu, viêm gan, viêm dạ dày, suy thận cấp và đang phải điều trị tích cực.

Trong phần thủ tục, chủ tọa phiên tòa thông báo, Bệnh viện 19-8 có xác nhận bị cáo Trịnh Văn Quyết đang điều trị bệnh lao ác tính, viêm dạ dày, suy thận cấp. Cũng theo thông báo từ chủ tọa, bệnh viện xác nhận bị cáo Quyết cùng lúc mắc nhiều bệnh, phải thở máy, thở oxy và "nguy cơ tử vong cao". Do tình hình sức khỏe yếu nên ông Trịnh Văn Quyết không thể ra tòa.

Phúc thẩm vụ án FLC: Bị cáo Trịnh Văn Quyết tiếp tục vắng mặt tại tòa vì lý do sức khỏe
 Các bị cáo được dẫn giải đến phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: tuoitre.vn

Nhiều bị cáo khác và một số luật sư cũng có đơn xin xét xử vắng mặt. Theo thông báo từ thư ký phiên tòa, 5 bị hại có đơn xin xét xử vắng mặt. 392 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo, trong đó 127 người có đơn xin xét xử vắng mặt.

* Trước đó, vào cuối tháng 12-2024, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án FLC, tuy nhiên, do nhiều bị cáo, bị hại vắng mặt nên Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa. Trong đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) có đơn xin vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đầu tháng 8-2024, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 3 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", tổng hợp hình phạt là 21 năm tù. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Quyết có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm trách nhiệm bồi thường dân sự.

Ở giai đoạn sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết được cơ quan tố tụng ghi nhận đã nộp hơn 254 tỷ đồng. Sau phiên tòa sơ thẩm, vợ bị cáo Quyết đã nộp thêm 203 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho chồng. Đến ngày 19-12-2024, vợ ông Quyết nộp tiếp 150 tỷ đồng. Tổng số tiền cựu Chủ tịch FLC cùng gia đình đã nộp khắc phục hậu quả là hơn 600 tỷ đồng.

Hai bị cáo khác trong vụ án là em gái của bị cáo Quyết (Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga) đã nộp tiền khắc phục và thừa nhận trách nhiệm dân sự mà bản án sơ thẩm đã tuyên.

Trước phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga được gia đình nộp 86 tỷ đồng và bị cáo Trịnh Thị Minh Huế hơn 254 tỷ đồng. Ngoài ra, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã nộp thêm 27 tỷ đồng.

Thông tin từ luật sư cho biết thêm, trước phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả cho 133 bị hại là những người còn nắm giữ cổ phiếu họ FLC từ đầu.

Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 5-2017 đến tháng 1-2022, bị cáo Trịnh Văn Quyết chỉ đạo người thân, cấp dưới mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.

Các bị cáo sau đó thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu là AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến tháng 9-2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), các công ty thuộc Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Sau đó bị cáo Quyết niêm yết bán cổ phần, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

TTXVN

Tin mới

Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin

Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.

Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện

Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.

Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?

Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.

TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng

Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.

Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao

Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B

Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.