Tương lai nào cho xung đột Nga - Ukraine?
Đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày nổ ra xung đột tại Ukraine nhưng thời điểm kết thúc của nó vẫn là ẩn số.
Theo RT, ngày 18-4, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã trả lời phỏng vấn báo chí về triển vọng kết thúc xung đột ở Ukraine. Theo ông, xung đột giữa Nga và Ukraine khó có thể chấm dứt ngay trong năm nay, mà có nguy cơ sẽ kéo dài sang năm 2024. Ông Wallace bày tỏ lạc quan, cho rằng từ nay đến năm sau, Ukraine sẽ tiếp tục có động lực và duy trì vị thế sức mạnh, song cũng cảnh báo “sẽ không có một khoảnh khắc thần kỳ nào khiến nước Nga sụp đổ”.
Trong những tháng qua, Kiev đã công khai tuyên bố về kế hoạch phản công nhưng chưa tiết lộ thời điểm cụ thể. Tuy vậy, giới chức Ukraine cho hay, lịch trình và xác suất thành công sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động cung cấp xe tăng và các thiết bị khác từ phương Tây.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace (phía trên, bên trái) được người đồng cấp nước chủ nhà Lloyd Austin chào đón trong chuyến thăm Mỹ. Ảnh: defense.gov
Ngày 17-4, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine Aleksey Danilov nêu rõ chiến dịch phản công sẽ diễn ra vào thời điểm thích hợp khi Kiev sẵn sàng. Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tuyên bố cuộc phản công sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Có nhiều lý do để tin rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ không sớm kết thúc. Đối với Nga, quốc gia này từng tuyên bố sẽ theo đuổi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cho tới khi nào hoàn thành các mục tiêu mà Tổng thống Vladimir Putin đề ra và không nhượng bộ bất kỳ điều kiện tiên quyết nào với Ukraine. Trong khi đó, để tránh Nga đạt được mục đích, phương Tây đã đáp lại thỉnh cầu của Ukraine và hỗ trợ vũ khí cũng như tài chính cho Kiev. Nhờ sự hỗ trợ liên tục từ Mỹ và các nước phương Tây, Kiev vẫn trụ vững sau hơn một năm xung đột kéo dài.
Cách đây không lâu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng dự báo cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể sẽ kéo dài tới 2 hoặc 4 năm. Đương nhiên, càng kéo dài, những thiệt hại sẽ càng lớn đối với các quốc gia đang ở trong vòng xoáy xung đột như Nga, Ukraine, hay với cả những bên “tiếp sức” như Đức.
Nga đã nhiều lần phát đi thông điệp cảnh báo rằng, việc phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine đang đẩy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào chiến sự và động thái này sẽ khiến tình hình “leo thang khó đoán”. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng cáo buộc: “Mỹ và đồng minh đang cố kéo dài xung đột lâu nhất có thể. Để làm vậy, họ chuyển vũ khí tấn công hạng nặng và công khai kêu gọi Ukraine chiếm giữ các vùng lãnh thổ của Nga. Những hành động này đang kéo NATO vào xung đột và nguy cơ dẫn đến một mức độ leo thang khó đoán”.
Vậy nhưng, lượng vũ khí, trang thiết bị quân sự vẫn ùn ùn đổ đến Ukraine khiến triển vọng kết thúc chiến sự ngày càng trở nên mờ nhạt và nguy cơ leo thang xung đột gia tăng.
Ở thời điểm hiện tại, cơn địa chấn địa chính trị làm rung chuyển thế giới này vẫn chưa biết đến bao giờ kết thúc, nhưng tác động của nó lại vô cùng rõ ràng. Nếu nhìn vào những thay đổi kể từ khi khủng hoảng nổ ra, ta sẽ thấy cuộc xung đột Ukraine giờ không còn là vấn đề mang tính cục bộ mà đã nhanh chóng được đẩy lên phạm vi toàn cầu khi ảnh hưởng đến mọi mặt, từ chính trị, quân sự, cho tới an ninh, kinh tế, ngoại giao...
Con số thiệt hại hơn 1.600 tỷ USD mà nền kinh tế toàn cầu phải gánh chịu do khủng hoảng ở Ukraine là một ví dụ điển hình cho thấy những tác động khủng khiếp của xung đột này.
Riêng đối với Nga và Ukraine, dù cuộc chiến có kết thúc như thế nào đi nữa cũng đều để lại những tổn thất cho cả đôi bên. Ngay cả khi cuộc xung đột đang tiềm ẩn nhiều yếu tố khó đoán thì có một thực tế chắc chắn rằng, cả Nga, Ukraine và cộng đồng thế giới đều không mong muốn cuộc chiến này kéo dài vô tận. Đó cũng chính là thông điệp mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh, sẵn sàng hỗ trợ các bên chấm dứt xung đột trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
HÙNG HÀ
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.