Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy, không để ai bị bỏ lại phía sau
Chiều 17-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo.
Cùng dự có Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; các Phó thủ tướng: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc và một số Bộ trưởng là Ủy viên Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo tiếp tục xem xét hoàn thiện Đề án sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; việc thành lập Đảng bộ Chính phủ, Đảng bộ bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời, xem xét về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Ảnh: TTXVN |
Theo dự thảo Đề án sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy thuộc Chính phủ, sau khi sắp xếp, dự kiến bộ máy Chính phủ còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ; giảm 12/13 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. Cơ bản bỏ các tổng cục và các tổ chức tương đương, bước đầu dự kiến giảm 500 cục thuộc bộ, các tổng cục.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng hoàn thiện phương án thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, sau khi sắp xếp, hợp nhất các tổ chức giảm từ 35 đến 40% đầu mối, các tổ chức còn lại sắp xếp bên trong thì giảm tối thiểu 15%. Cơ bản bỏ các tổng cục và các tổ chức tương đương.
Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo cho rằng chính sách phải có tính “cách mạng”, đảm bảo đồng bộ giữa tinh gọn bộ máy; chính sách phải nổi trội, nhân văn, công bằng, bảo đảm tương quan hợp lý giữa các đối tượng, nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Trong đó, chính sách tập trung ưu tiên đặc biệt, nổi trội để khuyến khích các đối tượng nghỉ ngay và nghỉ trong 12 tháng kể từ khi cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp theo quyết định của cấp có thẩm quyền; chính sách nhằm gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quyết tâm duy trì, giữ chân cán bộ tốt, viên chức tốt, có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ, không để "chảy máu chất xám"…
Phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và cơ bản nhất trí với các ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo; yêu cầu Bộ Nội vụ - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tiếp thu tổng hợp, tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương; đồng thời tăng cường truyền thông để người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu sâu sắc, đồng thuận cao, thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Trong đó, đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề nào đã chín, đã rõ thì báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương, vấn đề còn nhiều ý kiến thì tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, trình phương án khả thi nhất, theo hướng bộ máy tinh gọn song phải hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, không mất chức năng, nhiệm vụ.
Đối với việc thành lập Đảng bộ Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu làm rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Đảng ủy Chính phủ với các Đảng ủy trực thuộc Bộ Chính trị như: Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương; cũng như mối quan hệ bên trong của Đảng ủy Chính phủ.
Về việc sắp xếp các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ giữ một số Tập đoàn, Tổng công ty có tính chất chủ lực, chi phối một số ngành, lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ thuộc Chính phủ quản lý; các Tập đoàn, Tổng công ty khác đưa về các Bộ, ngành quản lý theo ngành, lĩnh vực.
Yêu cầu việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng chế độ, chính sách đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng nhất quán, có tính kế thừa các chính sách từ trước đến nay, nhất là Nghị định số 29 của Chính phủ, song phải thiết kế chính sách vượt trội hơn, phù hợp với bối cảnh, điều kiện đất nước và phù hợp giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, chính sách phải khuyến khích được nhân lực chất lượng cao, có năng lực, sức khỏe, trình độ, tâm huyết làm việc trong Nhà nước, cũng như thu hút lao động ngoài nhà nước vào làm việc trong nhà nước; đồng thời có cơ chế để người lao động có thể “ra-vào” làm việc trong cũng như ngoài nhà nước bình thường, thuận lợi, trên cơ sở hiệu quả phù hợp.
Nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là: Không hy sinh tiến bộ công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, và không để ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng yêu cầu thiết kế chính sách theo đối tượng cụ thể, chi tiết; ưu đãi hơn đối với người đã nhiều tuổi, thời gian cống hiến còn ít và người trẻ tuổi, mới vào làm việc, còn nhiều cơ hội làm việc ở nhiều khu vực khác nhau; đặc biệt, có chế độ thỏa đáng đối với người lao động hợp đồng, tránh để những người này bị thiệt thòi.
Thủ tướng cho biết, với số người dự kiến và số kinh phí cần chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong sắp xếp tổ chức bộ máy, ngân sách Nhà nước hoàn toàn đảm bảo. Tuy nhiên, cần tiếp tục tăng thu, giảm chi để dành ngân sách Nhà nước cho nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước.
TTXVN
Tin mới
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Hướng tới chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024), tuổi trẻ Học viện Kỹ thuật Quân sự đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.
Quảng Bình: Bắt giữ nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Công an TP Đồng Hới phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, các phòng nghiệp vụ trực thuộc Công an tỉnh Quảng Bình vừa đấu tranh thành công chuyên án và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 7 bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 6 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức mua bán điện thoại giá rẻ.
Hợp tác thiết thực, hiệu quả giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cơ quan Thực thi pháp luật trên biển Malaysia
Cảnh sát biển Việt Nam và Cơ quan thực thi pháp luật trên biển Malaysia đều mong muốn mối quan hệ giữa hai lực lượng không ngừng được duy trì, củng cố, hợp tác thiết thực, hiệu quả, góp phần giữ gìn vùng biển trong khu vực hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Quốc hội Mỹ đề xuất dự luật tạm thời để ngăn việc đóng cửa một phần chính phủ
Các thành viên hàng đầu của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ ngày 17-12 đã công bố dự luật tạm thời nhằm duy trì nguồn tài chính cho các cơ quan liên bang đến ngày 14-3-2025, qua đó ngăn chặn việc đóng cửa một phần chính phủ.
Giá vàng chiều nay (18-12): Bật tăng nửa triệu đồng mỗi lượng
Theo ghi nhận, hôm nay (18-12), giá vàng nhẫn tăng lên mức 84,50 triệu đồng/lượng. Vàng miếng SJC cũng tăng 500.00 đồng ở chiều mua và giao dịch ở mức 85,10 triệu đồng/lượng bán ra.
Bộ Giao thông vận tải ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Ất Tỵ 2025
Ngày 16/12/2024, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 1548/QĐ-BGTVT Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.