Tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH,CN, ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia.
Khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng hấp thụ công nghệ doanh nghiệp
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hướng tới tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, các địa phương cần đưa mục tiêu TFP (yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp) đóng góp vào tăng trưởng GRDP của các địa phương 50-55%. Từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể về kinh phí đầu tư đổi mới KH&CN, đưa các cơ chế, chính sách mới đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KH,CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại hội nghị. |
Nghị quyết này đã "cởi trói" một số nội dung về chi tiêu cho KH&CN. Một trong những chính sách quan trọng là cho phép tất cả các chi tiêu cho nghiên cứu phát triển và ĐMST của doanh nghiệp được trừ vào chi phí tính thuế.
Đây là nội dung "cởi trói" rất lớn so với trước đây chỉ cho phép doanh nghiệp trích Quỹ KH&CN của doanh nghiệp tối đa không quá 10% thu nhập chịu thuế (con số này nhỏ hơn nhiều so với tổng doanh thu của doanh nghiệp). Với cơ chế mới này, doanh nghiệp có thể đầu tư cho nghiên cứu phát triển gấp 10 thậm chí đến 20 lần, đặc biệt giai đoạn này sẽ hỗ trợ rất tốt công tác khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng hấp thụ công nghệ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã có báo cáo chi tiết về đóng góp của đổi mới công nghệ và đổi mới quản trị, nâng cao hiệu suất cho các ngành vào tăng trưởng kinh tế. Bộ mong muốn các bộ, ngành sử dụng những kết quả nghiên cứu này để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu suất, chất lượng.
Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua cơ chế cho phép toàn bộ các kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học thuộc sở hữu, được phép thương mại hóa ngay kết quả nghiên cứu mà không cần lập kế hoạch xin cấp trên. Điều này giúp rút ngắn thời gian đưa công nghệ vào ứng dụng thực tế.
"Với tháo gỡ này, ngay tuần tới, Bộ trưởng Bộ KH&CN sẽ chỉ đạo lãnh đạo đơn vị họp ngay các đơn vị đã có kết quả nghiên cứu, sẵn sàng ký hợp đồng triển khai doanh nghiệp đưa vào sản xuất kinh doanh ngay thời gian tới", Thứ trưởng Bùi Thế Duy thông tin. Đồng thời Thứ trưởng cho biết, Bộ KH&CN cũng khuyến khích các địa phương quan tâm đến chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII), đây là công cụ đánh giá hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế. Trong tháng 5-2025, Bộ KH&CN dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội thông qua Luật KH,CN&ĐMST, đồng thời xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2026-2030 nhằm tạo đà cho tăng trưởng bền vững trong những năm tới.
Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đang phối hợp chặt chẽ với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương và các nhà khoa học triển khai các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu phù hợp, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới, đặc biệt hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
![]() |
Ảnh minh họa/qdnd.vn |
Doanh nghiệp công nghệ số sẵn sàng
Doanh nghiệp công nghệ số đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam. Tính đến hết năm 2024, cả nước hiện có 73.788 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, tăng 10,12% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số lao động trong lĩnh vực công nghiệp này đạt gần 1,26 triệu người.
Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, VNPT cam kết đến năm 2027 sẽ làm chủ các mô hình GenAI Make in Vietnam trên các lĩnh vực ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, dữ liệu. Đồng thời làm chủ công nghệ để xây dựng bản sao số cho các thành phố, phát triển bản đồ số quốc gia 3D Make in Vietnam, bao gồm hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường, giao thông - logistics, giáo dục, y tế, công thương, bản đồ dịch bệnh từ công trình ngầm đến không gian mặt đất tới không gian vệ tinh; xây dựng nền tảng kết nối và quản lý IoT để mô phỏng, quản lý, giám sát và phân tích dữ liệu trên bản đồ, đưa ra các kịch bản quản lý địa không gian phục vụ cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Trước mắt, trong năm 2025, VNPT sẽ tiếp tục phát triển các trung tâm điều hành thông minh tại các bộ/ngành/địa phương để đưa toàn bộ hoạt động điều hành của cơ quan nhà nước trực tuyến và dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cũng khẳng định: Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của Viettel trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết 57. Viettel sẽ làm các nhiệm vụ trọng tâm như nghiên cứu sản xuất các thiết bị viễn thông, mục tiêu đến năm 2027 sẽ có các thiết bị 5G tiên tiến, cùng với hệ sinh thái lõi mạng truyền dẫn cho 5G, giúp kết nối nhanh hơn, chính xác hơn, phục vụ chuyển đổi số. Phấn đấu đến năm 2030 có các thiết bị 6G đầu tiên cung cấp thương mại. Trong lĩnh vực bán dẫn, Viettel đã làm chủ việc nghiên cứu và thiết kế các dòng chip bán dẫn dùng cho 4G, 5G, cho thiết bị mạng lõi, thông tin liên lạc, radar. Viettel đặt mục tiêu trong năm 2025, sẽ hoàn thành đề án về xây dựng một nhà máy chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ hiện đại, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để trình Thủ tướng Chính phủ triển khai. Xác định đến năm 2030, sẽ có nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, Nghị quyết 57 là Nghị quyết trụ cột cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Những ưu tiên mà FPT sẽ tích cực thực hiện Nghị quyết này bằng các cam kết: Khai thác hiệu quả dữ liệu của Chính phủ để phục vụ người dân và doanh nghiệp về các mảng: Y tế, giáo dục, lao động, thuế, ngân hàng và bảo mật.
Bên cạnh đó, đóng góp, chia sẻ dữ liệu cho Trung tâm dữ liệu quốc gia; đào tạo nguồn lực số với việc đẩy mạnh hoạt động giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ phục vụ chuyển đổi số ở các cấp: Phổ thông, đào tạo nghề, đại học, sau đại học; đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn...
FPT cũng đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy ngoại giao công nghệ thu hút đầu tư bán dẫn vào Việt Nam, liên kết xuyên biên giới, đa quốc gia; đưa lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, dịch vụ chuyển đổi số của Việt Nam ra thế giới; xây dựng thương hiệu Công nghệ Việt Nam khi liên doanh với các doanh nghiệp lớn trong khu vực và thế giới để xây dựng các trung tâm dữ liệu (Data Center) quy mô lớn, trên 50MW tại Việt Nam.
THU HIỀN - HỒNG QUANG
Tin mới
Hà Nội: Điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông tại tuyến đường 8 làn xe
Việc điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông giúp chấm dứt tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường 8 làn xe Trịnh Văn Bô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Triệt phá thành công chuyên án lợi dụng mê tín dị đoan chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng
Ngày 24-2, thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Đắk Lắk), đơn vị vừa triệt xóa thành công chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chiêu trò “mê tín dị đoan” để chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng.
Khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận
Ngày 24-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định thành lập 15 đảng bộ thuộc Đảng ủy Chính phủ
Sáng 24-2, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quyết định của Đảng ủy Chính phủ về việc thành lập 15 đảng bộ các bộ, cơ quan trực thuộc Đảng ủy Chính phủ.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Ngành Y tế cần đổi mới mạnh mẽ để bảo đảm mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 / 27-2-2025), sáng 24-2, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thăm, làm việc với Bộ Y tế về kết quả thực hiện công tác y tế trong thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
Sáng 24-2, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (Ban chỉ đạo) đã chủ trì phiên họp thứ nhất năm 2025 Ban chỉ đạo.