Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt
Sáng 9-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt (Ban chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ ba của Ban chỉ đạo, để đánh giá tình hình công tác 6 tháng đầu năm 2025 và rà soát thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng giao tại phiên họp thứ hai của Ban chỉ đạo.
Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ; trực tuyến với điểm cầu 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự phiên họp có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó trưởng Ban chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương nơi có các dự án đường sắt đi qua.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đà phát triển tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng 6 tháng đạt 7,52%, cao nhất trong giai đoạn từ năm 2011 trở lại đây.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay còn rất nhiều thách thức. Do đó, thời gian tới, Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo để hoàn thành hai mục tiêu 100 năm.
Thủ tướng chỉ rõ, Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục 3 đột phá chiến lược, trong đó có quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt; triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu vực kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhằm giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao.
![]() |
Quang cảnh hội nghị. |
Thủ tướng cho rằng, vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc-Nam, vận tải hành khách tại các đô thị lớn. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chủ trương dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đường sắt sửa đổi, với nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để huy động tối đa nguồn lực phát triển đường sắt trong giai đoạn tới.
Tại phiên họp lần thứ hai của Ban chỉ đạo, Thủ tướng chỉ ra 3 nhiệm vụ trọng tâm và giao 48 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để tập trung thực hiện, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Các bộ, ngành, địa phương và thành viên Ban chỉ đạo đã hết sức trách nhiệm tổ chức triển khai nhiệm vụ được giao; phát huy tinh thần trách nhiệm, giao nhiệm vụ “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền” với tinh thần là “nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn”. Nhấn mạnh công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng có ý nghĩa quan trọng, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đường sắt đi qua báo cáo về tình hình chuẩn bị công việc giải phóng mặt bằng.
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương đã được giao nhiệm vụ phải chủ động tổ chức triển khai, không trông chờ, ỷ lại; không vòng vo, sợ trách nhiệm; phải cụ thể hóa thành quyết định, văn bản pháp lý của các bộ, ngành, không chậm trễ, vì Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đã đồng tình, nhân dân thì mong đợi, chỉ bàn làm, không bàn lùi, làm đồng bộ, xuất phát từ lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân, chống tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm...
Từ sau phiên họp thứ hai của Ban chỉ đạo, Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, giao 48 nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án. Đến nay, các cơ quan đã hoàn thành 23 nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu. Các cơ quan đang tích cực, tập trung triển khai 17 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên; 7 nhiệm vụ chưa đáp ứng tiến độ; 1 nhiệm vụ chưa đến hạn.
Trong đó, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đường sắt; Chính phủ ban hành Nghị quyết 127 triển khai Nghị quyết 187 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Bộ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 188 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn về tạm sử dụng rừng, hiện đang tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến thành viên Chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn chỉnh dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện công tác phát triển khoa học, công nghệ đường sắt, đang soát xét thủ tục trình Chính phủ.
Bộ Công Thương hoàn chỉnh Đề án phát triển công nghiệp, đang soát xét thủ tục trình Thủ tướng. TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 188 của Quốc hội. Các địa phương tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng.
Tại phiên họp, các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo cụ thể tình hình triển khai dự án về: Công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi; lập thiết kế kỹ thuật; giải phóng mặt bằng; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về đường sắt tốc độ cao; phương án lựa chọn phương thức đầu tư… Nhìn chung, việc triển khai nhiệm vụ đang được triển khai tích cực, trong đó, chuẩn bị các điều kiện để khởi công dự án tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào tháng 12-2025 như chỉ đạo của Thủ tướng.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các thành viên Ban chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Xây dựng trong việc triển khai nhiệm vụ, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhưng cũng có một số nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu.
Thủ tướng nhắc nhở Ban Chỉ đạo thực hiện chỉ đạo, đôn đốc, thống nhất chủ trương, các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ban hành văn bản cụ thể hóa quyết định theo luật pháp để thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, sát tình hình; những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù, đặc biệt dành cho hai địa phương; nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ xem xét.
Thủ tướng nhấn mạnh, các công trình đường sắt góp phần tạo ra không gian phát triển mới; tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành hàng hóa; góp phần hiện đại hóa đất nước, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Do đó, các bên liên quan phải nỗ lực thực hiện, đảm bảo các mục tiêu đã đề ra, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là làm đến nơi đến chốn, làm việc nào ra việc nấy, làm việc nào dứt việc đó; tinh thần là vừa làm vừa điều chỉnh, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, làm đâu chắc đó, làm đâu được đấy, vừa chạy vừa xếp hàng nhưng trên cơ sở khoa học, an toàn, hiệu quả, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm; triển khai nhiều nhiệm vụ một lúc nhưng có thứ tự.
Trong đó, Thủ tướng chỉ rõ, việc trình các cấp có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình phải hoàn thành thành trước ngày 20-7. Trên cơ sở đó, dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, xét đề xuất các phương thức đầu tư theo quy định của luật hiện hành.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng chỉ rõ, đã tách khỏi dự án đầu tư và giao các tỉnh, thành phố. Do đó trên tinh thần chủ động, tích cực, hiệu quả, các địa phương, nhất là người đứng đầu, phải chủ động triển khai, chỉ đạo các xã, phường và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tổ chức thực hiện; sớm bàn giao hướng tuyến có tính đến sự phát triển để các đơn vị triển khai các bước tiếp theo.
Nhấn mạnh, phải chủ động khảo sát địa chất, xây dựng hướng tuyến, không trông chờ viện trợ, Thủ tướng chỉ đạo tổ chức ra quân đồng loạt triển khai giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam vào dịp 19-8 để kết thúc vào cuối năm 2026.
Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, chủ động xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, chuyển hóa xây dựng tiêu chuẩn trước ngày 10-8, dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao thúc đẩy họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam- Trung Quốc về các dự án đường sắt kết nối.
Thủ tướng giao các bộ, ngành chủ động phương án, huy động nguồn lực tài chính cho các dự án; yêu cầu bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo rà soát, nếu còn khó khăn, vướng mắc về thể chế thì báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét. Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy định vốn ODA, đảm bảo quy định phải thông thoáng, thực hiện hậu kiểm thay vì tiền kiểm như hiện nay.
Tin mới
Chuyến công tác của Thủ tướng tới Brazil: Thành công trên nhiều phương diện
Lần thứ ba trong 3 năm liên tiếp và với hành trình bay hơn 25 giờ để đến nơi cách nhau nửa vòng Trái đất - đất nước của vũ điệu Samba, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn rõ nét và kết quả thực chất.
Bộ Công Thương giao chỉ tiêu tăng trưởng và nhiệm vụ phát triển thị trường cho các tỉnh sau sáp nhập
Trước diễn biến tăng trưởng bán lẻ chưa như kỳ vọng và yêu cầu điều chỉnh theo địa giới hành chính mới, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương khẩn trương ổn định bộ máy, đẩy nhanh thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng theo Chỉ thị 08.
Quảng Ninh: Phát hiện kho hàng hơn 47.000 sản phẩm nhập lậu, vận hành qua phần mềm Trung Quốc
Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện một kho hàng chứa hơn 47.000 sản phẩm vi phạm, vận hành bằng phần mềm nước ngoài, liên kết với hàng trăm tài khoản TikTok và nguồn hàng từ Trung Quốc, cho thấy dấu hiệu buôn lậu xuyên biên giới tinh vi qua thương mại điện tử.
Không thu phí xem pháo hoa đối với du khách tham quan vịnh Hạ Long
Ngày 9-7, đại diện Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long, đơn vị tổ chức bắn pháo hoa ở phường Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị sẽ dừng việc tổ chức bắn pháo hoa ở mặt bến cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, không thu phí phụ thu xem pháo hoa ở các điểm kinh doanh dịch vụ lân cận và du khách tham quan vịnh Hạ Long vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần.
Giá vàng chiều nay (9-7): Lao dốc
Giá vàng chiều nay (9-7) "lao dốc" cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn.
6 tháng đầu năm 2025: 7 nhóm mặt hàng xuất khẩu hơn 8 tỷ USD
6 tháng đầu năm 2025, có 7 mặt hàng xuất khẩu hơn 8 tỷ USD, chiếm 67,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 47,688 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 26,895 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 26,882 tỷ USD; hàng dệt, may đạt 18,669 tỷ USD.