• Click để copy

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp không để gián đoạn việc phục vụ nhân dân

Sáng 9-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Dự phiên họp có: Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Mai Văn Chính; các Phó bí thư Đảng ủy Chính phủ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp không để gián đoạn việc phục vụ nhân dân
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Chính phủ chuyên đề về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp. 

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thực hiện cuộc “cách mạng” về tổ chức bộ máy, thời gian qua các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy; đang tích cực triển khai các bước sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời sắp xếp các cơ quan như Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân…

Biểu dương các địa phương đã tích cực triển khai các bước sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính theo gợi ý của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau sắp xếp, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và dự kiến có 3.193 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nghiêm túc, phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện các quy trình theo đúng hướng dẫn của Trung ương, Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính địa phương; đồng thời chuẩn bị một bước về công tác cán bộ cho việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp không để gián đoạn việc phục vụ nhân dân
Quang cảnh Phiên họp Chính phủ. 

Trên cơ sở đề án sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) xây dựng các tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu dự phiên họp đóng góp ý kiến vào các đề án, tờ trình của Chính phủ để cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo hoàn thiện thêm, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến. Cùng với việc sửa đổi Hiến pháp, sau khi trình và được Quốc hội thông qua các đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Chính phủ sẽ bắt tay ngay vào việc sắp xếp và đưa bộ máy mới vào hoạt động theo dự kiến từ ngày 1-7, không được để gián đoạn, ách tắc công việc, nhất là các thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp.

Theo Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Chính phủ, ngay sau phiên họp này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã theo đúng quy định.

Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ Đề án và trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao, kịp thời nắm bắt, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết hoặc điều chỉnh cho phù hợp.

Đặc biệt, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, thực hiện phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách. Do đó, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành gấp nội dung báo cáo về thực hiện phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn chính quyền địa phương 2 cấp để báo cáo Bộ Chính trị.

Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động hoàn thiện sớm trình Chính phủ các nghị định quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã trên các lĩnh vực chuyên ngành; xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo khẩn trương bố trí ngay kinh phí để chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ và dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy; hướng dẫn sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính địa phương.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tờ tình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Theo Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Chính phủ, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngay sau khi kết thúc Hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Tất cả các địa phương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân với tỷ lệ đồng thuận đạt trung bình gần 96%; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong cả nước đã ban hành Nghị quyết thông qua các Đề án với tỷ lệ đồng thuận đa số đạt 100%. Đến ngày 8-5-2025, đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ, đề án để tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính của 63 tỉnh, thành phố (thuộc 34 tỉnh mới) và hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, sau sắp xếp, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến có 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, giảm tương ứng 29 đơn vị hành chính cấp tỉnh và 6.714 đơn vị hành chính cấp xã. Dự kiến sau sắp xếp, số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh khoảng 91.784 người, giảm 18.449 người; biên chế cán bộ, công chức cấp xã bố trí khoảng hơn 199 nghìn người, giảm khoảng 110 nghìn người; kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước là hơn 120 nghìn người.

Cũng theo Ban Chỉ đạo, dự kiến kinh phí tiết kiệm chi tiền lương và định mức chi hành chính trong giai đoạn từ 2026 - 2030 của cả nước khoảng 190,5 nghìn tỷ đồng. Dự kiến chi trả chế độ, chính sách cho đối tượng nghỉ việc cấp tỉnh khoảng 22 nghìn tỷ đồng; cấp xã khoảng 99 nghìn tỷ đồng; kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng.

Các đại biểu cho rằng, việc sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là vấn đề lớn, khó, liên quan nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực, thời gian gấp, cùng với việc hoàn thiện đề án trình Quốc hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện Đề án tại địa phương; trong đó, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trụ sở, tài chính, tài sản công, phương án sắp xếp, bố trí nhân sự... để triển khai ngay khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã; đồng thời chủ động xây dựng phương án kiện toàn các cơ quan, tổ chức của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương sau sắp xếp. Cùng với đó, thực hiện công khai, minh bạch trong xây dựng phương án sắp xếp nhân sự và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị tác động sau sắp xếp; duy trì tốt hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong thời gian chuyển tiếp, bảo đảm mọi nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn được thực hiện liên tục, hiệu quả, không gián đoạn việc cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ý kiến của các đại biểu; thống nhất hoàn thiện tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, số đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm từ 63 xuống còn 34; số đơn vị hành chính cấp xã từ 10.035 xuống còn 3.321, giảm 66,91%; không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện.

TTXVN

Tin mới

Hà Nội kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm từ 9-5 đến 15-6
Hà Nội kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm từ 9-5 đến 15-6

Nhằm siết chặt công tác quản lý và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2312/QĐ-UBND ngày 7-5-2025 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm tại các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn.

Thùng hàng che biển số, băng dính xóa số xe: Shipper đang lách luật như thế nào?
Thùng hàng che biển số, băng dính xóa số xe: Shipper đang lách luật như thế nào?

Trong thời đại thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, dịch vụ giao hàng nhanh đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống đô thị. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng nhiều tài xế giao hàng (shipper) cố tình che lấp, làm mờ hoặc sửa đổi biển số xe khi tham gia giao thông.

Tập huấn công tác quản lý, vận hành trung tâm cai nghiện cho lực lượng chức năng Lào
Tập huấn công tác quản lý, vận hành trung tâm cai nghiện cho lực lượng chức năng Lào

Ngày 9-5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) thông tin, thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào về hợp tác phòng, chống ma túy; Bộ Công an Việt Nam hỗ trợ Bộ Công an Lào xây dựng Trung tâm cai nghiện tại Vientiane.

Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sao cho hiệu quả?
Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sao cho hiệu quả?

Chủ trương dạy học 2 buổi/ngày (không thu phí) đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS) được đông đảo phụ huynh, học sinh và dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tổ chức như thế nào để thực sự mang lại hiệu quả, giảm áp lực học tập cho học sinh, đồng thời tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện.

Ngăn chặn bạo lực học đường - cần nhiều giải pháp căn cơ
Ngăn chặn bạo lực học đường - cần nhiều giải pháp căn cơ

Tình trạng bạo lực học đường, đua xe trái phép hay mang hung khí gây rối trật tự công cộng do thanh thiếu niên thực hiện đang ngày càng trở nên phổ biến, gây lo ngại trong dư luận. Những hành vi tưởng như bột phát đó thực chất là hệ quả của một quá trình tích tụ lâu dài, bắt nguồn từ các đứt gãy trong gia đình, môi trường giáo dục, tâm lý lứa tuổi, truyền thông và cả sự lỏng lẻo trong quản lý xã hội.

Tổ chức biểu diễn nghệ thuật tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá
Tổ chức biểu diễn nghệ thuật tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1275/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2025 tại khu vực phía Bắc.