TP Hồ Chí Minh chủ động trong cuộc chiến chống dịch sởi
Trong những tháng gần đây, TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với dịch sởi, một trong những dịch bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng. Trong bối cảnh số ca mắc gia tăng, các chiến dịch tiêm vaccine để bảo vệ cộng đồng đã nhanh chóng được triển khai, khẳng định việc phòng, chống và kiểm soát dịch trở thành ưu tiên hàng đầu của ngành y tế Thành phố tại thời điểm này.
Không chủ quan trước diễn biến nhanh chóng, phức tạp của dịch sởi
Cuối tháng 8-2024, UBND TP Hồ Chí Minh đã chính thức công bố dịch sởi trên toàn địa bàn Thành phố đang có dấu hiệu bùng phát trở lại nhanh chóng. Đây là hành động kịp thời, quan trọng và thiết yếu nhằm triển khai đối phó với tình hình số ca bệnh ngày càng gia tăng và kêu gọi các cơ quan, tổ chức cùng cộng đồng chung tay tham gia vào nỗ lực phòng, chống dịch.
Tính đến đầu tháng 10-2024, nhiều trường hợp mắc sởi đã được ghi nhận và con số này vẫn đang tiếp tục tăng đến thời điểm hiện tại. Đáng chú ý, trong tuần 40 của năm, Thành phố đã ghi nhận 141 ca mắc sởi, tăng tới 60,2% so với trung bình 4 tuần trước đó. Như vậy, tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm 2024 cho đến tuần 40 là 967 ca.
Bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám sởi cho bệnh nhi. |
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus thuộc họ Paramyxovirus. Trên tình hình thực tế, vẫn tồn đọng nhiều người dân chủ quan nghĩ rằng, sởi chỉ gây ra các vấn đề cho sức khỏe không mấy nghiêm trọng như phát ban hay sốt nhẹ, nhưng sởi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), sởi dễ lây lan tới mức có đến 90% người chưa có miễn dịch với sởi sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. 1 bệnh nhân sởi có khả năng lây cho 12-18 người chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm phòng.
Tại TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng phát dịch sởi được cho là tỉ lệ tiêm chủng không đủ cao để tạo miễn dịch cộng đồng. Trẻ em và người lớn chưa có miễn dịch hoặc chưa tiêm chủng là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Những đợt bùng phát dịch ở các khu vực đông dân cư, đặc biệt là trong các trường học và khu dân cư nghèo, đã làm dấy lên sự lo lắng trong cộng đồng. Nhiều gia đình có con nhỏ đang đứng trước nỗi lo sợ con em mình sẽ mắc bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để ngăn chặn sởi lây lan trong cộng đồng, tỉ lệ tiêm chủng phải đạt ít nhất 95%. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực tại TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ này vẫn chưa đạt đủ, chủ yếu là do gián đoạn cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng giai đoạn từ năm 2022 đến 2023 đã ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ bao phủ vaccine tiêm chủng mở rộng và vaccine sởi của các tỉnh phía Nam, trong đó phải kể đến TP Hồ Chí Minh.
Nhanh chóng kịp thời phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh
Ngay sau khi công bố dịch sởi trên địa bàn, UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai một loạt biện pháp khẩn cấp. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho trẻ em và những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Chiến dịch tiêm phòng vaccine sởi – rubella đã được mở rộng, bao gồm cả trẻ nhỏ, nhân viên y tế và những người có nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan điều trị những ca nghi sởi và sởi kịp thời, nắm sát tình hình dịch và các ổ dịch để xử trí hiệu quả.
Người dân tại TP Hồ Chí Minh cần nâng cao ý thức phòng tránh dịch sởi từ sớm, đặc biệt là đối với trẻ em dưới 10 tuổi. |
Sau một thời gian triển khai, công tác chống dịch sởi tại TP Hồ Chí Minh đã đạt được một số hiệu quả đáng kể, nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan y tế, chính quyền và cộng đồng. Cụ thể, tính đến tuần 40 trong năm, tổng số mũi vaccine sởi đã tiêm là 213.840 mũi; trong đó, đối tượng trẻ 1 - 5 tuổi đã tiêm được 44.525 mũi, trẻ 6 -10 tuổi tiêm được 145.776 mũi.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, 97% trẻ em có độ tuổi từ 1 đến 10 trên địa bàn Thành phố đã được tiêm vaccine sởi, nếu một số quận, huyện tăng tốc tiêm thì Thành phố sẽ sớm chấm dứt được dịch bệnh này.
Bên cạnh những nỗ lực nói trên, việc kiểm soát dịch vẫn đối mặt với một số thách thức nhất định. Thứ nhất, do sởi là bệnh có khả năng lây nhiễm cao qua đường hô hấp, việc phát hiện và cách ly sớm các trường hợp mắc bệnh là điều cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được kịp thời. Thứ hai, tình trạng di cư từ các tỉnh, thành lân cận vào TP Hồ Chí Minh cũng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhiều người trong số này có thể chưa được tiêm chủng đầy đủ, hoặc không tiếp cận được với các dịch vụ y tế công cộng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa thành phố và các địa phương khác để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng hơn.
Nhìn về phía trước, một trong những giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát dịch sởi là bảo đảm rằng tất cả các đối tượng trong cộng đồng đều được tiêm phòng đầy đủ. Chính quyền thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền, đồng thời tăng cường công tác giám sát và điều trị bệnh nhân sởi. Việc xây dựng và duy trì một hệ thống y tế mạnh mẽ, có khả năng ứng phó nhanh chóng với các đợt bùng phát dịch bệnh là điều cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, sự hợp tác từ phía người dân là chìa khóa để thành công trong cuộc chiến chống lại dịch sởi. Cha mẹ cần phải nhận thức rõ về nguy cơ mà bệnh sởi mang lại và hiểu rằng tiêm chủng không chỉ bảo vệ con em mình mà còn bảo vệ cả cộng đồng khỏi những đợt bùng phát nguy hiểm.
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM
Tin mới
Trao Quyết định bổ nhiệm Phó tổng Thanh tra Chính phủ
Ngày 15-11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị.
Cảnh giác với hành vi lừa đảo thông qua công cụ bảo mật tài khoản giả mạo
Mới đây, LastPass (công ty an ninh mạng tại Mỹ) đã đưa ra cảnh báo đến người dùng về thủ đoạn lừa đảo giả mạo bộ phận hỗ trợ khách hàng, dụ dỗ người dùng tải về ứng dụng có chứa mã độc nhằm tấn công thiết bị, chiếm đoạt thông tin nhạy cảm.
Đội QLTT số 2, xử lý vi phạm hành chính vận chuyển sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm để kinh doanh
Thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Triển lãm 200 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng
Sáng 15-11, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Triển lãm mỹ thuật toàn quốc đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng.
Làm sáng rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Ngày 15-11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn".
Mở rộng trường hợp được lên thẳng cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu
Sáng 15-11, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 39 và cho ý kiến về dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.