• Click để copy

Sức sống thành phố vì hòa bình trên mảnh đất ngàn năm văn hiến - Bài 2: Nâng tầm vị thế, thương hiệu thành phố của hòa bình và sáng tạo

Để xứng đáng với danh hiệu “Hà Nội-Thành phố vì hòa bình”, những năm qua, Hà Nội đã đặt ra các định hướng lớn, khâu đột phá và nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm kiến tạo nên các giá trị mới cho Thủ đô ngàn năm văn hiến. Cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Quân đội nhân dân với ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội góp phần làm sáng tỏ nội dung này.

Sức hút của điểm đến đặc biệt an toàn

Phóng viên (PV): Hà Nội được trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” không chỉ bởi Thủ đô đại diện cho khát vọng hòa bình ngàn đời của dân tộc Việt Nam mà UNESCO còn ghi nhận ở nhiều tiêu chí khác. Theo ông, trong 25 năm qua, những tiêu chí này đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội hiện thực hóa như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ: Cách đây 1/4 thế kỷ (ngày 16-7-1999), Hà Nội là thành phố đầu tiên của châu Á-Thái Bình Dương vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đúng một năm sau, Hà Nội được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng danh hiệu cao quý “Thủ đô anh hùng”. Ðó là vinh dự và niềm tự hào không những với người dân Thủ đô, mà còn với nhân dân cả nước. Hà Nội qua một thời đạn bom đã bước sang hòa bình và ngày càng phát triển.

Những năm qua, Hà Nội đã đưa ra nhiều kế hoạch hành động, như: Thúc đẩy đoàn kết xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, chống phân biệt đối xử và ủng hộ đối thoại cộng đồng; hoạt động tích cực trong phát triển văn hóa, giáo dục, đặc biệt là giáo dục công dân và thế hệ trẻ; giải quyết các vấn đề xã hội, các vấn đề về đô thị hóa và xử lý môi trường sinh thái... Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ TP Hà Nội đã đặt ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025.Để xứng đáng là vị trí trung tâm văn hóa của cả nước, Hà Nội đã tổ chức quy hoạch, phát triển văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, tăng cường tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện, trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho cả nước. Y tế có bước phát triển vững chắc, là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn và hiện đại nhất cả nước, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Chương trình xóa đói, giảm nghèo được triển khai tích cực, tỷ lệ bao phủ thẻ bảo hiểm y tế đạt cao. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong quá trình đổi mới của Thủ đô.

PV: Những năm qua, Hà Nội được báo chí quốc tế ghi nhận là điểm đến đặc biệt an toàn. Phải chăng việc Hà Nội tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng đã chứng minh nơi đây có uy tín lớn trong cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình trong khu vực và thế giới, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ: Thủ đô Hà Nội-Thành phố vì hòa bình là thương hiệu, là giá trị của một đô thị đang phát triển từng ngày. Giá trị ấy tiếp tục được bồi đắp, lan tỏa thông qua hình ảnh các vị nguyên thủ nước ngoài đến thăm Việt Nam, đến Hà Nội. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong chuyến thăm lần thứ 3 tới Việt Nam diễn ra tháng 11-2023 đã có hành trình khá đặc biệt cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đạp xe trên các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội, ngắm các công trình văn hóa-lịch sử như Hoàng thành Thăng Long-di sản văn hóa thế giới, Cột cờ Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Hay sự kiện Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tản bộ ở Hồ Gươm, thăm cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn... Đúng như nhiều ý kiến nhận định, những hình ảnh đó ở nước ngoài thật hiếm hoi. Nhưng Hà Nội đã làm được, đã tạo được niềm tin cho bạn bè quốc tế. Đặc biệt, sự thành công trên mọi phương diện của Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 diễn ra hồi tháng 5-2022 càng thêm khẳng định Hà Nội là một điểm đến ngày càng hấp dẫn, thân thiện, an toàn với du khách trong nước cũng như quốc tế.

Sức sống thành phố vì hòa bình trên mảnh đất ngàn năm văn hiến - Bài 2: Nâng tầm vị thế, thương hiệu thành phố của hòa bình và sáng tạo
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đạp xe trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội tháng 11-2023. Ảnh: VIỆT TRUNG 
Sức sống thành phố vì hòa bình trên mảnh đất ngàn năm văn hiến - Bài 2: Nâng tầm vị thế, thương hiệu thành phố của hòa bình và sáng tạo
 “Hành trình xe đạp hữu nghị vì Hà Nội xanh” nâng cao nhận thức của người dân và bạn bè quốc tế đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội về gìn giữ môi trường sống xanh. Ảnh: NHẬT ANH 

Kiến tạo, nâng tầm thương hiệu thành phố của hòa bình và sáng tạo

PV: Công tác đối ngoại nhân dân đã được đẩy mạnh như thế nào để huy động tâm sức, tài lực của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để phát triển Hà Nội, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ: Bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, với tinh thần chủ động, linh hoạt, đổi mới và trách nhiệm, nhiều năm qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội và các hội, tổ chức thành viên đã triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân; duy trì quan hệ đối tác với các đại sứ quán, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động tham mưu và quán triệt triển khai thực hiện Thông tri số 05-TT/TU ngày 23-5-2022 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội”...

Các hoạt động thường niên của Liên hiệp luôn nhận được sự quan tâm tham gia của đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế, cộng đồng người nước ngoài tại Hà Nội, như: Các chương trình giao lưu nghệ thuật “Chào năm mới”, du xuân hữu nghị với điểm đến hằng năm là các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Thủ đô; giao lưu chúc mừng Tết cổ truyền một số nước châu Á; cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế “Em yêu Hà Nội-Thành phố vì hòa bình”; giải chạy Báo Hànộimới mở rộng vì hòa bình; ngày hội văn hóa hòa bình; “Hành trình xe đạp hữu nghị vì Hà Nội xanh”; lễ hội du lịch Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Thăng Long-Hà Nội-Thủ đô quyến rũ”... Những hoạt động trên đã đóng góp vào sự phát triển của công tác đối ngoại chung của Thủ đô, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Hà Nội và bạn bè quốc tế, giới thiệu hình ảnh Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình, phát triển năng động và hội nhập quốc tế. 

PV: Theo ông, Hà Nội cần làm gì để tiếp tục khai thác và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh trên mọi lĩnh vực, kiến tạo nên thành phố hòa bình, sáng tạo?

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ: Sau 20 năm đạt danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, ngày 30-10-2019, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO” với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Đây chính là cơ hội tạo bước phát triển toàn diện của Thủ đô trong thời gian tới.

Trong quá trình phát triển cũng phải nhìn nhận, hiện nay còn không ít khó khăn, thách thức. Do đó chính quyền, các cơ quan liên quan cần quan tâm, giải quyết các vấn đề, chẳng hạn một số khu đô thị mới nhưng hạ tầng, kỹ thuật, không gian công cộng chưa tương xứng dẫn tới cư dân sống trong môi trường chật hẹp. Nhiều nơi công viên được xây dựng nhưng sử dụng chưa hiệu quả...

Hà Nội-Thành phố sáng tạo là một câu chuyện mới trong giai đoạn mới. Danh hiệu này là sự tiếp nối với truyền thống, được xây dựng dựa trên di sản và các nguồn lực của một Thủ đô văn hóa, một “Thành phố vì hòa bình” và phát huy nguồn năng lượng sáng tạo của giới trẻ Thủ đô hôm nay. Tất cả tạo nên nền tảng vững chắc để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển, là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững trong tương lai.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 "Trở lại Hà Nội như về nhà của mình!". Đó là chia sẻ của ông Fredesman Turro González, nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Cuba-Việt Nam trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Nội vào đúng dịp kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO công nhận “Thành phố vì hòa bình”. Ông González có 25 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, hết nhiệm kỳ công tác tại đây, năm 2014, ông về nước. Sau 10 năm trở lại thăm Việt Nam và Hà Nội, ông cho hay, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, đời sống cải thiện toàn diện. Ông khẳng định, trải qua những thăng trầm của lịch sử, song Hà Nội vẫn luôn là nơi hội tụ của nền văn hóa, tâm hồn của người Việt Nam. Đến nay thành phố đã chuyển mình trở thành biểu tượng về những tiến bộ, hòa bình của Việt Nam trong công cuộc xây dựng một đất nước hiện đại và phát triển.

NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)

Tin mới

Tính ưu việt của mô hình đầu tư công - quản trị tư
Tính ưu việt của mô hình đầu tư công - quản trị tư

Mô hình đầu tư công-quản trị tư có thể được xem là một giải pháp nhằm tháo gỡ phần nào những khó khăn của tái thiết kiến trúc-cảnh quan trở thành công trình văn hóa-nghệ thuật. Nhiều chuyên gia cho rằng cần mạnh dạn thử nghiệm ở một số dự án nhỏ, rút kinh nghiệm cho mô hình còn khá mới mẻ này.

Tặng thưởng 25 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật
Tặng thưởng 25 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Tối 19-9, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2023.

Tinh túy văn hóa giao tiếp của người Bắc Ninh xưa
Tinh túy văn hóa giao tiếp của người Bắc Ninh xưa

Thời Minh Mạng, tỉnh Bắc Ninh được thành lập bao gồm cả tỉnh Bắc Giang và một phần đất Hà Nội cùng Vĩnh Phúc ngày nay. Đây là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, gắn liền với nền văn minh sông Hồng và cũng là vùng nổi tiếng bởi văn hóa giao tiếp với nhiều tinh túy.

Phòng, chống buôn lậu trong mùa nước nổi ở An Giang
Phòng, chống buôn lậu trong mùa nước nổi ở An Giang

Cứ vào khoảng tháng 8 âm lịch, khi nước tràn đồng thì tình trạng buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam lại trở nên nóng bỏng và phức tạp.

Hà Nội: Nhanh chóng dập tắt đám cháy xưởng in ở phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm
Hà Nội: Nhanh chóng dập tắt đám cháy xưởng in ở phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm

Vụ cháy xảy ra khoảng 16 giờ 30 phút tại xưởng in ở tổ dân phố Dao Quang, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cột khói đen bốc cao, khiến nhiều người tại khu vực hoang mang.

47 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2024): Tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác vì mục tiêu chung
47 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2024): Tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác vì mục tiêu chung

Ngày 20-9-1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc (LHQ)-tổ chức đa phương lớn nhất thế giới với sứ mệnh xây dựng luật pháp, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và phát triển trên thế giới. Chặng đường gần 5 thập kỷ qua đã chứng minh quan hệ Việt Nam-LHQ là mối quan hệ đối tác bền chặt và còn nhiều triển vọng.