• Click để copy

Quản lý dạy thêm, học thêm: Chỉ Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT là chưa đủ - Bài 3: Giáo dục cần tiếp tục đổi mới (Tiếp theo và hết)

Khi phương pháp dạy và học đã thay đổi thì việc tổ chức đánh giá năng lực học sinh cũng cần thay đổi; đổi mới cả cách đánh giá chất lượng giáo viên, nhà trường chứ không thể chỉ dựa vào kết quả, thành tích như hiện nay.

Cùng với đó là có thêm chính sách thu hút nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục ngoài công lập hướng tới bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Đổi mới cách đánh giá

Một trong những lý do khiến dạy thêm, học thêm tồn tại nhiều năm qua là chất lượng giáo dục của các trường hiện nay chưa đều nhau. Trong khi đó, phụ huynh luôn mong muốn con em mình được học tại những trường “đẹp”, có giáo viên giỏi. Tuy nhiên, cái “đẹp” đó lại chưa được nhìn nhận, đánh giá một cách tổng quát, chính xác, khách quan mà hầu hết chỉ dựa vào “mác” được gắn là trường điểm, trường chuẩn, vào tỷ lệ đỗ đạt... Mặt khác, muốn vào được những trường ấy, học sinh phải có hồ sơ đẹp-chính là điểm số. Vậy nên, phụ huynh đua nhau cho con đi học thêm, thậm chí nài nỉ giáo viên dạy thêm để con có những điểm số đẹp, dẫn đến áp lực thi cử.

Quản lý dạy thêm, học thêm: Chỉ Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT là chưa đủ - Bài 3: Giáo dục cần tiếp tục đổi mới (Tiếp theo và hết)
Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội. Ảnh: TUẤN TRANG 

PGS, TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng, thi thì đương nhiên phải áp lực và học thì phải có thi, có kiểm tra đánh giá năng lực của người học. Vậy nên, không nên nghĩ thi thế nào cho nhẹ nhàng. Nhưng vấn đề ở đây là áp lực về kiến thức chứ không phải điểm số. Bà khẳng định, chỉ có dạy thật, học thật, thi thật thì chất lượng giáo dục mới được nâng lên; đạt được mục tiêu cốt lõi của giáo dục và đề xuất: “Đề thi phải phát huy tính sáng tạo của học sinh chứ không phải việc nhớ nhiều, nhớ ít, "bày cỗ" sẵn để học sinh nhớ lại, làm lại. Khi học sinh biết, hiểu sâu và biết cách vận dụng thì mới là kết quả chính xác”. Đồng tình với quan điểm này, PGS, TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nói thêm: “Không dạy thêm, học thêm tràn lan sẽ giúp đánh giá chính xác chất lượng giảng dạy. Nhà trường và giáo viên cần khẳng định thương hiệu bằng chất lượng dạy học chính khóa, thay vì dựa vào tỷ lệ đỗ đạt nhờ học thêm. Đồng thời, công tác thi cử, kiểm tra cần đổi mới để tránh tình trạng học thêm mới có thể đạt điểm cao”.

Đề cập vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, cần phải thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá chất lượng của nhà trường. Theo đó, cần phải xem cán bộ quản lý nhà trường có giúp khơi dậy được tính sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của giáo viên không; giáo viên có giúp học sinh say mê, biết cách tìm tòi, sáng tạo, vận dụng kiến thức không... Điều này sẽ tạo ra chất lượng giáo dục đồng đều giữa các trường học, từ đó giảm thiểu những vấn đề tiêu cực trong giáo dục như hoạt động dạy thêm, học thêm và tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Để làm được việc này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, ngành giáo dục cần hướng tới xây dựng mô hình trường học đáp ứng nhu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới của đất nước là nhà trường “Tự chủ-dân chủ-nhân văn-sáng tạo-hội nhập” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Kết luận số 91-KL/TW ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Thực hiện tốt các chính sách về giáo dục

Thực tế cho thấy, phần lớn phụ huynh đều có mong muốn con em mình tiếp tục được theo học THPT sau khi tốt nghiệp THCS. Đây là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng. Hơn nữa, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân là một trong những mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, do thi tuyển vào các trường THPT công lập ngày càng khó, cho con theo học trường ngoài công lập thì không có điều kiện nên học thêm vẫn là giải pháp đầu tiên phụ huynh nghĩ đến. Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có chính sách cụ thể hóa giải pháp “đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo” mà Nghị quyết số 29-NQ/TW đề ra. Tuy nhiên, để nguồn lực này mang lại hiệu quả, chính sách đưa ra cần kiểm soát được chất lượng đào tạo, như thế mới không lãng phí và mang lại ý nghĩa nhân văn. Bởi thực tế cho thấy, còn có tình trạng đầu tư vào giáo dục nhưng chỉ nhằm mục tiêu thu lợi chứ chưa thực sự vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực nói chung. Đó còn là việc nhiều trường tư thục gắn “mác” quốc tế để thu học phí cao, khiến người dân khó tiếp cận.

Trước thực tế này và mong muốn đầu tư cho phát triển giáo dục của bản thân, TS Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ: “Nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW đề cập vấn đề “tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học; có chính sách hỗ trợ để có mặt bằng xây dựng trường”. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ mặt bằng, đơn giản các thủ tục đầu tư. Như vậy sẽ khuyến khích được các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục, đồng thời, giảm được gánh nặng về học phí”.

Bảo đảm đời sống giáo viên cũng là giải pháp được đề cập nhiều nhằm góp phần hạn chế dạy thêm, học thêm. Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị nêu rõ: “Thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Đây là chủ trương rất hợp lý và cần sớm thực hiện. Bởi giáo viên là những “máy cái” để đào tạo ra nguồn nhân lực, nguồn lao động chất lượng cho xã hội. Giáo viên phải là những người có tâm, có tầm, có đức, có trí tuệ, có yên tâm công tác thì mới hoàn thành tốt sứ mệnh “trồng người”.

ĐỨC TUẤN - HUYỀN TRANG

Tin mới

Cảnh giác với các hội, nhóm tuyên truyền, sử dụng, mua bán trang phục lính ngụy trên không gian mạng
Cảnh giác với các hội, nhóm tuyên truyền, sử dụng, mua bán trang phục lính ngụy trên không gian mạng

Thời gian qua, nhiều bài viết, hình ảnh được đăng tải trên các hội, nhóm, trang mạng xã hội của một số người sử dụng, mua bán trang phục lính ngụy gây khó chịu, phản cảm cho người đọc, người nhìn và bức xúc trong dư luận.

Vụ ngộ độc rượu: 1 người tử vong, 5 người được cứu
Vụ ngộ độc rượu: 1 người tử vong, 5 người được cứu

Liên quan đến vụ ngộ độc rượu khiến 6 người nhập viện cấp cứu, chiều 1-4, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh thông tin, nạn nhân P.N.Q.K. (25 tuổi, ở tỉnh Tiền Giang) đã tử vong.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Nhà vua Vương quốc Bỉ
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Nhà vua Vương quốc Bỉ

Ngày 1-4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Nhà vua Vương quốc Bỉ Philippe đang thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.

Trình Chính phủ văn bản tinh gọn bộ máy trước ngày 6-4
Trình Chính phủ văn bản tinh gọn bộ máy trước ngày 6-4

Ngày 1-4, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật đã họp phiên thứ 5, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Lê Thành Long, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Thúc đẩy hợp tác khoa học, nghiên cứu và đào tạo giữa Việt Nam và Bỉ
Thúc đẩy hợp tác khoa học, nghiên cứu và đào tạo giữa Việt Nam và Bỉ

Ngày 1-4, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà Vua và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ, đoàn Bộ trưởng - Thủ hiến Bỉ cùng lãnh đạo các đại học, cơ quan nghiên cứu đã có chuyến thăm Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).

Động đất tại Myanmar: “Phép màu” sau 91 giờ bị vùi lấp dưới đống đổ nát
Động đất tại Myanmar: “Phép màu” sau 91 giờ bị vùi lấp dưới đống đổ nát

Lực lượng cứu hộ tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar đã giải cứu thành công một phụ nữ 63 tuổi vào sáng 1-4, sau 91 giờ bị chôn vùi dưới đống đổ nát.