Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chánh án và đoàn đại biểu Tòa án quốc tế về Luật Biển
Chiều 6-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tomas Heidar, Chánh án Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) và đoàn công tác của ITLOS đang thăm, làm việc tại Việt Nam và dự Hội thảo khu vực về vai trò của ITLOS trong việc giải quyết tranh chấp liên quan tới Luật Biển.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vai trò to lớn của biển đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam xác định mục tiêu trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn như tại Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát biển bền vững kinh tế biển: biển chính là không gian sinh tồn, không gian sống và phát triển quan trọng bậc nhất của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cao giá trị của UNCLOS năm 1982, coi đây là bản hiến pháp cho đại dương, tạo khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển, là nền tảng cho việc duy trì trật tự, giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển, phục vụ phát triển trên các vùng biển và đại dương, trong đó có Biển Đông. Đồng thời, Thủ tướng cũng khẳng định lại chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc nghiêm chỉnh tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982, giải quyết hòa bình các bất đồng, tranh chấp, bao gồm các tranh chấp liên quan đến biển.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Tomas Heidar, Chánh án Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS). |
Thủ tướng Chính phủ chúc mừng và bày tỏ coi trọng vai trò của ITLOS trong việc hỗ trợ các quốc gia giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS năm 1982 trong thời gian qua. Thủ tướng cũng cho rằng ITLOS là “sân chơi” bình đẳng để tất cả các quốc gia thành viên, dù lớn hay nhỏ, có thể sử dụng để thể hiện quan điểm về các vấn đề pháp lý về biển cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Ghi nhận những nỗ lực của Tòa trong việc tổ chức nhiều sự kiện và chương trình đào tạo nhằm tăng cường kiến thức về luật biển quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc tổ chức thành công Hội thảo khu vực về “Vai trò của ITLOS trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan tới Luật biển” tại Hà Nội ngày 5, 6-5-2025 và vui mừng nhận thấy hoạt động này cho thấy một bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam và ITLOS.
Hoan nghênh việc hai bên thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi về việc thúc đẩy quan hệ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ITLOS tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, trong đó có luật biển quốc tế, để Việt Nam có đội ngũ luật sư có trình độ, khả năng hoạt động trong môi trường quốc tế, tham gia vào việc giải quyết tranh chấp quốc tế và cũng như làm việc tại các thiết chế pháp lý quốc tế và cơ chế đa phương. Thủ tướng cũng ghi nhận việc ITLOS đã nhận người Việt Nam vào công tác tại Tòa, đồng thời thông tin việc Việt Nam đã lựa chọn và giới thiệu ứng cử viên phù hợp vào vị trí Thẩm phán ITLOS nhiệm kỳ 2026-2035.
Về phần mình, Chánh án Tòa ITLOS Tomas Heidar đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ và đồng hành cùng Tòa ITLOS trong việc tổ chức Hội thảo khu vực lần này tại Việt Nam.
Ông Tomas Heidar chia sẻ Việt Nam là địa điểm phù hợp để tổ chức sự kiện vì là quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với biển, không chỉ xét từ vị trí địa lý mà còn thể hiện trong các cam kết lâu dài của Việt Nam đối với Công ước UNCLOS năm 1982, được biểu hiện bằng những hành động cụ thể như việc Việt Nam tham gia tích cực Hội nghị Liên hợp quốc về Luật biển lần thứ ba và là một trong những nước sớm ký kết, phê chuẩn Công ước.
Theo Chánh án Tòa ITLOS, Việt Nam đã phê chuẩn hai hiệp định thực thi trong khuôn khổ UNCLOS là Hiệp định thực thi Phần XI UNCLOS (2006) và Hiệp định về nguồn cá (2018); Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ).
Ông Tomas Heidar đánh giá cao sự ủng hộ tích cực của Việt Nam đối với công việc của ITLOS và trình độ của đội ngũ cán bộ pháp lý Việt Nam thông qua việc Việt Nam tích cực tham gia phiên trình bày tại ITLOS liên quan tới việc cho ý kiến tư vấn của Tòa về biến đổi khí hậu, và đề cử chuyên gia pháp lý xuất sắc của Việt Nam cho vị trí thẩm phán của ITLOS nhiệm kỳ 2026-2035.
*Hội thảo khu vực về “Vai trò của Tòa án quốc tế về Luật biển trong giải quyết tranh chấp liên quan tới Luật biển”, do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) phối hợp đồng tổ chức, có sự tham dự của 7 đại diện từ ITLOS cùng hơn 70 đại biểu là chuyên gia pháp lý từ 15 quốc gia tại khu vực châu Á, cán bộ làm việc trong lĩnh vực về biển của các bộ, ngành trung ương của Việt Nam và đại diện từ các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức trong hai ngày 5, 6-5-2025, gồm 3 Phiên tập trung thảo luận về các chủ đề xoay quanh thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ UNCLOS nói chung và ITLOS nói riêng, các án lệ tiêu biểu và kết thúc bằng tọa đàm bàn tròn giữa các đại biểu tham gia.
* ITLOS, tòa án quốc tế thành lập trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, có thẩm quyền xét xử, giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS giữa các quốc gia lựa chọn Tòa là cơ quan thụ lý, cũng như các vấn đề pháp lý được quy định trong các thỏa thuận khác giữa các quốc gia thành viên.
Tòa hiện có 21 Thẩm phán được bầu bởi các nước thành viên Công ước, và hiện đã giải quyết, thụ lý hơn 30 vụ tranh chấp biển sau 30 năm hoạt động. ITLOS có vai trò quan trọng và có nhiều đóng góp cho việc giữ gìn tính toàn vẹn, làm sáng tỏ các vấn đề và thúc đẩy tuân thủ UNCLOS.
Tin, ảnh: TTXVN
Tin mới
Chuyến công tác của Thủ tướng tới Brazil: Thành công trên nhiều phương diện
Lần thứ ba trong 3 năm liên tiếp và với hành trình bay hơn 25 giờ để đến nơi cách nhau nửa vòng Trái đất - đất nước của vũ điệu Samba, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn rõ nét và kết quả thực chất.
Bộ Công Thương giao chỉ tiêu tăng trưởng và nhiệm vụ phát triển thị trường cho các tỉnh sau sáp nhập
Trước diễn biến tăng trưởng bán lẻ chưa như kỳ vọng và yêu cầu điều chỉnh theo địa giới hành chính mới, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương khẩn trương ổn định bộ máy, đẩy nhanh thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng theo Chỉ thị 08.
Quảng Ninh: Phát hiện kho hàng hơn 47.000 sản phẩm nhập lậu, vận hành qua phần mềm Trung Quốc
Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện một kho hàng chứa hơn 47.000 sản phẩm vi phạm, vận hành bằng phần mềm nước ngoài, liên kết với hàng trăm tài khoản TikTok và nguồn hàng từ Trung Quốc, cho thấy dấu hiệu buôn lậu xuyên biên giới tinh vi qua thương mại điện tử.
Không thu phí xem pháo hoa đối với du khách tham quan vịnh Hạ Long
Ngày 9-7, đại diện Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long, đơn vị tổ chức bắn pháo hoa ở phường Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị sẽ dừng việc tổ chức bắn pháo hoa ở mặt bến cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, không thu phí phụ thu xem pháo hoa ở các điểm kinh doanh dịch vụ lân cận và du khách tham quan vịnh Hạ Long vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần.
Giá vàng chiều nay (9-7): Lao dốc
Giá vàng chiều nay (9-7) "lao dốc" cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn.
6 tháng đầu năm 2025: 7 nhóm mặt hàng xuất khẩu hơn 8 tỷ USD
6 tháng đầu năm 2025, có 7 mặt hàng xuất khẩu hơn 8 tỷ USD, chiếm 67,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 47,688 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 26,895 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 26,882 tỷ USD; hàng dệt, may đạt 18,669 tỷ USD.