Quân sự thế giới hôm nay (14-4): S-400 hay R-37 bắn hạ F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (14-4) gồm các nội dung sau: S-400 hay R-37 của Nga bắn hạ F-16 của Ukraine? Thụy Sĩ sẽ mua 4 hoặc 5 hệ thống phòng không IRIS-T SLM; Uzbekistan chọn máy bay Trung Quốc để “thay máu” phi đội?
* S-400 hay R-37 của Nga bắn hạ F-16 của Ukraine?
Bulgarian Military dẫn thông báo từ không quân Ukraine xác nhận một tiêm kích F-16 đã bị bắn hạ trong một nhiệm vụ chiến đấu ở khu vực Sumy trong ngày 12-4. Cùng ngày, lực lượng này thông báo, phi công Pavlo Ivanov, 26 tuổi, đã tử nạn khi thực hiện nhiệm vụ.
Các nguồn tin quân sự Ukraine cho biết, một tên lửa từ hệ thống đất đối không S-400 hoặc tên lửa không đối không R-37 có khả năng đã bắn hạ chiếc F-16. Cụ thể, 3 tên lửa được cho là đã được phóng vào chiếc F-16 xấu số, trong đó 1 quả (hoặc từ hệ thống S-400 hoặc là tên lửa R-37) đánh trúng mục tiêu. Giới chức Ukraine cũng loại trừ khả năng F-16 bị bắn hạ do nhầm lẫn, khẳng định rằng không có hệ thống phòng không Ukraine nào hoạt động trong khu vực xảy ra vụ việc.
![]() |
Phương Tây đã cung cấp cho Ukraine một số lượng đáng kể tiêm kích F-16 nhằm giúp nước này nâng cao khả năng phòng không và ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa cũng như máy bay không người lái. Ảnh: VCG |
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, chiếc F-16 bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không, nhưng không nói rõ thuộc loại nào. Sự thiếu bằng chứng cụ thể khiến vẫn còn nghi vấn về loại vũ khí chính xác. Tuy nhiên, theo Bulgarian Military, trong khi việc Ukraine mất máy bay và phi công luôn thu hút sự chú ý, thì mặt khác, vũ khí được sử dụng để bắn hạ chiếc tiêm kích này cũng tiết lộ nhiều hơn về diễn biến chiến thuật trong xung đột đang diễn ra giữa Moscow và Kiev.
Cụ thể, lựa chọn giữa tên lửa đánh chặn từ mặt đất hoặc tên lửa không đối không tầm xa cho thấy sự thích nghi chiến lược của Nga, đồng thời phản ánh những thách thức mà Ukraine gặp phải trong việc tích hợp công nghệ phương Tây hiện đại vào môi trường chiến tranh khốc liệt và rủi ro cao.
Dù là hệ thống S-400 hay tên lửa R-37 bắn trúng mục tiêu, nó đều phản ánh chiến lược rộng hơn của Nga là tạo ra một “vùng cấm bay” trên phần lớn tiền tuyến của Ukraine. Trong đó, S-400 phát huy vai trò của cách tiếp cận này từ mặt đất và làm phức tạp khả năng cơ động tự do của Ukraine, còn R-37M mở rộng khả năng kiểm soát đó lên không, cho phép quân đội Nga tiêu diệt các mục tiêu từ ngoài phạm vi bị phản công.
Được biết, đây là tổn thất thứ hai liên quan đến tiêm kích F-16 ở Ukraine. Trước đó, vào tháng 8-2024, chính quyền Kiev xác nhận bị mất chiếc tiêm kích F-16 đầu tiên (gặp nạn ngay trong lần đầu tham chiến).
* Thụy Sĩ sẽ mua 4 hoặc 5 hệ thống phòng không IRIS-T SLM
Theo Army Recognition, Thụy Sĩ có kế hoạch mua 4 hoặc 5 hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T SLM từ hãng Diehl Defence của Đức. Các nhà đàm phán hai bên đang tích cực thương thuyết.
Cơ quan mua sắm quốc phòng của Thụy Sĩ (Armasuisse) dự kiến sẽ ký hợp đồng vào quý III năm nay, như một phần của sáng kiến phòng thủ chung “Sky Shield” (Lá chắn Bầu trời) nhằm mục đích tăng cường khả năng bảo vệ trên khắp châu Âu, mà nước này là một thành viên.
![]() |
Thụy Sĩ sẽ là khách hàng tiếp theo biên chế hệ thống IRIS-T của Đức. Ảnh: Getty Images |
Armasuisse nêu rõ, các hệ thống IRIS-T SLM trong tương lai sẽ góp phần duy trì chủ quyền trên không và phòng không cũng như bảo vệ nước này chống lại các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa. Những hệ thống này sẽ là một phần của tổ hợp phòng không tích hợp của Thụy Sĩ.
Các hệ thống IRIS-T SLM hiện có trong biên chế quân đội Đức và Ukraine (do Berlin viện trợ). Latvia đã đặt hàng hệ thống này vào tháng 11-2023, trong khi Slovenia và Bulgaria tiếp bước vào năm ngoái. Một khẩu đội IRIS-T SLM thường bao gồm 1 xe kiểm soát hỏa lực, 1 xe radar và nhiều xe phóng tên lửa.
IRIS-T được thiết kế để đánh chặn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cũng như máy bay phản lực, trực thăng và máy bay không người lái. Bệ phóng có thể dựa trên khung gầm bánh lốp (MAN 8×8) hoặc bánh xích (xe địa hình BvS10), mang theo 4 hoặc 8 thùng chứa tên lửa để phóng thẳng đứng. IRIS-T có hai chế độ bắn: Khóa mục tiêu trước khi phóng và khóa sau khi phóng, cho phép đánh chặn hiệu quả mục tiêu tại mọi góc độ, trong nhiều điều kiện giao tranh. Phiên bản SLM có thể bắn trúng mục tiêu trên không ở khoảng cách 40km, còn với phiên bản tầm ngắn SLS là khoảng 25km.
* Uzbekistan chọn máy bay Trung Quốc để “thay máu” phi đội?
Tạp chí Military Watch đưa tin, gần đây có nhiều báo cáo cho biết Trung Quốc đã “bật đèn xanh” cho việc bán máy bay chiến đấu tiên tiến cho Uzbekistan, một động thái báo hiệu mối quan hệ hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh và quốc gia Trung Á này.
![]() |
Tiêm kích J-35 có thể được Trung Quốc bán cho Uzbekistan. Ảnh: Eurasiantimes |
Các nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Uzbekistan cho biết, thương vụ này có thể liên quan đến các máy bay chiến đấu hiện đại như JF-17 Block III, J-10C hoặc thậm chí là J-35 thế hệ thứ năm, mặc dù chưa có xác nhận chính thức nào về mẫu máy bay cụ thể được Tashkent lựa chọn.
Trong khi đó, Không quân Uzbekistan phụ thuộc nhiều vào các máy bay chiến đấu do Liên Xô thiết kế như Su-27 và MiG-29, vốn đều sắp hết thời hạn hoạt động. Ngoài ra, Uzbekistan cũng đang tích hợp các hệ thống phòng không của Trung Quốc, bao gồm HQ-9B, FM-90 và KS-1C, như một phần trong kế hoạch thay thế kho vũ khí đã cũ từ thời Liên Xô.
Military Watch nhận định, thỏa thuận này có thể đánh dấu một chương mới, không chỉ đối với lực lượng không quân của Uzbekistan mà còn đối với tham vọng của Trung Quốc trở thành nhà cung cấp vũ khí toàn cầu.
MINH ANH (tổng hợp)
Tin mới
Bắt giữ 2 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy
Ngày 15-4, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ, bàn giao đối tượng, tang vật vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy xảy ra trên địa bàn xã Na Mèo, huyện Quan Sơn cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra xử lý.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Chiều 15-4, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc đã rời sân bay quốc tế Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 14 đến 15-4.
Những địa phương nào dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế trong quý I năm 2025?
Quý I năm 2025, có 43 địa phương có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng của cả nước; trong đó có 5 địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng...
Giá vàng chiều nay (15-4): Tăng mạnh
Giá vàng chiều nay 15-4, theo ghi nhận, giá vàng trong nước tăng mạnh, nhiều thương hiệu tăng từ 500 đến 900 nghìn đồng/lượng.
Hà Nội: Tạm di dời 9 hộ dân để khoan ngầm metro Nhổn - Ga Hà Nội
Sáng 15-4, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, để chuẩn bị, đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình thi công tuyến hầm bằng máy khoan TBM 1 từ ga S10 - Cát Linh đến ga S11 - Văn Miếu, dự án metro Nhổn- Ga Hà Nội đã tổ chức di dời tạm thời 9 hộ dân trong khu vực.
Bộ Y tế đề xuất chế độ phụ cấp đặc thù với nhân viên y tế bao gồm cả sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp
Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập, chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ hỗ trợ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản. Đáng chú ý, Bộ Y tế đề xuất người công tác trong các cơ sở y tế của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cũng được hưởng chính sách này.