Quan tâm tới xử lý tài sản và chính sách cho cán bộ sau sắp xếp
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV, sáng 14-2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Qua thảo luận các đại biểu Quốc hội tán thành việc ban hành Nghị quyết để thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương quan trọng của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, có ý kiến dành sự quan tâm đến vấn đề xử lý tài sản và chính sách cho cán bộ sau sắp xếp
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh) thông tin, thời gian vừa qua, trong quá trình tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp cũng đã có những vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản sau sáp nhập. Trong khi đó, hiện nay số lượng các cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp rất lớn, khối lượng tài sản cũng rất lớn.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Minh Đức, đoàn TP Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận. |
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng chỉ rõ, hiện nay đã có Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151 và gần đây nhất là Nghị định số 03/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất nhưng cũng chưa đủ để bao quát hết.
Đại biểu ví dụ như tài sản được hình thành trong tương lai nằm trong các dự án, đề án mà chủ đầu tư là những cơ quan đang trong diện sắp xếp. Vậy trách nhiệm đặt ra cho cơ quan là chủ đầu tư khi được chuyển giao cho các cơ quan mới như thế nào cũng cần được tính toán đến để các tài sản này được xử lý một cách hợp lý. Thêm vào đó, thực tế hiện nay, một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được đưa vào vận hành, quản lý, có những dự án thực hiện đấu thầu quốc tế, tên chủ đầu tư lúc đầu như vậy, sau sáp nhập đổi tên thì tính toán thế nào? Do đó, cần có quy định về nội dung này để nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm.
![]() |
Quang cảnh phiên họp. |
Liên quan đến vấn đề xử lý cơ cấu tổ chức và con người bị tác động sau sáp nhập, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, hiện đã có Nghị định số 177/2024/NĐ-CP: Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm; cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng; Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Thông tư 01/2025/TT-BNV hướng dẫn chính sách trong sắp xếp tổ chức bộ máy. "Tuy nhiên, với người lao động trong những cơ quan bị sáp nhập, kết thúc, họ không đủ điều kiện thỏa mãn trong các nghị định, thông tư trên thì chúng ta cần tính toán như nào. Có thể đưa ra điều khoản quét, đề cập đến quyền của những người này trước sự tác động đó", đại biểu Nguyễn Minh Đức lưu ý.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề. |
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy là văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy.
Từ đó, tạo cơ sở pháp lý và đặt ra những nguyên tắc chung đối với hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền khi triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm đảm bảo các hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
"Đây cũng là vấn đề khó khi thiết kế để làm sao vừa bao quát hết toàn diện các nội dung và vừa khái quát, mang tính nguyên tắc để cả hệ thống vận hành bình thường, không gián đoạn, không bỏ sót, không trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực và địa bàn", Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu.
Về các vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh thông tin, dự thảo nghị quyết chỉ quy định nguyên tắc chung để xử lý vấn đề khi sắp xếp tổ chức bộ máy, không quy định về trình tự, thủ tục, chế tài. Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nói thêm với những vấn đề đã rõ và không có vướng mắc, sẽ tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành. Ví dụ về xử lý tài sản, chế độ chính sách với cán bộ, công chức, đã có các nghị định ban hành trước đó. Với những vướng mắc phát sinh thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý.
VŨ DUNG-TRỌNG HẢI
Tin mới
Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng
Chiều ngày 9-4 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer.
Tổng thống Donald Trump tạm dừng thuế đối ứng với hơn 75 quốc gia trong 90 ngày
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9-4 cho biết ông sẽ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với tất cả các đối tác thương mại không trả đũa Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (10-4): Liên minh Mỹ-Hàn bắt tay chế tạo UAS thế hệ tiếp theo
Quân sự thế giới hôm nay (10-4) có những nội dung sau: Tàu BRF Jacques Stosskopf của Pháp bắt đầu thử nghiệm trên biển; Liên minh Mỹ-Hàn bắt tay chế tạo UAS quân sự thế hệ tiếp theo; KNDS tăng cường sản xuất pháo tự hành Caesar.
Tự ý sử dụng thuốc cảm một bệnh nhân bị nhiễm độc nặng
Ngày 9-4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân hoại tử thượng bì nhiễm độc do tự ý sử dụng thuốc cảm.
Cháy nhà trong đêm, 4 người tử vong ở Tiền Giang
Sáng 10-4, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, cơ quan chức năng đang khám nghiệm hiện trường vụ cháy xảy ra tại một nhà dân ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 4, thành phố Mỹ Tho.
Đề xuất phổ cập giáo dục mầm non trên toàn quốc
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để xây dựng Dự thảo Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi theo quy trình rút gọn.