Thương mại điện tử mở hướng xuất khẩu
Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hàng hóa Việt Nam có lợi thế để xuất khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT). Thế nhưng còn nhiều khó khăn của doanh nghiệp trong tận dụng TMĐT cần được hóa giải, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Xuất khẩu tăng mạnh qua thương mại điện tử
Trong vòng 12 tháng, tính đến ngày 31-8-2023, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã được bán ra trên sàn TMĐT Amazon, giá trị xuất khẩu tăng 50%, số lượng đối tác bán hàng tăng 40%. Danh mục hàng hóa Việt Nam mang đến cho khách hàng trên khắp thế giới là những sản phẩm độc đáo, có yếu tố bền vững. Trong đó, Amazon ghi nhận, những ngành hàng bán chạy nhất, gồm: Nhà cửa, nhà bếp, sức khỏe và chăm sóc cá nhân, may mặc, làm đẹp. Không chỉ xuất khẩu qua Amazon, hàng hóa Việt Nam đang được đẩy mạnh xuất khẩu qua nền tảng TMĐT xuyên biên giới Alibaba. Những con số trên cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang rất tích cực tham gia bán hàng trên TMĐT xuyên biên giới, vì nó thực sự đem lại giá trị rất lớn cho doanh nghiệp và khách hàng. Thông qua các nền tảng TMĐT, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với khách hàng trên toàn cầu, với hàng triệu lượt mua hàng mỗi ngày.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Á Mỹ. Ảnh: TRANG NHUNG |
Kết quả, nhờ trợ giúp của TMĐT, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa của Việt Nam gia tăng đáng kể, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19 và suy giảm nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới hiện nay. Chỉ tính trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua TMĐT của Việt Nam đạt hơn 80.000 tỷ đồng. Tại Việt Nam, tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua TMĐT cho doanh nghiệp còn rất lớn. Theo đánh giá, KNXK thông qua TMĐT của Việt Nam dự kiến có thể đạt gần 300.000 tỷ đồng vào năm 2027, nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT.
Đánh giá về lợi thế xuất khẩu của sản phẩm Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam cho biết, những thuận lợi của sản phẩm Việt Nam xuất khẩu là giá cả cạnh tranh, đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu tiếp cận, học hỏi, ứng dụng nhiều xu hướng mới vào thiết kế, tạo ra những sản phẩm đa dạng, chất lượng, không hề kém cạnh so với các nhà cung cấp khác. Ngoài ra, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin đẩy mạnh xuất khẩu qua TMĐT.
Tuy nhiên, trở ngại cho hoạt động xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều, tập trung vào các vấn đề như: Thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; chưa được chuẩn bị để đáp ứng sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài; doanh nghiệp thường gặp khó khăn về ngôn ngữ; thiếu kỹ năng marketing, logistics... “Đôi khi sản phẩm không bảo đảm về thời gian giao hàng dẫn đến giao dịch bị ảnh hưởng, mất cơ hội giao thương, xa hơn là mất bạn hàng. Đây là điểm yếu buộc doanh nghiệp Việt Nam phải sớm cải thiện”, bà Nguyễn Thị Phương Uyên chia sẻ.
Ở góc độ doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu qua TMĐT, bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển sáng tạo Đông Dương cho biết, thông qua TMĐT, doanh nghiệp và sản phẩm được tiếp cận nhanh hơn với khách hàng tới từ tất cả các quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, khi đưa sản phẩm ra thế giới, doanh nghiệp gặp khó khăn về niềm tin với khách hàng; thanh toán, bảo mật thông tin; logistics và chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, những vấn đề khác như: Lệch múi giờ, ngôn ngữ, thị hiếu khách hàng... cũng là trở ngại.
Xây dựng thương hiệu, niềm tin
Các chuyên gia thương mại cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, TMĐT là đường đi ngắn nhất để hàng hóa đi ra thị trường nước ngoài. Quan trọng hơn, TMĐT là sân chơi bình đẳng mang đến cơ hội kinh doanh cho tất cả, nếu tiếp cận đúng cách những nhà bán hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng có thể nắm bắt cơ hội để đưa sản phẩm nội địa vươn ra thế giới. Câu hỏi đặt ra là liệu các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng xu hướng này một cách nhanh chóng, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng toàn cầu và xây dựng kế hoạch tăng trưởng dài hạn?
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Công nghệ may mặc Spectre An Giang, (Châu Thành, An Giang). Ảnh: MINH ĐỨC |
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Thanh Tâm cho rằng, bán hàng qua TMĐT đồng nghĩa khách hàng không gặp mặt, không tiếp xúc trực tiếp với hàng, cho nên việc xây dựng niềm tin với khách hàng là điều đặc biệt quan trọng. Khi khách hàng không nhìn được trực tiếp sản phẩm thì phải thể hiện qua hình ảnh để khách hàng hiểu về chất lượng sản phẩm; khách hàng yên tâm là doanh nghiệp có đầy đủ năng lực sản xuất, đầy đủ chứng chỉ, chứng nhận liên quan. Mặt khác, bộ phận kinh doanh cũng được trau dồi kinh nghiệm qua các buổi huấn luyện, các buổi đào tạo về kỹ năng bán hàng, marketing. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng hình ảnh thương hiệu, hình ảnh sản phẩm ở trên tất cả các nền tảng để khách hàng có thể tìm kiếm công ty dễ hơn. Gợi ý hướng đi cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Uyên thông tin thêm, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức để hiểu rõ về thị trường, mục tiêu và đối tượng khách hàng; marketing và sử dụng những công cụ marketing; sử dụng các công cụ bảo mật thông tin khách hàng; chủ động tiếp cận bán sản phẩm không cần thiết phải qua sàn TMĐT.
Việc ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh nhận được sự quan tâm và sự tạo điều kiện của Chính phủ. Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như đồng hành với doanh nghiệp trong hành trình ứng dụng TMĐT và vươn ra thị trường quốc tế. Theo ông Nguyễn Thành Dương, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương), thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các sàn TMĐT trong nước và quốc tế như: Alibaba.com, TikTok, Amazon.com, Lazada, Tiki, Foodmap, Postmart, Voso, Shopee, Sendo... triển khai những thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên môi trường số nói chung cũng như sàn TMĐT nói riêng. Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại còn triển khai nhiều hoạt động hợp tác liên quan đến đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tại các địa phương. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai được gần 40 khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, tập trung vào kỹ năng nâng cao, kỹ năng về kinh doanh trên nền tảng số, nhất là kỹ năng bán hàng (ví như kỹ năng livestream) để có thể hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trên những sàn TMĐT.
Thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục phối hợp với những sàn TMĐT trong và ngoài nước; tìm kiếm những sàn TMĐT lớn hơn, những sàn TMĐT phù hợp, có nhiều xu hướng hơn để có thể hỗ trợ kịp thời đối với các doanh nghiệp đang có ý định kinh doanh trên sàn TMĐT. Hợp tác xây dựng gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn TMĐT lớn trên thế giới để quảng bá hình ảnh, sản phẩm Việt Nam tới khách hàng quốc tế; tổ chức các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp.
VŨ DUNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.