• Click để copy

Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Nha Trang-Cam Lâm

Ngày 18-6, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Thuận tổ chức khánh thành 2 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và cắt băng khánh thành dự án tại điểm cầu ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa thuộc dự án Nha Trang-Cam Lâm.

Tham dự tại điểm cầu kết nối tại tỉnh Bình Thuận thuộc dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần dài 654 km. Với 2 dự án được khánh thành là Nha Trang – Cam Lâm và Vĩnh Hảo – Phan Thiết, đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác 6 dự án thành phần dài 425km. Trong đó, dự án Nha Trang - Cam Lâm dài 49km, khởi công năm 2021, tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng theo phương thức đối tác công-tư (PPP).

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết có chiều dài 101km, tổng mức đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, khởi công vào cuối tháng 9-2020. Liên danh nhà thầu Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VINACONEX) – VNCN E&C là đơn vị đảm nhiệm thi công gói thầu XL04, đoạn Km185+400 đến Km235+000, nút giao Ma Lâm và nút giao Phan Thiết với giá trị hợp đồng xây lắp 3.225 tỷ đồng. Ngày 19-5, cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết đã được đưa vào khai thác sau 31 tháng nỗ lực của nhà thầu VINACONEX cùng các đơn vị thi công. 

Đại diện các nhà thầu thi công dự án, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VINACONEX cho biết, ngay từ ngày đầu khởi công dự án, tập thể cán bộ công nhân viên của VINACONEX và các nhà thầu đã luôn nỗ lực cố gắng để triển khai thực hiện dự án đảm bảo đáp ứng kế hoạch tiến độ đề ra, xác định việc hoàn thành dự án là danh dự, uy tín và trách nhiệm của doanh nghiệp trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hoàn thành sau 31 tháng thi công. Ảnh: BẢO LINHCao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hoàn thành sau 31 tháng thi công. Ảnh: BẢO LINH

Dự án đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách, nguồn vốn để tạo điều kiện cho các nhà thầu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi nêu trên, quá trình triển khai thực hiện Dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng thi công lớn trong điều kiện địa chất, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, đại dịch Covid-19 bùng phát, điều kiện thời tiết bất lợi do mưa nhiều bất thường, biến động đột biến của giá nguyên vật liệu, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và thiếu hụt nguồn đất đắp. 

Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, quyết tâm đưa dự án về đích đúng hạn”, kế hoạch thi công được xây dựng chi tiết từng tuần, tháng, quý, dồn mọi nguồn lực tận dụng tối đa điều kiện thời tiết trong những lúc thuận lợi để thi công bù đắp tiến độ; áp dụng các công nghệ và giải pháp thi công tiên tiến nhất, huy động hàng nghìn chủng loại máy móc, thiết bị hiện đại nhất cùng hàng nghìn cán bộ kỹ sư, công nhân, thi công “3 ca, 4 kíp” không kể ngày đêm. Các nhà thầu đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, góp phần đưa dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ và an toàn lao động tuyệt đối.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, việc hoàn thành 2 dự án Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc-Nam lên thành 950km. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác 566km đường bộ cao tốc, nâng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng của nước ta là 1.729km. 

Hai công trình khánh thành ngày hôm nay sẽ góp phần kết nối các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gần hơn, nhanh hơn với Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, mở rộng hoạt động kinh tế, liên kết vùng, đồng thời giảm tải cho Quốc lộ 1, nâng cao năng lực vận tải và đảm bảo an toàn giao thông. 

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các cán bộ, công chức, người lao động ngành giao thông vận tải, đặc biệt là nhà đầu tư, các ban quản lý dự án, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để khắc phục các khó khăn về dịch bệnh, thời tiết bất lợi, làm việc không kể ngày đêm, "tăng ca, tăng kíp", "vượt nắng, thắng mưa, thắng đại dịch", huy động đủ nguồn lực, thiết bị và máy móc, thực hiện nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để đưa các dự án đi vào khai thác, vận hành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành. Ảnh: NHẬT BẮCThủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết thiếu hụt vật liệu; cảm ơn bà con nhân dân trong vùng ảnh hưởng đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà để triển khai các dự án.

Một số bài học kinh nghiệm được Thủ tướng nêu rõ, trước hết là phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả và luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu các nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cần phải bám sát thực tiễn, chủ động nắm bắt tình hình và nâng cao tính dự báo để kịp thời điều chỉnh kế hoạch, thực hiện các giải pháp để xử lý kịp thời, dứt điểm ngay tại công trường các vướng mắc, tồn tại phát sinh trong quá trình triển khai các dự án. 

Bên cạnh đó, cần chủ động giải quyết các công việc trong thẩm quyền; phải xác định đường cao tốc là tài sản chung của quốc gia mà địa phương trực tiếp được hưởng lợi để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách trách nhiệm, hiệu quả; linh hoạt xử lý các vấn đề theo thẩm quyền, nhất là giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, đường hậu cần, bãi thải…; đặc biệt, xử lý vấn đề nguyên vật liệu xây dựng. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và đồng thuận chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; quan tâm đến đời sống của nhân dân, chú trọng công tác bố trí tái định cư cho người dân, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ, đảm bảo về hạ tầng, y tế, giáo dục, dịch vụ; từ đó để người dân tin tưởng, sẵn sàng nhường đất, dời nhà phục vụ xây dựng các dự án.

Không chia nhỏ gói thầu; xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để lựa chọn nhà thầu phù hợp với thực tế; bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật để lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín, kinh nghiệm quản lý, triển khai dự án quy mô lớn; bảo đảm các yếu tố về kỹ - mỹ thuật, tiết kiệm chi phí, không để tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý. Kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; các vấn đề thuộc thẩm quyền thì phải giải quyết, tránh đùn đẩy trách nhiệm; kiên quyết chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng. 

Thủ tướng nhấn mạnh, việc hoàn thành 2 tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết có vai trò, ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Khánh Hoà, tỉnh Bình Thuận nói riêng, của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và của đất nước nói chung. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành dự án. Ảnh: NHẬT BẮCThủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành dự án. Ảnh: NHẬT BẮC

Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức vận hành, khai thác bảo đảm an toàn; căn cứ nhu cầu giao thông để xây dựng kế hoạch đầu tư hoàn chỉnh dự án theo quy mô quy hoạch trong tương lai; nghiên cứu, phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc triển khai dự án để làm bài học cho các dự án sau này; đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa các đoạn còn lại của tuyến cao tốc Bắc-Nam vào khai thác đúng tiến độ, nâng cao chất lượng và không đội vốn bất hợp lý; phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với các địa phương khẩn trương triển khai xây dựng các dự án cao tốc trục Đông - Tây, các dự án vành đai đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, các dự án kết nối liên vùng theo hình thức PPP.

UBND các tỉnh Khánh Hoà, Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là những gia đình, người dân nhường mặt bằng, đất đai cho dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống tốt hơn; tận dụng tối đa lợi thế của tuyến đường cao tốc để quy hoạch và phát triển không gian mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các bộ ngành, địa phương, cơ quan và nhân dân khi vận hành cần bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình.

MẠNH HƯNG

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.