Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát
Sáng 10-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban Chỉ đạo) họp Phiên thứ nhất của Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát và nhiệm vụ thời gian tới.
Cùng dự có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo.
Khai mạc Phiên họp đúng vào tháng “Vì người nghèo”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; nghiên cứu sẽ yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo tới cấp xã để thực hiện đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước để không chỉ huy động, phân bổ nguồn lực, huy động nhân lực, vật lực tổ chức thực hiện mà còn phải đôn đốc, giám sát, kiểm tra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chính sách của Đảng, Nhà nước là chú trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng nêu rõ, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các bộ, các ngành, các địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và nhân dân, thời gian qua, cả nước đã giúp cho khoảng 340.000 hộ người có công với cách mạng và hơn 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, đến nay cả nước còn khoảng hơn 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở, trong đó khoảng 106.000 hộ người có công, 46.000 hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và 153.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khác.
Để cải thiện ngôi nhà đảm bảo an toàn, ổn định để “an cư, lạc nghiệp”, góp phần thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; thiết thực chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, cả nước quyết tâm phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu: Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Phiên họp thảo luận, xác định rõ mục tiêu, quan điểm, định hướng chỉ đạo để thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình, bảo đảm hoàn thành trong năm 2025; phân tích, xác định cụ thể những khó khăn, vướng mắc và biện pháp khắc phục; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, kế hoạch, lộ trình thực hiện để hoàn thành mục tiêu vào năm 2025, trong đó lưu ý bảo đảm tinh thần “5 rõ” gồm: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả. Đặc biệt, xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, các hộ gia đình được hỗ trợ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. |
Thủ tướng nhấn mạnh, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước là giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, song việc xóa nhà tạm, nhà dột nát không phải công việc riêng của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc mà là công việc chung của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, đặc biệt là sức mạnh của toàn dân, với tâm đức của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp. Cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp..., người nghèo cần cố gắng, nỗ lực, cộng đồng ở địa phương giúp đỡ, với tinh thần "ai có gì giúp nấy", “ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”, "tương thân, tương ái", “tình đồng chí, nghĩa đồng bào”, "lá lành đùm lá rách", “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, không trông chờ, ỷ lại; tất cả phải chủ động, tích cực.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, cả nước còn khoảng 106.000 hộ người có công có khó khăn về nhà ở. Với mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng/nhà và mức hỗ trợ sửa chữa là 30 triệu đồng/nhà, cần khoảng 4.000 tỷ đồng. Thường trực Chính phủ đã họp thống nhất chính sách hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự Phiên họp thứ nhất. |
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ước tính đến hết năm 2024, tổng số hộ được hỗ trợ nhà ở từ Chương trình là 60.000 hộ, ngân sách trung ương đã bố trí hơn 2,3 nghìn tỷ đồng; đề xuất năm 2025 bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương là hơn 1.266 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa khoảng gần 40.000 căn còn lại.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay, cả nước đã hỗ trợ được khoảng 18.200 căn cho các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi; dự kiến năm 2025 sẽ hỗ trợ khoảng 21.800 căn nhà với tổng kinh phí khoảng hơn 673,7 tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đáng chú ý, sau Lễ phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát", các địa phương đã tổ chức triển khai, với tổng số kinh phí đã huy động được khoảng hơn 44 tỷ đồng.
Đặc biệt, Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào ngày 5-10-2024 được nhân dân đánh giá cao, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, làm lay động lòng người, được các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, người dân ủng hộ; kết thúc Chương trình, tổng số tiền huy động được là 5.932 tỷ đồng…
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước là chương trình nhân văn sâu sắc, “tình đồng chí, nghĩa đồng bào”; mang tính toàn dân, toàn diện của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo ra phong trào, xu thế, tổ chức như chiến dịch, ngày hội để thúc đẩy đạt mục tiêu, với tất cả tâm, đức của mình vì người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam, các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, tổ chức, cá nhân đã tổ chức, hưởng ứng tích cực Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" và “Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng của thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, quyết định, chương trình, kế hoạch và triển khai hiệu quả nhiều chính sách về nhà ở đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực truyền cảm hứng xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ trong triển khai thực hiện Chương trình với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.
“Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát phải được triển khai với cách làm linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, với tinh thần trách nhiệm cao, cảm xúc mạnh mẽ, với tư duy đổi mới; thời gian, trí tuệ và sự quyết tâm, quyết liệt là yếu tố mang tính quyết định của Phong trào”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Chính phủ nhất trí thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, hoàn thành trước ngày 30-11-2024 để tổ chức triển khai đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.
Nhất trí đề xuất của các thành viên Ban Chỉ đạo về phân nhóm các địa phương và phương án phân bổ nguồn lực hỗ trợ và mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng/nhà và mức hỗ trợ sửa chữa là 30 triệu đồng/nhà, Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rà soát, hoàn thiện Phương án phân bổ nguồn lực huy động được từ Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát và nguồn lực hiện có của Quỹ Vì người nghèo; thông báo về phân nhóm địa phương, phương án phân bổ nguồn lực hỗ trợ để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả tích cực, đúng mục tiêu; bảo đảm không trùng lắp, thất thoát, lãng phí.
Nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, các địa phương cần chủ động, sáng tạo, nỗ lực vận động nguồn lực thực hiện, không ỷ lại vào Trung ương, đặc biệt động viên các hộ nghèo, cận nghèo tự lực, tự cường, nỗ lực, cố gắng vươn lên; tăng cường tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người dân về chủ trương thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; đặc biệt thực hiện ngay việc kiểm tra, giám sát về giá nguyên vật liệu xây dựng nhà ở trên địa bàn; ngoài ra cũng cần đẩy mạnh huy động nguồn lực trên địa bàn để hỗ trợ thêm cho hộ ngoài nguồn lực từ Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát phải đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở; huy động, đa dạng hóa nguồn lực về kinh phí, vật lực; đa dạng hóa lực lượng, trong đó cùng với các lực lượng tại chỗ, huy động lực lượng Quân đội, công an.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành cụ thể trong hoàn thiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công, bảo đảm không trùng lắp gây thất thoát, lãng phí, bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu đề ra; nghiên cứu, thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán và đặc điểm của từng địa phương, vùng miền; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đảm bảo hoàn thành hỗ trợ trong năm 2025.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt việc hỗ trợ nhà ở cho người có công, phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025"; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lặp với các hoạt động hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
Yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch truyền thông hiệu quả, công bố hình thức ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát qua tin nhắn điện thoại về thông điệp “Cao điểm phát động 450 ngày đêm hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước" với các hình thức, thời lượng phù hợp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động xây dựng kế hoạch, phương án truyền thông hiệu quả, vận động tích cực để lan tỏa mạnh mẽ phong trào, tạo khí thể thi đua sôi nổi, tạo đồng thuận xã hội để người dân, doanh nghiệp ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm chung tay hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Cho biết, Chính phủ có Tổ công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trực tiếp thực hiện và hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp nhận ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân để thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát thông qua Quỹ Vì người nghèo; giám sát đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; kiểm tra, giám sát đối với việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước.
Tin, ảnh: TTXVN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.