Sắp xếp lại tổ chức bộ máy: Địa phương “vừa chạy vừa xếp hàng”
Tiếp sau hành động quyết liệt trong tinh gọn tổ chức bộ máy ở cấp Trung ương, các địa phương đang đẩy mạnh tiến trình sắp xếp lại tổ chức, tinh gọn bộ máy theo gương Trung ương với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”
Nhiều địa phương hoàn thành sắp xếp
Ngay sau khi Trung ương hoàn thành việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là sau khi Chính phủ được tổ chức lại chỉ còn 17 bộ và cơ quan ngang bộ, các địa phương trên cả nước cũng đẩy mạnh tiến trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo mô hình tương ứng.
![]() |
Kỳ họp thứ 21, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua nghị quyết để sắp xếp lại tổ chức bộ máy của thành phố. |
Cụ thể, Hà Nội đã tiến hành hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thành Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường thành Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ thành sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nội vụ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành Sở Nội vụ; Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải thành Sở Xây dựng.
Cùng với đó, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội được hợp nhất thành Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp, được tổ chức theo mô hình tổ chức hành chính; Sở Ngoại vụ được sáp nhập vào Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố.
Đồng thời, Hà Nội cũng thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ Sở Nội vụ.
Sau khi sắp xếp lại, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội có 25 đơn vị đầu mối, giảm 12 đơn vị, tỷ lệ giảm là 32%; Sở Khoa học và Công nghệ còn 12 đầu mối, giảm 9 đầu mối, tỷ lệ giảm là 42,86%; Sở Nội vụ còn 22 đầu mối, giảm 7 đầu mối, tỷ lệ giảm là 24%; Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố còn 13 đầu mối, giảm 4 đầu mối, tỷ lệ giảm đạt 23,5%; Sở Xây dựng còn 23 đầu mối, giảm 7 đầu mối, tỷ lệ giảm là 23,3%; Sở Dân tộc và Tôn giáo có 4 đầu mối, giảm 3 đầu mối, tỷ lệ giảm là 43%; Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp có 11 đầu mối.
Như vậy, trước khi sắp xếp, Hà Nội có 21 cơ quan chuyên môn, 2 tổ chức hành chính. Sau khi sắp xếp, Hà Nội còn 15 cơ quan chuyên môn, 1 tổ chức hành chính, giảm 6 sở (tỷ lệ giảm là 29%) và giảm 1 tổ chức hành chính (tỷ lệ giảm là 50%).
Tương tự như vậy, thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, giảm còn 16 sở so với 21 sở như trước (tỷ lệ giảm là 23,8%). Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy cũng đã được thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố khác.
Để quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy được thuận lợi, rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi. Chẳng hạn, Hải Phòng có 34 cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng quản lý xin nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1-3 để tạo thuận lợi cho thành phố trong sắp xếp, bố trí cán bộ, trong đó có 2 người là ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, 1 Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng… Quảng Trị có 11 cán bộ giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý xin nghỉ hưu trước tuổi để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Quy định mới về cơ quan chuyên môn hành chính cấp tỉnh
Trên cơ sở kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy ở Chính phủ và thực tiễn sắp xếp tổ chức bộ máy ở các địa phương, ngày 28-2, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2025/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và ủy ban nhân dân cấp huyện.
Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức thống nhất 12 sở, gồm: Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Thanh tra tỉnh; Văn phòng Ủy ban nhân dân. Có 4 sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương, gồm: Sở Ngoại vụ; Sở Dân tộc và Tôn giáo; Sở Du lịch; Sở Quy hoạch - Kiến trúc được thành lập ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị định 45/2025/NĐ-CP cũng quy định rõ mỗi tỉnh được tổ chức không quá 14 sở, riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức không quá 15 sở. Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được quyết định việc thành lập, tổ chức lại, thay đổi tên gọi, giải thể sở, bảo đảm phù hợp với đặc thù của địa phương, quy định của Luật Thủ đô và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Cơ cấu tổ chức của sở gồm các phòng chuyên môn, nghiệp vụ; thanh tra sở (nếu có), văn phòng sở (nếu có), chi cục và tổ chức tương đương (nếu có), đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).
Phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở được thành lập để tham mưu về quản lý nhà nước với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở; yêu cầu về khối lượng công việc phải bố trí tối thiểu 7 biên chế công chức với phòng thuộc sở của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tối thiểu 6 biên chế công chức với phòng thuộc sở cấp tỉnh loại I, 5 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở cấp tỉnh loại II và loại III.
Văn phòng sở được thành lập theo tiêu chí về khối lượng công việc tương tự phòng thuộc sở. Trường hợp không thành lập văn phòng thuộc sở thì nhiệm vụ của văn phòng được giao cho một phòng chuyên môn thực hiện.
Tiêu chí thành lập chi cục và tổ chức tương đương thuộc sở là có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở theo quy định của pháp luật chuyên ngành; được phân cấp, ủy quyền để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực; khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 12 biên chế công chức…
Những vấn đề đặt ra trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy
Tương tự như đợt sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, các vấn đề đặt ra trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính đang nảy sinh một số vấn đề cần giải quyết.
Một là tình trạng cấp phó và cán bộ, công chức, viên chức dôi dư. Nhiều cơ quan có số lượng cấp phó nhiều hơn so với quy định. Để giải quyết vấn đề này, các địa phương đang thực hiện khuyến khích cán bộ đủ điều kiện thì nghỉ hưu trước tuổi, đồng thời thực hiện bước đệm, chấp nhận có số lượng cấp phó nhiều hơn quy định trong một khoảng thời gian nhất định để dồn dịch, sắp xếp, đưa số lượng cấp phó trở về đúng quy định. Giải quyết số lượng biên chế dôi dư cũng được thực hiện theo cách thức tương tự.
Hai là có nhiều trụ sở làm việc dôi dư cần xử lý để tránh lãng phí nguồn lực. Chẳng hạn, sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 44 cơ sở nhà, đất của 31 đơn vị dôi dư, gồm trụ sở làm việc và tài sản kết cấu hạ tầng. Đây cũng là vấn đề không đơn giản để giải quyết, bởi quy định về xử lý tài sản công dôi dư rất chặt chẽ và nhiều thủ tục, đòi hỏi nhiều thời gian để xử lý. Để hướng dẫn các địa phương giải quyết vấn đề này, Chính đã ban hành Nghị định số 50/2025/NĐ-CP ngày 28-2-2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Ba là những tác động khách quan trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, bộ phận chuyên môn, nhất là trong quá trình di chuyển trụ sở làm việc. Các địa phương cần đề ra một lộ trình, thời hạn cụ thể cho việc di chuyển trụ sở, ổn định nơi làm việc để bảo đảm việc phục vụ người dân, doanh nghiệp được thông suốt.
Bốn là tác động về mặt tâm tư, tình cảm với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là nội dung rất cần sự quan tâm sát sao và có giải pháp thích hợp từ cán bộ lãnh đạo địa phương, từng cơ quan, sở ngành để sớm ổn định tình hình, đưa mọi việc trở lại với nhịp hoạt động bình thường.
THÙY LÂM
Tin mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thần tốc xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu tình hình diễn biến nhanh
Sáng 18-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4-2025 thứ hai để xem xét, cho ý kiến vào 5 nội dung xây dựng pháp luật. Cùng dự có các Phó thủ tướng Chính phủ; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong kinh doanh xăng dầu trước 30/4/2025
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước vừa có văn bản số 436/TTTN-XD ngày 17/4/2025 gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, các tổng đại lý (có hệ thống phân phối trên địa bàn 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên) về việc thực hiện thông báo số 175 ngày 13/4/2025 của Văn phòng Chính phủ.
Liên hợp quốc kêu gọi thỏa hiệp chính trị để chấm dứt khủng hoảng kéo dài ở Libya
Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya, bà Hanna S. Tetteh, ngày 17-4 cảnh báo rằng tình trạng bế tắc chính trị và chia rẽ thể chế liên tục có nguy cơ đẩy Libya vào tình trạng bất ổn hơn nữa, trừ khi có thể đạt được thỏa hiệp khẩn cấp và thống nhất lộ trình dẫn đến bầu cử.
Sản phẩm của ngành Hậu cần - Kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam gây ấn tượng nơi biên giới
Trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 9 vừa diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn, các gian hàng trưng bày đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu và khách mời hai nước. Trong đó, sự góp mặt của các sản phẩm do Công ty Cổ phần X20 và Công ty Cổ phần 22, hai doanh nghiệp thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật sản xuất đã mang đến hình ảnh sinh động về tiềm lực sản xuất, năng lực công nghệ và bản sắc đặc thù của doanh nghiệp Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mỹ và Ukraine ký Bản ghi nhớ về thỏa thuận khoáng sản
Ngày 17-4, Ukraine thông báo nước này và Mỹ đã ký một Bản ghi nhớ, coi đây là bước đầu hướng tới việc đạt thỏa thuận về phát triển nguồn tài nguyên khoáng sản ở Ukraine.
“Chất xúc tác” cho sự điều chỉnh cách tiếp cận của Canada
Canada được cho là đang nỗ lực chuyển hướng mối quan hệ quốc phòng truyền thống với Mỹ sang các đối tác khác, nhất là Liên minh châu Âu (EU).