Quân sự thế giới hôm nay (9-11): Mỹ trang bị bom lượn StormBreaker cho tiêm kích F-18, Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Pralay
Quân sự thế giới hôm nay (9-11) có những nội dung sau: Hải quân Mỹ trang bị bom lượn StormBreaker cho F/A-18E/F Super Hornet, Israel đưa thiết giáp Eiten 8x8 vào tham chiến ở dải Gaza, Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Pralay.
* Hải quân Mỹ trang bị bom lượn StormBreaker cho tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet
Theo Aerotime ngày 8-11, Raytheon, công ty con của RTX, công bố tích hợp thành công bom thông minh StormBreaker (Xuyên bão) lên máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet của Hải quân Mỹ.
Bom lượn dẫn đường phóng từ trên không GBU-53/B StormBreaker. Ảnh: Military Leak |
StormBreaker, hay còn gọi là GBU-53/B, được phát triển để tấn công nhiều mục tiêu trên bộ và trên biển, bao gồm các mục tiêu cố định và di động.
Vũ khí này được trang bị hệ thống tìm kiếm đa chế độ, kết hợp radar bước sóng milimet, hồng ngoại và dẫn đường laser bán chủ động cùng với GPS và hệ thống dẫn đường quán tính giúp đảm bảo theo dõi và tham gia mục tiêu chính xác, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào máy bay để tiếp cận và bám bắt mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết.
Loại bom lượn này có chiều dài khoảng 1,75m và nặng 92kg, trong đó đầu đạn nặng 47kg, nhẹ hơn hầu hết các loại bom thả từ máy bay khác. Kích thước nhỏ gọn của vũ khí này là một lợi thế vì nó giúp cho máy bay trở nên khó bị phát hiện hơn. Nó có thể bay hơn 64km để tấn công các mục tiêu di chuyển trên đất liền và trên biển.
Theo nhà sản xuất, StormBreaker có tầm bắn gần 110km đối với các mục tiêu cố định và hơn 72km đối với các mục tiêu di động.
Paul Ferraro, Chủ tịch Air Power tại Raytheon, cho biết tính năng chưa từng có của StormBreaker mang lại cho phi công khả năng tấn công mọi mục tiêu trong các tình huống khó khăn và linh hoạt. StormBreaker là một ví dụ điển hình về việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để cung cấp vũ khí cho các tiêm kích chiếm ưu thế trên không, đánh dấu một kỷ nguyên mới về khả năng tấn công của các máy bay chiến đấu.
* Israel đưa thiết giáp Eiten 8x8 vào tham chiến ở Dải Gaza
Trang Army Recognition đưa tin, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã đưa xe bọc thép Eitan 8x8 vào tham chiến trong cuộc xung đột với lực lượng Hamas ở dải Gaza.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) công bố những bức ảnh cho thấy xe bọc thép Eitan 8x8 đã được triển khai tại Dải Gaza. Ảnh: IDF |
Theo đó, xe bọc thép Eitan 8x8 được sử dụng trong đội hình cơ giới hiện đại của quân đội Israel, cùng với các đơn vị xe tăng và bộ binh, khi tiến hành tác chiến đô thị tại dải Gaza.
Eitan được Bộ Quốc phòng Israel ra mắt lần đầu tiên vào tháng 8-2016. Phương tiện này được chế tạo trong bối cảnh xe bọc thép bánh xích M113 dần được loại biên. Đến tháng 5-2023, lô xe bọc thép Eitan đầu tiên chính thức được biên chế vào Lữ đoàn bộ binh Nahal, một trong những lữ đoàn bộ binh chủ lực của IDF.
Về thông số kỹ thuật, Eitan có chiều dài 8m, chiều rộng và chiều cao 3m, nặng từ 30 tấn đến 35 tấn, thiết kế chủ yếu để vận chuyển binh lính và vũ khí. Thiết kế mô-đun cho phép phương tiện được cấu hình thành các biến thể khác nhau để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ. Xe có thể chở kíp lái ba người, bao gồm chỉ huy, lái xe và xạ thủ, cùng với 9 binh lính được trang bị vũ khí.
Cận cảnh xe bọc thép chở quân Eitan 8x8. Ảnh: Army Technology |
Sử dụng động cơ công suất 750 mã lực, Eitan có khả năng đạt tốc độ lên tới 90 km/giờ, phạm vi hoạt động 1.000km. Xe bọc thép này được trang bị nhiều công nghệ bảo vệ hiện đại như giáp tổng hợp, hệ thống phòng thủ chủ động Iron Fist và các hệ thống chiến đấu tự động hóa.
Dàn vũ khí trên xe bọc thép Eitan bao gồm tháp pháo 30mm, trạm vũ khí điều khiển từ xa được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau từ súng máy hạng nặng 12,7mm, súng máy 7,62mm đến tên lửa chống tăng, cung cấp cả khả năng tấn công và phòng thủ.
Eitan là thế hệ xe chiến đấu bánh lốp mới, có khả năng cơ động và hỏa lực cao. Theo Bộ Quốc phòng Israel, Eitan là một trong những phương tiện chiến đấu bánh lốp tiên tiến nhất trên thế giới.
* Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Pralay
Ngày 7-11, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn có tên gọi “Pralay” từ Đảo Abdul Kalam, ngoài khơi bờ biển Odisha, miền Đông Ấn Độ.
Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn Pralay từ đảo Abdul Kalam, ngoài khơi bờ biển Odisha, Ấn Độ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ấn Độ |
Cuộc thử nghiệm đánh dấu một bước quan trọng trong việc cải thiện khả năng sẵn sàng phòng thủ của Ấn Độ dọc biên giới với Trung Quốc và Pakistan. Tên lửa Pralay đã vượt qua tất cả các mục tiêu thử nghiệm đặt ra. Quỹ đạo của tên lửa được theo dõi bởi một loạt thiết bị bố trí dọc theo bờ biển.
Theo Army Recognition, tên lửa có tầm bắn từ 350 đến 500km và tải trọng từ 500 đến 1.000kg. Cái tên “Pralay”, có nghĩa là "Ngày tận thế", phản ánh khả năng đáng gờm của tên lửa. Đây là loại tên lửa dạng hộp, có khả năng vận chuyển và triển khai nhanh chóng.
Dự án phát triển tên lửa Pralay được khởi động vào tháng 3-2015 với ngân sách 63 triệu USD, là minh chứng cho những tiến bộ công nghệ bản địa và quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ.
Theo nhà sản xuất, Pralay sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn và đi theo quỹ đạo đạn đạo riêng. Được trang bị đầu đạn xuyên giáp và đạn phân mảnh công phá cao, Pralay có thể tấn công các cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng như radar và các cơ sở liên lạc, trung tâm chỉ huy và kiểm soát cũng như các sân bay tiền phương.
Hiện tại, Ấn Độ vẫn đang nỗ lực cải thiện tầm bắn của tên lửa. Tên lửa Pralay hiện đang được sản xuất hàng loạt và dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong tương lai gần, nhằm nâng cao năng lực phòng thủ chiến lược và chiến thuật của Ấn Độ.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.