Tạo dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, công bằng
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố dự thảo Luật Nhà giáo (lần 3) để lấy ý kiến nhân dân. Một trong những nội dung được dư luận quan tâm trong dự thảo là các quy định nghiêm cấm đối với nhà giáo và các tổ chức, cá nhân liên quan, nhằm xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, đề cao đạo đức nghề nghiệp... Báo Quân đội nhân dân giới thiệu một số ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này.
PGS, TS TRẦN THÀNH NAM, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: Cả giáo viên và học sinh đều được tôn trọng, bảo vệ
Theo dự thảo, Bộ GD-ĐT đề xuất nghiêm cấm nhà giáo có các hành vi sau: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học, đồng nghiệp và nhân dân; phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức; gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, kiểm tra, thi, đánh giá người học; xuyên tạc nội dung giáo dục; lợi dụng hoạt động giảng dạy, giáo dục để tuyên truyền các nội dung trái đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật; lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; cho người khác sử dụng giấy phép hành nghề dạy học dưới mọi hình thức; tự ý bỏ việc, tham gia đình công trái pháp luật; vi phạm đạo đức nhà giáo và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
![]() |
Cô, trò Trường Tiểu học xã Châu Sơn, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: HUYỀN TRANG |
Ngoài việc quy định các hành vi cấm đối với giáo viên, tại dự thảo, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất các quy định nghiêm cấm đối với tổ chức và cá nhân liên quan. Mục tiêu chính là bảo vệ quyền lợi của nhà giáo, bảo đảm cho nhà giáo có môi trường làm việc an toàn và công bằng. Điều này vừa tạo quy định pháp lý đầy đủ để nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp, vừa bảo vệ nhà giáo.
Theo tôi, luật cần quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ nhà giáo khỏi các hành vi gây áp lực tinh thần và thao túng tâm lý. Không chỉ những hành vi bạo lực trực tiếp như xúc phạm thân thể hay danh dự mới cần bị nghiêm cấm mà cả các hành vi tạo môi trường thù địch, gây áp lực tâm lý cũng phải bị kiểm soát. Việc công khai thông tin liên quan đến các sai phạm của nhà giáo cần được xử lý một cách thận trọng. Ngay cả khi đã có kết luận, việc công khai không nên tiết lộ toàn bộ thông tin cá nhân của giáo viên để họ vẫn có cơ hội tái hòa nhập xã hội và theo đuổi những nghề nghiệp khác nếu không còn đủ tiêu chuẩn làm giáo viên. Tôi hy vọng với những đề xuất mạnh mẽ trong dự thảo lần này sẽ tạo dựng được một môi trường giáo dục công bằng, nơi mà giáo viên và học sinh đều được tôn trọng, bảo vệ.
Luật sư TRẦN VĂN QUYẾT, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Sẽ trở thành hành lang pháp lý vững chắc
Dự thảo Luật Nhà giáo được cơ quan soạn thảo xây dựng trên cơ sở tiếp thu, kế thừa và phát triển nhiều quy định của Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và nhiều luật có liên quan khác cho phù hợp với phạm vi và đối tượng điều chỉnh. Dự thảo Luật Nhà giáo đã có những quy định cụ thể, đầy đủ nhằm tạo điều kiện để nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đồng thời bảo vệ nhà giáo, như: Định danh nhà giáo; quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; những hành vi bị nghiêm cấm cùng các quy định về xử lý vi phạm.
Trong dự thảo Luật Nhà giáo có quy định không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo. Quy định như trong dự thảo luật là cần thiết nhưng chưa thực sự rõ ràng. Việc chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng về sai phạm của một cá nhân nói chung, nhà giáo nói riêng là đúng nhưng cần phải quy định rõ ràng hơn. Ban soạn thảo nên nghiên cứu, đánh giá lại quy định này. Trong đó nên quy định một cách cụ thể, rõ ràng, tránh để sau khi luật có hiệu lực, các cơ quan dựa vào đó để gây khó cho người dân và báo chí tham gia giám sát, phản ánh.
Bên cạnh đó, theo tôi, Luật Nhà giáo cần tập trung vào một số chế định mà luật hiện hành chưa rõ. Cụ thể, cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của giáo viên, quan hệ nhà giáo với xã hội, quan hệ nhà giáo với gia đình và đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Điều quan trọng nhất của nhà giáo không chỉ là trình độ mà còn là đạo đức. Nhà giáo phải là tấm gương tốt nhất về đạo đức, nhân cách, về con người để học sinh noi theo. Tôi cho rằng, Luật Nhà giáo khi ra đời nếu bảo đảm được chất lượng tốt, tính khả thi sẽ là hành lang pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo động lực lớn để đưa sự nghiệp giáo dục nước ta lên tầm cao mới.
--------------
Cô giáo VŨ HUYỀN TRANG, Trường THPT Thanh Thủy (Thanh Thủy, Phú Thọ): Nên bổ sung thêm quy định chống "bệnh thành tích"
Trong dự thảo luật có quy định giáo viên không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật. Tôi cho rằng học thêm không xấu nhưng cần cấm hoặc hạn chế giáo viên dạy thêm đối với học sinh trực tiếp của mình (đã dạy chính trên lớp) để tránh tiêu cực có thể xảy ra. Bởi như vậy, sẽ không còn lo học sinh bị ép buộc học thêm. Phụ huynh và học sinh nếu có nhu cầu học thêm thì tự tìm thầy cô ở ngoài, thầy cô ở ngoài thì không thể ép học sinh học thêm. Như vậy mới đúng nghĩa là tự nguyện từ hai phía. Bên cạnh đó, theo tôi nên bổ sung thêm quy định chống "bệnh thành tích", "bệnh hình thức" trong các cơ sở giáo dục. Nội dung này rất cần thiết, bởi hiện nay, "bệnh thành tích" trong giáo dục còn rất nặng nề, gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực.
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.