Tiêm filler ở nước ngoài, người phụ nữ trở về cầu cứu bác sĩ Việt Nam
Chiều 11-7, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm filler làm đẹp, trong đó có chị Đ.T.N (30 tuổi, ở Hà Tĩnh).
Theo đó, chị Đ.T.N làm việc tại Nhật Bản và đến một cơ sở spa để tiêm filler. Khi mới tiêm được 0,5cc vào giữa trán, chị cảm thấy sụp mí, hoa mắt, chóng mặt và nôn mửa. Sau đó, chị được tiêm thuốc giải nhưng vẫn cảm thấy khó chịu, nôn nao.
![]() |
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thăm khám cho bệnh nhân Đ.T.N (30 tuổi, ở Hà Tĩnh). Ảnh: BVCC |
Chiều cùng ngày, chị đã tới bệnh viện để kiểm tra và được bác sĩ dặn về nhà theo dõi. Ngày hôm sau, mắt chị đỏ lên rồi phù nề, không thể nhìn rõ. Ngày tiếp theo, chị cảm thấy đau tức hơn nhiều, kết giác mạc phù nề, mắt như mù toàn bộ. Quá lo lắng, chị quyết định đặt vé máy bay trở về Việt Nam để điều trị. Bệnh nhân đến 2 cơ sở y tế tại Hà Nội và được chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau 6 ngày tiêm filler.
Các bác sĩ nhận định, đây là ca tai biến rất nặng sau tiêm filler gây biến chứng đến hệ mạch máu của mắt dẫn đến mất thị lực mắt phải, kèm dấu hiệu hoại tử cơ và tổ chức quanh nhãn cầu. Điều đáng nói, bệnh nhân đến viện muộn sau 6 ngày, bỏ mất giai đoạn thời gian vàng để có thể phục hồi thị lực một cách rõ rệt.
Các bác sĩ quyết định triển khai kỹ thuật chụp mạch và thông mạch máu bằng thuốc giải vào trực tiếp động mạch mắt cho bệnh nhân. Sau hơn 2 giờ can thiệp, mắt người bệnh đã có dấu hiệu cải thiện hơn, có thể quan sát thấy mờ mờ bóng bàn tay. Bệnh nhân cũng cảm thấy vận động các cơ mắt nhẹ nhàng và linh hoạt hơn trước.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân bị áp xe ngực sau khi tiêm filler. Nữ bệnh nhân là N.C.T (31 tuổi, ở Quảng Nam) bị chảy xệ ngực sau khi sinh 2 con.
Nghe theo quảng cáo của một thẩm mỹ viện trên mạng xã hội về phương pháp tiêm filler nâng cấp “vòng 1”, chị T liền tìm đến. Thế nhưng khi sau tiêm, người bệnh thấy nổi các khối lổn nhổn trong ngực và thường xuyên thấy sưng đau.
Sau 3 năm tiêm filler ngực, chị đã đến bệnh viện để làm gói tầm soát ung thư, kiểm tra sức khỏe để sinh thêm con. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có các khối “u filler”, có thể ảnh hưởng tới quá trình sinh nở và cho con bú.
Quá nóng vội, chị T tới thẩm mỹ viện để hút filler. Sau can thiệp hút filler, chị T có biểu hiện đau tức, sốt cao, dùng kháng sinh không đỡ. Lúc này, vì quá đau đớn và lo sợ chị mới tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Tại đây, các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật nội soi lấy chất làm đầy ra khỏi cơ thể người bệnh. Ca phẫu thuật diễn ra trong gần 6 tiếng, hiện tại tình trạng người bệnh ổn định, không sốt, đang được chăm sóc và tiếp tục theo dõi.
Các chuyên gia khuyến cáo, để bảo đảm an toàn, người dân nên tìm đến cơ sở y tế uy tín. Người tiêm filler phải là bác sĩ được đào tạo và có kiến thức đầy đủ về giải phẫu, về tạo hình thẩm mỹ, có chứng chỉ hành nghề.
Bên cạnh đó, người dân cần chọn sản phẩm tiêm filler có nguồn gốc, kiểm chứng độ an toàn, tinh khiết. Sau khi tiêm cần được theo dõi và được xử trí kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trong trường hợp không may xảy ra tai biến khi làm đẹp, cần cố gắng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại với quy trình cấp cứu phối hợp đa chuyên khoa hoàn chỉnh để có thể cấp cứu cho người bệnh một cách hiệu quả nhất.
THÁI SƠN
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.