• Click để copy

Thanh Hóa: Chuyển đổi số để phát triển đột phá

Tỉnh Thanh Hóa hiện đã lọt tốp 15 và mục tiêu đến năm 2025 sẽ thuộc tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số (CĐS). Đó vừa là quyết tâm của chính quyền, người dân, doanh nghiệp vừa cho thấy tiềm năng to lớn của CĐS ở địa phương này.

Hiện thực hóa bằng các mô hình, giải pháp

Để mở rộng thị trường, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh đã xây dựng website quảng bá sản phẩm, thành lập bộ phận truyền thông, bán hàng online qua các kênh như: Facebook, Lazada, TikTok, Alibaba. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu của công ty liên tục tăng, trong đó, tỷ trọng doanh thu bán hàng qua các kênh thương mại điện tử ngày càng tăng... Anh Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty cho biết: “Áp dụng CĐS vào sản xuất, kinh doanh, công ty đã có nhiều bạn hàng mới, không chỉ bán hàng trong nước mà chúng tôi còn xuất khẩu đi một số nước; doanh số kinh doanh thương mại điện tử chiếm 50-60% và đang tăng lên. Đặc biệt, sản phẩm yến sào tiếp cận người tiêu dùng rất nhanh, tiết kiệm chi phí marketing rất nhiều”.

Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp thực hiện CĐS như Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh đang ngày càng nhiều lên ở Thanh Hóa. Từ năm 2023, tỉnh Thanh Hóa thực hiện thí điểm mô hình “3 không” (không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công; không dùng tiền mặt trong một số dịch vụ thiết yếu và không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền) tại 5 xã, phường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 10/27 huyện với 227 xã, phường triển khai thực hiện mô hình “3 không”. Theo đó, 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức thực hiện chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường mạng; 100% văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường mạng (trừ văn bản mật theo quy định); 90% hồ sơ, thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến.

Thanh Hóa: Chuyển đổi số để phát triển đột phá
Gần 450 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và sản phẩm đặc trưng các địa phương được lên sàn thương mại điện tử. 

Bên cạnh đó, rất nhiều mô hình CĐS đã và đang được triển khai, nhân rộng tại địa phương như mô hình “Ngày không bút”; “chợ 4.0” tại chợ Điện Biên, chợ Quảng Thắng (TP Thanh Hóa); “Thôn thông minh” tại xã Hoằng Thái (huyện Hoằng Hóa) và xã Định Long (huyện Yên Định). Người dân tại tỉnh Thanh Hóa đã dần áp dụng nền tảng số như các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, YouTube, Zalo v.v.. để quảng bá, bán hàng. Một số sản phẩm của người dân đã được dán tem truy xuất nguồn gốc; đã có hàng triệu tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt với các dịch vụ thiết yếu.

Xác định CĐS vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp, những năm qua, quá trình CĐS của tỉnh Thanh Hóa đều hướng vào việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển của địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động kinh tế số, xã hội số với nhiều giải pháp được triển khai như: Giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chống thất thu thuế, thất thu ngân sách, đã có 54.620 doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền (tăng 11.902 doanh nghiệp so với tháng 3-2024), với hơn 342,78 triệu hóa đơn. Tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức tập huấn, tư vấn sử dụng hợp đồng điện tử; hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; đưa 429 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và sản phẩm đặc trưng của các huyện lên sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, nền tảng chia sẻ, tích hợp nội tỉnh LGSP (tại địa chỉ https://lgsp.thanhhoa.gov.vn) hiện đang cung cấp 11 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 15 dịch vụ kết nối bên ngoài; trục kết nối nội tỉnh đang được duy trì, hoạt động một cách thường xuyên, ổn định. Thanh Hóa cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp, nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí.

Vướng mắc về cơ sở dữ liệu

Hiện nay, cơ sở dữ liệu của các ngành còn rời rạc, chưa đồng bộ; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành với cơ sở dữ liệu của địa phương chưa thực hiện hoặc đang ách tắc; một số nền tảng số quá trình triển khai còn khó khăn và chưa đem lại hiệu quả trong thực tế như nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa hướng dẫn cụ thể, chưa ban hành được Bộ tiêu chí CĐS cấp huyện, xã; do đó, các địa phương rất lúng túng trong việc công nhận các huyện, xã hoàn thành tiêu chí CĐS. Đặc biệt, về nguồn nhân lực số, Thanh Hóa hiện có 558 xã, phường, thị trấn, tuy nhiên, chức danh chuyên trách về CĐS chưa được các bộ, ngành quy định cụ thể nên địa phương chưa thể tuyển dụng cán bộ cho vị trí này. Đối với chức danh chuyên trách về an toàn thông tin mạng đòi hỏi cán bộ phải có trình độ chuyên sâu, nhưng thực tế việc phân công thực hiện nhiệm vụ này tại tuyến xã cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Với mục tiêu đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS, toàn tỉnh có ít nhất 100 doanh nghiệp số, đến năm 2030 có ít nhất 150 doanh nghiệp số, Thanh Hóa xác định phải CĐS một cách toàn diện, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thận trọng, khoa học, bài bản và cần có sự kiên trì, bền bỉ, lâu dài. 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Khó khăn nhất của CĐS hiện vẫn là nhận thức, tư duy của người dân, doanh nghiệp. Do đó, để CĐS trực tiếp tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, chúng tôi đang tập trung hướng dẫn, quản lý nâng cao chất lượng tuyên truyền, đặc biệt là công tác truyền thông chính sách; hoàn thiện hạ tầng số, xây dựng, phát triển dữ liệu số, tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin trong ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS; triển khai hiệu quả các mô hình, nền tảng số, đặc biệt tham mưu thúc đẩy CĐS ngành, lĩnh vực và CĐS trong doanh nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của địa phương trong những năm tới".

Với quyết tâm của chính quyền và sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, Thanh Hóa hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu lọt tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS đến năm 2025.

Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH

Tin mới

Bão số 4: Quảng Bình kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, đảng viên không chấp hành di dời
Bão số 4: Quảng Bình kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, đảng viên không chấp hành di dời

Ngày 19-9, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đã ký công điện về việc di dời người dân đến nơi an toàn để ứng phó với bão số 4 và mưa lớn.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó bão số 4
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó bão số 4

Trước diễn biến của bão số 4, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống và ứng phó.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV

Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Quốc hội Liên bang Nga Valentina Matvienko, ngày 18-9, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV bằng hình thức phát biểu ghi hình.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm cấp Nhà nước tới Cuba
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Từ ngày 21-27/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và sau đó sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cuba.

Khẩn trương di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp
Khẩn trương di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các giải pháp để di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp, thuộc diện phải phá dỡ theo quy định.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bão lũ
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bão lũ

Ngày 18-9, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết sẽ cung ứng bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bị bão lũ.