Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xử lý vướng mắc hệ thống văn bản pháp luật là đòi hỏi của thực tiễn
Sáng 8-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo để đánh giá tình hình, xác định yêu cầu, mục tiêu; thống nhất các quan điểm, nguyên tắc và phạm vi, nội dung rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng dự có các Phó thủ tướng Chính phủ, các đồng chí bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban chỉ đạo.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban nhằm triển khai các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, yêu cầu với hoạt động của Ban chỉ đạo là phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả”; phải sớm thành lập tổ giúp việc Ban chỉ đạo gồm các thành viên đủ năng lực, trình độ, tâm huyết, là cán bộ cấp vụ, chuyên gia, nhà nghiên cứu, do một Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: chinhphu.vn |
Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu của việc rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật góp phần khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, bệnh trì trệ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và các mục tiêu lớn theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
“Quan điểm, nguyên tắc triển khai công việc là tập trung có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành; cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình, ủng hộ thì đưa vào luật, tiếp tục thực hiện; đối với những vấn đề mới, chưa có quy định hoặc quy định đã vượt qua thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”, Thủ tướng chỉ rõ.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, phạm vi rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm một số luật cần sửa đổi mang tính chất cấp bách nhất để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cản trở, điểm nghẽn; các luật đã có lộ trình sửa đổi tới năm 2025, theo nguyên tắc luật do bộ, ngành nào chủ trì xây dựng thì bộ, ngành đó chủ trì theo dõi, rà soát, đề xuất; đồng thời tham khảo ý kiến, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân.
Theo Thủ tướng, nội dung rà soát, sửa đổi tập trung vào việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, các bộ, ngành Trung ương tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật), không làm các công việc cụ thể; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ các chồng chéo, vướng mắc; xóa bỏ xin-cho, chống phiền hà, sách nhiễu… cho người dân và doanh nghiệp; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác, trong đó có đầu tư nước ngoài.
Chỉ rõ, sau khi rà soát thì đề xuất xây dựng một luật sửa đổi nhiều luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để xử lý các vướng mắc, trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế trong phạm vi quản lý; đồng thời bố trí cán bộ đủ năng lực, trình độ, nhiệt huyết, đam mê với công việc và quan tâm chế độ, chính sách phù hợp với đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế.
TTXVN
Tin mới
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone
Sáng 4-4, tại Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã viếng và ghi sổ tang tưởng niệm đồng chí Đại tướng Khamtay Siphandone, nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào.
Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Burundi
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân đã đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4.
Tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk về Sở Công Thương
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có quyết định về việc sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu tổ chức của Sở Công thương, trong đó tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk (thuộc Bộ Công thương) và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường tỉnh trực thuộc Sở Công Thương.
Thu giữ 1.500 điếu cigar nhập lậu tại Hà Nội
Đội Quản lý thị trường số 1 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh tại quận Long Biên, qua đó phát hiện khoảng 1.500 điếu cigar cùng thuốc lá ngoại nhập lậu, có dấu hiệu tiêu thụ trái phép.
Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra
Tại Toạ đàm với chủ đề "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra" do Báo Tiền phong tổ chức ngày 2/4/2025 đại diện bộ ngành, cơ quan quản lý cho rằng thực trạng buôn lậu thuốc lá nói chung và thuốc lá mới nói riêng vẫn không ngừng gia tăng, mặc dù lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ Nghị quyết 173/2024/QH15.