• Click để copy

Sức sống thành phố vì hòa bình trên mảnh đất ngàn năm văn hiến - Bài 3: UNESCO chung sức cùng Hà Nội lan tỏa văn hóa hòa bình

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bên cạnh đánh giá cao những thành tựu mà Hà Nội đã đạt được trong việc giữ gìn và phát huy danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam đã chỉ ra những cơ hội và thách thức của Hà Nội trong việc giữ gìn, kiến tạo và phát huy giá trị văn hóa hòa bình, sáng tạo của Thủ đô.

Hà Nội-biểu tượng của hòa bình

Phóng viên (PV): Điều gì khiến ông ấn tượng về những việc mà Hà Nội đã làm được trong 25 năm qua để xứng đáng là điểm đến vì hòa bình?

 Ông Jonathan Wallace Baker: 25 năm trước, khi trao giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” tặng Hà Nội, UNESCO đã xem xét một loạt tiêu chí, trong đó có các tiêu chí về phúc lợi xã hội, sự trù phú về văn hóa và sự đa dạng của các thực hành văn hóa ngay tại Hà Nội, hay các tiêu chí về ẩm thực, bên cạnh đó là cơ cấu xã hội, quy hoạch đô thị.

Sức sống thành phố vì hòa bình trên mảnh đất ngàn năm văn hiến - Bài 3: UNESCO chung sức cùng Hà Nội lan tỏa văn hóa hòa bình
 Ông Jonathan Wallace Baker.  Ảnh: VIỆT TRUNG

Chúng ta thấy được sự chuyển mình của Hà Nội trong 25 năm qua, rõ nhất là việc gia tăng quy mô dân số (tăng gấp khoảng 4 lần). Tuy vậy, Hà Nội vẫn giữ nguyên những giá trị riêng như cấu trúc xã hội, vẻ bình yên hết sức đặc biệt. Dù bạn đi tới nhiều ngõ ngách của một thành phố thủ đô, song bạn vẫn sẽ cảm thấy cái hồn của làng quê ở đấy, có một sự yên bình rất riêng của Hà Nội. Cá nhân tôi, một người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hà Nội, cảm nhận được mình cũng là một phần của Thủ đô này. Tôi cảm nhận được tình cảm giữa con người với con người nơi đây. Chúng ta vẫn thấy còn đó những giá trị của 25 năm về trước, đó là kho tàng văn hóa đồ sộ; đó là những thực hành văn hóa, nghệ thuật sáng tạo được tiếp diễn liên tục qua các thế hệ; đó là tinh thần đoàn kết, tinh thần tập thể của người dân Thủ đô, và cả những gương mặt rạng rỡ, tươi sáng của công dân ngày nay. Cá nhân tôi cảm thấy Hà Nội hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.

PV: Trước những xung đột ngày càng leo thang trên thế giới, theo ông, những vai trò mới của Hà Nội trong việc thúc đẩy hòa bình là gì?

 Ông Jonathan Wallace Baker: Vừa qua, tôi có dịp tham dự Lễ hội Vì hòa bình tại miền Trung của Việt Nam và tôi cảm nhận được sâu sắc hòa bình quan trọng như thế nào, không chỉ đối với Hà Nội mà còn cả đối với quốc gia Việt Nam. Tôi cho rằng, Việt Nam của các bạn có tiếng nói quan trọng trong cộng đồng quốc tế khi đề cập tới hòa bình và vai trò của hòa bình, bởi lịch sử gìn giữ và xây dựng hòa bình trong suốt thế kỷ vừa qua và cả nghìn đời qua. Các bạn hiện đã là quốc gia có một nền hòa bình và là quốc gia được xây dựng, phát triển trên nền tảng của hòa bình. UNESCO là một tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, có sứ mệnh xây dựng hòa bình trong tâm trí của con người thông qua các chương trình giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin và truyền thông.

Sức sống thành phố vì hòa bình trên mảnh đất ngàn năm văn hiến - Bài 3: UNESCO chung sức cùng Hà Nội lan tỏa văn hóa hòa bình
Hình ảnh huyền thoại âm nhạc thế giới Kenny G trong MV âm nhạc “Going home” quảng bá văn hóa, du lịch Hà Nội. Ảnh: IBG 

Tôi cảm nhận rằng, Hà Nội cho chúng ta thấy rõ danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” là như thế nào và Hà Nội là biểu tượng của hòa bình nói chung. Vì vậy, UNESCO luôn cảm thấy vui, vinh dự được phối hợp với Hà Nội và các đối tác khác tại Việt Nam để thúc đẩy hòa bình trên khắp thế giới. Mặc dù ở thời điểm này, thế giới của chúng ta chưa hoàn toàn hòa bình, chúng ta vẫn thấy xung đột ở nhiều nơi, nhưng hướng tâm trí và hành động vì hòa bình chính là chìa khóa rất quan trọng trong xã hội của chúng ta ngày nay.

PV: Theo ông, yếu tố quan trọng giúp Hà Nội đạt được nhiều thành tựu trong 25 năm qua là gì?

 Ông Jonathan Wallace Baker: Việc ghi danh Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình” vào năm 1999 có xem xét đến các tiêu chí về văn hóa. Hiện nay, Hà Nội cũng được UNESCO ghi danh là Thành phố sáng tạo về thiết kế thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, giá trị này chính là dựa trên những giá trị của một “Thành phố vì hòa bình” được ghi nhận trước đó. UNESCO tin rằng, văn hóa chính là một trong những thành tố quan trọng nhất của công cuộc xây dựng hòa bình. Chính vì thế, khi đã có danh hiệu Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế, đó là sự cộng hưởng với các giá trị của Thành phố vì hòa bình. Ý nghĩa và mục tiêu của giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” chính là nhằm ghi nhận những thành phố có vai trò thực thụ trong việc xây dựng và thúc đẩy hòa bình, những chiến lược đầu tư của các thành phố đó trong các lĩnh vực về văn hóa, xã hội để gửi tới cộng đồng quốc tế hình ảnh của thành phố vì hòa bình. 25 năm trước, Hà Nội đã làm được điều này và những giá trị đó hiện vẫn còn ở Hà Nội ngày nay.

Xây dựng kinh đô sáng tạo

 PV: Đâu là những thách thức mà Hà Nội sẽ gặp phải trong giai đoạn tiếp theo khi bảo vệ, phát huy giá trị danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, cũng như các danh hiệu khác mà UNESCO trao tặng, thưa ông?

 Ông Jonathan Wallace Baker: Chúng tôi đã và đang phối hợp rất chặt chẽ với các sở, ban, ngành của Hà Nội trong nhiều hoạt động khác nhau và thông qua các dự án. Một trong số đó là Dự án “Hà Nội Rethink" huy động các nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên để đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo. Đây là dự án lấy bối cảnh sau khi Hà Nội được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế để thúc đẩy sự sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo của Thủ đô; đồng thời huy động sự tham gia của giới trẻ, các nghệ sĩ, các nhà thực hành sáng tạo trẻ. Trong thời gian tới, UNESCO cũng sẽ triển khai những dự án tương tự, từ kết quả thành công của Dự án “Hà Nội Rethink” khi hợp tác với Hà Nội.

Những thách thức mà Hà Nội gặp phải cũng không ít, trong đó, quá trình đô thị hóa tiếp tục kéo theo các vấn đề như quản lý rác thải, cung cấp dịch vụ xã hội, ùn tắc giao thông, chất lượng không khí... Mặc dù tôi không có kiến thức nền tảng về quy hoạch đô thị, nhưng có lẽ điều tôi có thể khuyến nghị là, trong khi nguồn lực và quy hoạch rõ ràng là quan trọng, thì yếu tố then chốt dẫn đến thành công là tầm nhìn tác động đến sự phát triển của thành phố, thông qua tầm nhìn phản ánh những mối quan tâm và mong muốn của người dân thành phố. Nghe có vẻ quá đơn giản, nhưng hạnh phúc của mọi người đều quan trọng. Khi mọi người yêu thích thành phố của mình, chia sẻ tầm nhìn chung về tương lai, họ sẽ làm việc vì thành phố và cảm giác tích cực này sẽ thu hút những tài năng mới, những dự án thú vị nhất, làm phong phú thêm môi trường sống của thành phố.

Sức sống thành phố vì hòa bình trên mảnh đất ngàn năm văn hiến - Bài 3: UNESCO chung sức cùng Hà Nội lan tỏa văn hóa hòa bình
 Một gia đình Hà Nội vui vẻ đón Tết bình yên bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: TRƯƠNG VỊ

PV: Cùng với danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", Hà Nội cũng rất tích cực thực hiện cam kết với UNESCO khi tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo. UNESCO sẽ làm gì để hỗ trợ Hà Nội trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu?

 Ông Jonathan Wallace Baker: Tôi tin rằng, việc chỉ định Hà Nội là Thành phố sáng tạo về thiết kế của UNESCO được xây dựng dựa trên di sản hòa nhập và khoan dung của thành phố là “Thành phố vì hòa bình”. Đây là chỉ định cho tương lai, thể hiện tầm nhìn mới của thành phố, phản ánh mục tiêu của Việt Nam với tư cách là một chủ thể năng động và gắn kết trong khu vực và thế giới. Thành phố sáng tạo sẽ là sự bổ sung quý giá cho vị thế “Thành phố vì hòa bình”. Giá trị gia tăng sẽ là công cụ để phát triển Hà Nội thành Thủ đô sáng tạo nhằm trao quyền cho người dân, đa dạng hóa nền kinh tế thông qua các ngành công nghiệp văn hóa và hướng tới phát triển bền vững. Đây chính xác là logic làm nền tảng cho khái niệm Thành phố sáng tạo.

UNESCO hiểu rằng, dù Hà Nội có quyền tự hào về quá khứ của mình nhưng vẫn muốn hướng tới tương lai. Chúng tôi tin rằng thành phố có đủ yếu tố phù hợp để trở thành trung tâm sáng tạo, bởi đây là thành phần then chốt của văn hóa và Hà Nội có tâm hồn văn hóa. Vì vậy, chúng tôi mong muốn hợp tác với Hà Nội không chỉ để bảo tồn lịch sử của thành phố, mà còn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới cho thời đại mới. Chúng tôi tin rằng, đây là cách để Hà Nội duy trì sự tăng trưởng thú vị một cách bền vững, thu hút nhân tài đến thành phố, tạo việc làm cho thanh niên và xây dựng Hà Nội trở thành một kinh đô sáng tạo.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

“Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, UBND thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch. Trong năm 2023, Hà Nội đã tổ chức hơn 2.000 sự kiện, hoạt động, đón khoảng 24 triệu lượt khách du lịch, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô. Hà Nội đang tiến tới đạt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước”(bà Vũ Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội) . 

 NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)

Tin mới

Bão số 4: Quảng Bình kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, đảng viên không chấp hành di dời
Bão số 4: Quảng Bình kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, đảng viên không chấp hành di dời

Ngày 19-9, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đã ký công điện về việc di dời người dân đến nơi an toàn để ứng phó với bão số 4 và mưa lớn.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó bão số 4
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó bão số 4

Trước diễn biến của bão số 4, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống và ứng phó.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV

Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Quốc hội Liên bang Nga Valentina Matvienko, ngày 18-9, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV bằng hình thức phát biểu ghi hình.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm cấp Nhà nước tới Cuba
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Từ ngày 21-27/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và sau đó sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cuba.

Khẩn trương di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp
Khẩn trương di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các giải pháp để di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp, thuộc diện phải phá dỡ theo quy định.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bão lũ
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bão lũ

Ngày 18-9, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết sẽ cung ứng bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bị bão lũ.