Trình Quốc hội xem xét giảm 2% thuế giá trị gia tăng
Chiều 26-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định giảm thuế giá trị gia tăng
Theo Tờ trình của Chính phủ, mục đích ban hành Nghị quyết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thời gian áp dụng từ ngày 1-1-2025 tới hết ngày 30-6-2025.
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2025 khi thực hiện chính sách này tương đương khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,35 nghìn tỷ đồng/tháng trong đó giảm ở khâu nội địa khoảng 2,85 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng). Tuy vậy, chính sách này có tác động kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, qua đó đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó có thể kích cầu tiêu dùng, duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục cho phép áp dụng chính sách từ ngày 1-1-2025 tới hết ngày 30-6-2025.
![]() |
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc đề xuất ban hành và thực thi chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong thời gian qua được thực hiện tương đối manh mún, phần nào thể hiện chất lượng của công tác dự báo và tầm nhìn của việc đề xuất ban hành chính sách, làm ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh... Do đó, để hướng tới sự ổn định và tính dự báo của hệ thống chính sách thuế giá trị gia tăng đồng thời, bảo đảm đồng bộ với hiệu lực thi hành được quy định trong Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), đề nghị Chính phủ bảo đảm thời hạn chấm dứt hiệu lực thực hiện của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, không tiếp tục đề nghị kéo dài thời gian thực hiện của chính sách.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định giảm thuế giá trị gia tăng; đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để bổ sung thêm thông tin đánh giá tăng tính thuyết phục của việc giảm thuế trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp để bảo đảm dự báo tình hình, phản ứng chính sách kịp thời hơn, khắc phục tình trạng một chính sách nhưng nhiều lần trình Quốc hội cho phép gia hạn áp dụng như việc giảm thuế giá trị gia tăng thời gian vừa qua. Đồng thời yêu cầu Chính phủ tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm mục tiêu đề ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chịu trách nhiệm về điều hành thực hiện nhiệm vụ thu không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách Nhà nước năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán và các nhu cầu cấp bách phát sinh.
VŨ DUNG
Tin mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng
Chiều 21-7, trong chuyến làm việc tại tỉnh An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Ngành Kiểm sát nhân dân góp phần kiến tạo xã hội kỷ cương, công bằng, dân chủ, văn minh
Sáng 21-7, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân (26-7-1960 / 26-7-2025), đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ VII.
Venezuela gửi lời chia buồn đến Việt Nam sau vụ chìm tàu ở Vịnh Hạ Long
Chính phủ Venezuela vừa gửi lời chia buồn sâu sắc đến Việt Nam trước thảm kịch chìm tàu du lịch Wonder Sea (tàu Vịnh Xanh) trên vịnh Hạ Long, khiến 34 người thiệt mạng.
Xung đột Hamas-Israel: Hamas cân nhắc khả năng rút khỏi đàm phán
Ngày 20-7, truyền thông khu vực dẫn các nguồn tin cho biết Phong trào Hamas đang cân nhắc khả năng gia hạn thời gian đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza vào cuối tuần này, hoặc nhóm này sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán tại Qatar và chỉ quay lại nếu các đề xuất về một thỏa thuận toàn diện được đưa ra.
Thuế quan của Mỹ: Washington để ngỏ việc duy trì mức thuế cơ bản 10%
Ngày 20-7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết nước này vẫn có ý định áp dụng thuế quan cơ bản 10% đối với nhiều quốc gia nhỏ hơn, bất chấp những gợi ý gần đây rằng mức thuế này có thể cao hơn.
Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp ứng phó bão Wipha
Sáng 21-7 (theo giờ địa phương), Trung tâm Khí tượng Trung ương Trung Quốc tiếp tục phát đi cảnh báo màu cam - mức cao thứ 2 trong thang cảnh báo bão gồm 4 cấp, về cơn bão Wipha.