Quân sự thế giới hôm nay (4-7): Ấn Độ phát triển tên lửa đạn đạo K-6
Quân sự thế giới hôm nay (4-7) có những nội dung sau: Đức bắn thử thành công tên lửa tấn công hải quân từ bệ phóng tên lửa MARS 3; Ba Lan hạ thủy tàu trinh sát vô tuyến điện tử Jerzy Rozycki; Ấn Độ phát triển tên lửa đạn đạo K-6.
* Đức bắn thử thành công tên lửa tấn công hải quân từ bệ phóng tên lửa MARS 3
Đức vừa tiến hành bắn thử nghiệm thành công tên lửa tấn công hải quân (NSM) từ bệ phóng tên lửa MARS 3. Tên lửa NSM do Tập đoàn Kongsberg (Na Uy) cung cấp, có tổng trọng lượng 407kg, mang theo đầu đạn nặng 125kg.
MARS 3 là cấu hình châu Âu của hệ thống phóng chính xác và phổ quát (PULS) do Công ty Elbit Systems (Israel) thiết kế và phát triển. Hồi tháng 2 vừa qua, Đức đã ký hợp đồng trị giá 55 triệu euro để mua 5 bệ phóng này.
MARS 3 được tích hợp vào khung gầm Iveco Trakker 8x8 nhưng vẫn có thể đặt trên các xe xích Scania 8x8, Tatra 6x6 và BAE. Bệ phóng có trọng lượng dưới 40 tấn, có tầm bắn hiệu quả 300km tùy đạn, có khả năng bắn 12 tên lửa/phút.
![]() |
Tên lửa tấn công hải quân (NSM) được thiết kế để chống hạm và tấn công trên bộ. Ảnh: KNDS Deutschland |
Bệ phóng MARS 3 có cấu trúc mô-đun mở, có khả năng phóng nhiều loại tên lửa và rocket, bao gồm Accular 122mm (35km), Accular 160mm (40km), EXTRA (150km), Predator Hawk (300km), máy bay không người lái SkyStriker, mìn chống tăng AT2 (150km) và NSM (hơn 250km). Trong tương lai, nó có thể tích hợp với tên lửa hỗ trợ hỏa lực chung (JFSM), tầm bắn lên tới 499km.
Tên lửa tấn công hải quân được thiết kế để chống hạm và tấn công trên bộ. Tên lửa có hệ thống dẫn đường quán tính INS hỗ trợ định vị toàn cầu GPS, TERCOM, máy đo độ cao bằng laser và đầu dò hồng ngoại hình ảnh (IIR), cho phép phát hiện và phân biệt mục tiêu tự động. Tên lửa đạt tốc độ bay Mach 0,93 (khoảng 1.149km/giờ), có tầm bắn tiêu chuẩn hơn 185km, trong khi biến thể Block 1A do Đức đặt hàng có tầm bắn hơn 300km. Tên lửa có thể được phóng từ tàu hải quân, bệ phóng trên bộ và máy bay.
Việc tích hợp tên lửa NSM vào bệ phóng MARS 3 phù hợp với nỗ lực của Đức nhằm hiện đại hóa khả năng tấn công sâu trên bộ.
* Ba Lan hạ thủy tàu trinh sát vô tuyến điện tử Jerzy Rozycki
Hải quân Ba Lan vừa hạ thủy tàu trinh sát vô tuyến điện tử Jerzy Rozycki tại cơ sở đóng tàu Remontowa ở Gdansk (Ba Lan).
Theo Militarnyi, trước khi giao hàng, Jerzy Rozycki sẽ được trang bị các hệ thống trinh sát chuyên dụng và trải qua một loạt các cuộc thử nghiệm trên biển. Dự kiến, tàu sẽ thuộc biên chế của Hải quân Ba Lan từ năm 2026.
![]() |
Jerzy Rozycki là một trong hai tàu trinh sát vô tuyến điện tử thuộc Dự án 107 mà Ba Lan đặt hàng Tập đoàn Saab của Thụy Điển đóng theo hợp đồng trị giá khoảng 620 triệu euro ký năm 2022. Ảnh: Peter Bojarski/PCD |
Jerzy Rozycki là một trong hai tàu trinh sát vô tuyến điện tử thuộc Dự án 107 mà Ba Lan đã đặt hàng Tập đoàn Saab của Thụy Điển đóng theo hợp đồng trị giá khoảng 620 triệu euro ký năm 2022. Thỏa thuận bao gồm thiết kế, đóng tàu, giao hàng và hỗ trợ hậu cần cho 2 tàu lớp Delfin.
Việc mua sắm, theo Naval Technology, nhằm mục đích tăng cường năng lực tình báo hàng hải của quân đội Ba Lan thông qua hệ thống vô tuyến điện tử hàng hải tiên tiến. Các tàu mới sẽ được tích hợp vào nhóm tàu trinh sát của Đội tàu chiến số 3 và đồn trú tại Căn cứ Hải quân ở Gdynia.
Các tàu lớp Delfin được đóng dựa trên thiết kế của tàu HMS Artemis của Thụy Điển. Tàu dài 74m, lượng giãn nước 3.000 tấn, được cung cấp năng lượng bởi 4 máy phát điện diesel có công suất 990 kW/máy. Tàu có thủy thủ đoàn khoảng 35-40 người. Tàu sẽ được trang bị các hệ thống tình báo điện tử (ELINT), tình báo thông tin liên lạc (COMINT), tình báo đo lường (MASINT) và tình báo hình ảnh (IMINT).
* Ấn Độ phát triển tên lửa đạn đạo K-6
Trang IDRW đưa tin, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đang tích cực phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) K-6, tầm bắn 8.000km và đạt tốc độ siêu vượt âm Mach 7,5 (khoảng 9.170km/giờ).
![]() |
Ấn Độ đã hoàn tất việc phát triển tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân K-5 có tầm bắn từ 5.000 đến 6.000km, trong khi tên lửa K-4 có tầm bắn 3.500km đã được đưa vào sử dụng trên tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Arihant. Ảnh: DRDO |
K-6 được thiết kế để tăng cường đáng kể khả năng răn đe chiến lược của Ấn Độ. Tên lửa sẽ được trang bị cho tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp S5 của Hải quân Ấn Độ, có trọng tải khoảng 13.500 tấn, mang theo 12 tên lửa SLBM. K-6 là tên lửa nhiên liệu rắn 3 tầng, dài 12m, rộng 2m, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân 2-3 tấn. Điểm đáng chú ý là khả năng tái nhập mục tiêu độc lập (MIRV) cho phép tên lửa phóng nhiều đầu đạn đến các mục tiêu khác nhau.
Việc phát triển tên lửa K6 được tiến hành sau khi DRDO hoàn tất quá trình phát triển tên lửa K-5 có tầm hoạt động từ 5.000-6.000km. Tên lửa K-5 có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân nặng tới 2 tấn. K-5 được thiết kế để tích hợp trên các phiên bản tàu ngầm S4 và S4* lớn hơn tàu ngầm lớp Arihant hiện tại.
Ấn Độ cũng đã đưa vào sử dụng tên lửa K-4, tầm bắn 3.500km trên tàu ngầm lớp Arihant. Đây là những tên lửa dòng K được phát triển với mục đích thiết lập thế trận hạt nhân tấn công nhiều lớp. Tên lửa dòng K bao gồm K-15 (750-1.500km), K-4 (3.500-4.000km), K-5 (5.000-6.000km) và K-6 (6.000-8.000km).
Theo Army Recognition, sự góp mặt của tên lửa K-6 sẽ tăng cường sức mạnh của bộ ba hạt nhân của Ấn Độ, gồm tên lửa Agni trên đất liền, bom hạt nhân triển khai từ trên không và tên lửa SLBM trên biển.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)
Tin mới
Mã vùng điện thoại cố định thay đổi thế nào sau khi sáp nhập tỉnh, thành?
Việc thay đổi, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch mã vùng điện thoại cố định mặt đất, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện kể từ ngày 1-7-2025.
Miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh trên toàn quốc từ năm học 2025 - 2026
Ngày 3-7, Tổng thư ký Quốc hội công bố 9 nghị quyết của Quốc hội và 9 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
VNVC ra mắt vaccine não mô cầu thế hệ mới
Ngày 4-7, Hệ thống Tiêm chủng VNVC ra mắt và triển khai tiêm vaccine não mô cầu thế hệ mới MenACYW (Sanofi, Pháp) được sản xuất từ nhà máy đặt tại Mỹ.
Cử bác sĩ luân phiên tăng cường cho đặc khu duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh
Chỉ 3 ngày sau hợp nhất địa giới hành chính với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã họp bàn, lên kế hoạch nâng cao năng lực y tế cho đặc khu Côn Đảo nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, kể cả nơi xa nhất. Trước mắt, Sở Y tế Thành phố sẽ cử bác sĩ có tay nghề luân phiên ra đảo; lên kế hoạch phát triển, nâng cao năng lực y tế cho đặc khu duy nhất của Thành phố.
Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân
Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 sẽ tác động tích cực đến người tham gia BHYT. Theo quy định mới, người tham gia BHYT có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế nào thuộc hệ thống BHYT trên toàn quốc, không bị giới hạn bởi địa giới hành chính.
Mỹ: Bang California chống chọi với đám cháy rừng lớn nhất kể từ đầu năm
Hơn 300 lính cứu hỏa của Mỹ đang nỗ lực khống chế vụ cháy rừng quy mô lớn tại bang California, trong bối cảnh bang này đang đối mặt nguy cơ hỏa hoạn nghiêm trọng mùa hè, đặc biệt khi thời tiết khô nóng gia tăng.