Tái khởi động dự án điện hạt nhân
Điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững, ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn. Sau 8 năm “ngủ yên”, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Trung ương, Quốc hội và Chính phủ thống nhất chủ trương tái khởi động. Dự án có ý nghĩa quan trọng và mang tính thời đại nhằm phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng, tăng cường phát triển nhân lực chất lượng cao và tiềm lực khoa học-công nghệ của đất nước.
Điện hạt nhân - xu thế tất yếu
Thời gian tới, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đặt ra rất cao. Tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 phấn đấu đạt trên 8% và tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026-2030 phấn đấu ở mức hai con số. Điều này đòi hỏi điện năng tăng trưởng gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hằng năm từ 12% đến trên 16% (tương ứng mỗi năm cần bổ sung 8.000-10.000MW).
Tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam năm 2024 khoảng 85.000MW, tổng công suất cần đạt năm 2030 là khoảng 150.000MW và năm 2050 cần đạt 400.000-500.000MW. Do vậy, phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Việc thực hiện dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để đất nước phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học-công nghệ quốc gia, tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.
Thực tế cho thấy, điện hạt nhân cũng là xu thế tất yếu của thế giới, hiện nhiều quốc gia đã tái khởi động và phát triển rất mạnh nguồn điện này. Kể cả những nước có ý định "đóng cửa" điện hạt nhân sau sự cố nhà máy điện Fukushima ở Nhật Bản cũng đã quay trở lại với điện hạt nhân do nhu cầu năng lượng điện lớn cho các trung tâm dữ liệu trong phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp bán dẫn, internet vạn vật (IoT)...
![]() |
Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận - nơi được quy hoạch xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Ảnh: HOÀNG NHƯỠNG |
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam có điều kiện phát triển nguồn điện này, 15 năm trước, qua khảo sát xác định có đến 13-14 địa điểm có thể phát triển điện hạt nhân. Đặc biệt, Việt Nam có địa hình dài từ Bắc đến Nam, nếu phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ thì càng phù hợp. “Ở những nơi phụ tải thấp, nơi có tiềm năng khai thác phát triển năng lượng tái tạo, gió, mặt trời mà có thêm điện hạt nhân module nhỏ thì rất thuận lợi cho khai thác, phát huy tiềm năng năng lượng tái tạo cùng với nguồn điện nền, điện sạch... Điều đó phù hợp nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước và phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia đông dân số, dân số trẻ có khả năng tiếp cận công nghệ nhanh”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện; trong đó yêu cầu triển khai, hoàn thành công tác đầu tư dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm. Thông tin về những hoạt động của Bộ Công Thương trong thời gian tới để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và địa phương rà soát bổ sung quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; chủ trì các bộ, ngành tham mưu xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư để hướng dẫn thực hiện dự án này.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền tái đàm phán với Nhật Bản để ký thỏa thuận theo cam kết cũ, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, tài chính... Sau khi có chủ trương đầu tư dự án mới, chủ đầu tư sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng dự án để trình cấp có thẩm quyền cấp phép; yêu cầu các đơn vị rà soát lại số nhân lực, lập kế hoạch đào tạo nhân lực về điện hạt nhân... Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Do vậy, việc hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử là giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực, rút ngắn thời gian, giảm chi phí đầu tư và đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong triển khai chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Việc phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược, có ý nghĩa quyết định đến thành công của dự án nhà máy điện hạt nhân, đáp ứng mục tiêu an toàn, hiệu quả, bền vững. Theo kế hoạch của Chính phủ hồi cuối năm 2009, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2, tổng công suất 4.000MW (2x2.000MW). Với kế hoạch này, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam cần 2.400 nhân lực cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Nhưng hiện nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về điện hạt nhân của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, trong quý I-2025, các đơn vị liên quan cần khẩn trương dự kiến được nhu cầu, quy mô lĩnh vực chuyên môn cần đào tạo và đánh giá khả năng thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân, cũng như hệ sinh thái năng lượng hạt nhân tại Việt Nam của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài ngành công thương, bởi phát triển nhân lực sẽ quyết định thành công của dự án này. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu, rà soát với năng lực của mình để đăng ký mở mã ngành đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật...
KHÁNH AN
Tin mới
Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 bắt giữ sà lan vận chuyển trái phép hơn 100 tấn phân đạm URE
Tiếp tục đẩy mạnh Đợt thi đua cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, ngày 22-2, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ 1 phương tiện thủy nội địa (sà lan) đang vận chuyển trái phép khoảng hơn 100 tấn phân đạm URE trên vùng biển Tây Nam.
Thực hiện đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên với tinh thần thần tốc như mạch 3
Dự án đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) sẽ là một trong những công trình trọng điểm vừa đáp ứng việc giải tỏa công suất của các dự án điện khu vực Tây Bắc ở thời điểm hiện tại và tương lai, vừa sẵn sàng cho việc nhập khẩu điện từ nước bạn Trung Quốc khi Việt Nam có nhu cầu. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong tháng 2-2025, chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải triển khai khởi công dự án.
Không khí lạnh tăng cường đến Bắc Bộ từ sáng 23-2
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, gần sáng 23-2, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3-4, vùng ven biển cấp 4-5, có nơi giật cấp 6.
Bộ Y tế yêu cầu làm rõ thông tin “người nhà tố bệnh viện tắc trách làm sản phụ mất con”
Ngày 22-2, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bệnh viện Phụ sản Trung ương về việc xác minh và báo cáo trường hợp sự cố y khoa đối với sản phụ Q.A.
Người dân TP Hồ Chí Minh "tự bảo vệ" trước dịch cúm mùa
Tuy TP Hồ Chí Minh đã vào mùa khô mang khí hậu nóng ẩm đặc trưng, thế nhưng, những cơn mưa trái mùa và những cơn gió lạnh vào các buổi sáng sớm hay tối muộn tại thành phố cũng khiến người dân dè chừng vì đây là những lúc dễ dàng mắc căn bệnh cúm mùa. Để phòng ngừa bệnh, người dân thành phố đã chủ động đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm ngừa cúm mùa.
Việt Nam sắp có vaccine tay chân miệng
Hệ thống tiêm chủng VNVC vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty dược phẩm Substipharm Biologics (Thụy Sĩ) để sớm đưa vaccine tay chân miệng về Việt Nam.