Tạo đòn bẩy công nghiệp hiện đại thúc đẩy tăng trưởng
Trong bối cảnh không gian phát triển được mở rộng sau sáp nhập, "siêu đô thị" TP Hồ Chí Minh đang đứng trước ngưỡng cửa phát triển công nghiệp hoàn toàn mới nhằm phát huy tối đa tiềm năng, trở thành cực tăng trưởng hàng đầu của cả nước và vươn tầm khu vực.
Công nghiệp giữ vai trò tiên phong, thúc đẩy tăng trưởng
Trong tháng 8-2025, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải-THACO dự kiến chính thức khởi công dự án đầu tư khu công nghiệp cơ khí 786ha tại tỉnh Bình Dương (cũ) với tổng vốn đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng. Đây được xem là một trong những dự án trọng điểm về công nghiệp cơ khí lớn nhất không chỉ riêng ở TP Hồ Chí Minh mà cả khu vực phía Nam hiện nay, hướng đến xây dựng trung tâm sản xuất quy mô lớn, có vai trò "bệ phóng" cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển theo chuỗi. Dự án có mục tiêu đưa vào vận hành giai đoạn đầu từ tháng 9-2026, tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động, trong đó khoảng 10.000 lao động trình độ cao.
Theo ông Đỗ Minh Tâm, Tổng giám đốc Thaco Industries: THACO kỳ vọng tạo ra một trung tâm cơ khí quốc gia "thỏi nam châm" hút các doanh nghiệp phụ trợ trong và ngoài nước, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc nhập khẩu. Theo quy hoạch, khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí được phát triển theo mô hình thế hệ mới, hướng đến “xanh-thông minh-bền vững”, tích hợp công nghệ tự động hóa, vận hành trên nền tảng số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn khép kín.
![]() |
Khu công nghiệp Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG VIỆT |
Đây là một trong nhiều dự án lớn dự kiến được triển khai trong thời gian tới khi TP Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt sau khi sáp nhập hai địa phương công nghiệp trọng điểm là Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Việc định hình và phát huy tối đa tiềm năng công nghiệp của khu vực TP Hồ Chí Minh trở nên cấp thiết. Theo đó, TP Hồ Chí Minh khi chưa sáp nhập dẫn đầu về đổi mới sáng tạo, Bình Dương chuyên sản xuất-chế biến, Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển năng lượng và logistics biển. Sự đa dạng ngành nghề từ thực phẩm, điện tử đến cơ khí, hóa dầu tạo điều kiện để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) muốn tận dụng hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Trên cơ sở sáp nhập 3 địa phương tạo ra một trung tâm công nghiệp (gồm khai thác, chế biến, sản xuất, xây dựng...) quy mô gần 930.000 tỷ đồng, chiếm hơn 25,52% trong giá trị công nghiệp cả nước, tính đến năm 2024. Theo ông Trần Việt Hà, Phó trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza): Sau sáp nhập, TP Hồ Chí Minh có 66 khu chế xuất và khu công nghiệp với tổng diện tích đất hơn 27.000ha. Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, địa phương sẽ có 105 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch hơn 49.000ha, là trung tâm công nghiệp hàng đầu của quốc gia.
Phân bổ không gian, tích hợp công nghệ cao
Sau quá trình sáp nhập, TP Hồ Chí Minh mở rộng quy mô thành đô thị gần 14 triệu dân; đồng thời, tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế-công nghiệp-thương mại hàng đầu cả nước. Theo lãnh đạo Sở Công Thương: TP Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung vào phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, xanh và bền vững, ưu tiên công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và chuyển đổi số thông qua triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; chính sách hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.
![]() |
Khu công nghiệp Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG VIỆT |
Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng phát triển công nghiệp, TP Hồ Chí Minh cần giải quyết một loạt khó khăn, vướng mắc tồn tại như: Chi phí logistics cao, thiếu đất công nghiệp sạch, công nghệ sản xuất lạc hậu, tự động hóa thấp và sức ép từ các rào cản thương mại quốc tế; một số ngành công nghiệp thiếu hụt nhân lực chất lượng cao... Đặc biệt, một trong những điểm nghẽn mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải là thủ tục hành chính và chồng lấn quy hoạch, nhất là sau khi sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu vào TP Hồ Chí Minh.
Thực tế không ít dự án công nghiệp đang bị vướng vì thủ tục rườm rà, chậm cập nhật quy hoạch, thẩm quyền phân tán. Doanh nghiệp không thể chờ 6 tháng hay 1 năm để được cấp phép; trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chậm vài tháng là có thể mất cả thị trường. Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp được đề xuất là xây dựng "cơ chế một cửa liên thông đặc biệt" dành cho các dự án công nghiệp trọng điểm.
Tại tọa đàm "Động lực phát triển công nghiệp TP Hồ Chí Minh-Từ tiềm năng đến hành động" mới được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 (Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP Hồ Chí Minh), cho rằng: Muốn đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp hai con số trong 5 năm tới, TP Hồ Chí Minh không thể đi theo mô hình cũ.
Nếu TP Hồ Chí Minh tiếp tục phụ thuộc vào lao động giá rẻ và mô hình truyền thống, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất rõ ràng. Công nghiệp mới phải gia tăng giá trị, dựa trên chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. Thành phố cần tái phân bố không gian, xây dựng vành đai công nghiệp-dịch vụ-cảng biển kéo dài từ Bình Dương xuống cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải...
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi sang công nghiệp số và công nghệ cao, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng hệ thống đào tạo kỹ thuật tiên tiến, gắn kết chặt chẽ giữa các trường đại học-cao đẳng nghề-doanh nghiệp-khu công nghiệp. Giải pháp trọng tâm là xây dựng mạng lưới đào tạo với các trung tâm nghề công nghệ cao; mở rộng đào tạo các ngành kỹ thuật tự động hóa, thiết kế công nghiệp, điều khiển số, logistics thông minh, năng lượng sạch.
Trước yêu cầu tái cấu trúc phát triển, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm để định hướng quy hoạch công nghiệp trong không gian phát triển mới. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp-logistics-năng lượng đồng bộ, ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành, công viên công nghệ, cụm logistics tích hợp quy mô lớn, sử dụng năng lượng xanh; đổi mới công nghệ-chuyển đổi số-tự động hóa, đẩy mạnh sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, gắn với đô thị thông minh, chuyển đổi xanh và số hóa toàn diện; thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ, ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư cho vật liệu mới, linh kiện chiến lược, thúc đẩy nội địa hóa sản xuất; phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao nhằm kết nối doanh nghiệp với các trung tâm đào tạo, hình thành mạng lưới kỹ năng công nghiệp và logistics thông minh; ưu tiên công nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn, khuyến khích đổi mới công nghệ xử lý chất thải, tái chế, giảm phát thải carbon...
DUY MINH
Tin mới
Hà Nội: Nhà 5 tầng trên đường Giải Phóng bốc cháy, đang xác định thiệt hại
Chiều 22-7, đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TP Hà Nội cho biết, vào khoảng 14 giờ 48 phút cùng ngày, một vụ cháy đã xảy ra tại ngôi nhà số 569 đường Giải Phóng, phường Tương Mai (TP Hà Nội).
Hà Tĩnh: Bố trí tái định cư cho gần 1.300 hộ dân để triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Đó là thông tin mà đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh cho biết trong buổi họp báo cung cấp thông tin về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vào sáng 22-7.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Thanh Hóa phải chủ động ứng phó hoàn lưu sau bão
Ngày 22-7, trực tiếp đến kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại tỉnh Thanh Hóa, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu tỉnh Thanh Hóa phải kịp thời đưa người dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn và chủ động ứng phó hoàn lưu sau bão.
Ban Bí thư: Không được chủ quan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra do bão số 3 (Wipha)
Ngày 22-7, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung đã ký ban hành Công văn số 16188-CV/VPTW "Về việc thông báo chỉ đạo của Ban Bí thư về việc ứng phó với cơn bão số 3 (Wipha)".
Người dân Thủ đô chằng chống nhà cửa sẵn sàng ứng phó bão Wipha
Để giảm thiểu thiệt hại khi bão Wipha (bão số 3) đổ bộ vào đất liền, từ chiều ngày 21-7 đến nay, người dân Thủ đô tất bật chằng chống nhà cửa, di dời tài sản đến nơi an toàn.
Điện Biên: Đứt cầu treo, ô tô chở 3 người rơi xuống sông
Vào khoảng 8 giờ 20 phút sáng 22-7, cầu treo Pa Thơm bắc qua sông Nậm Núa, thuộc bản Pa Xa Lào, xã Thanh Yên (trước là xã Pa Thơm), tỉnh Điện Biên, bất ngờ bị đứt cáp, khiến một chiếc xe ô tô rơi xuống sông, làm 3 người trên xe bị thương.