• Click để copy

Văn học nghệ thuật góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Trước và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi mà cả dân tộc dồn sức mạnh cho chiến trường, lực lượng văn nghệ sĩ ngay lập tức lên đường tham gia chiến dịch, cổ vũ tinh thần chiến đấu, hy sinh của các chiến sĩ ngoài mặt trận.

Đông đảo dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ đều đã hòa mình vào cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân trên chiến trường.

Tại chiến trường ác liệt, các nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đã cùng sống với bộ đội trong chiến hào, vừa cầm súng, vừa cầm bút, phản ánh trực tiếp cuộc sống, chiến đấu gian khổ, khơi dậy tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ. Những áng văn, bài thơ, bức tranh sinh động, bài hát tại chỗ của các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ đã giúp người chiến sĩ Điện Biên thêm lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng tất yếu của đội quân chính nghĩa trước kẻ thù xâm lược.

Những tác phẩm được sáng tác trực tiếp ngoài mặt trận đã thôi thúc, động viên người chiến sĩ quên mình vì Tổ quốc. Những tấm gương chiến đấu, hy sinh, như Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn... dưới ngòi bút của các nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ, đã có sức lan tỏa, khơi dậy tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của quân và dân ta, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta có đông đảo văn nghệ sĩ tham gia. Từ những vị lão thành như nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Tô Ngọc Vân, đến các sinh viên Trường Mỹ thuật như Lê Huy Hòa, Nguyễn Mạnh Lân, Ngô Tôn Đệ, Trần Lưu Hậu... đều đồng hành với dân công, với bộ đội. Tô Ngọc Vân đã có các tác phẩm xuất sắc, như: Hành quân qua suối; Đèo Lũng Lô; Trên đường Điện Biên; Đường mới mở... phản ánh rõ nét, sinh động hành trình và dấu mốc của bộ đội ta trong chiến dịch. Từ nền tảng đó, các văn nghệ sĩ trong và sau chiến dịch đã có những tác phẩm xuất sắc, mà tiêu biểu nhất phải kể đến bức tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng, một danh họa của Việt Nam. Tuy ra đời sau năm 1954, song “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” chính là dấu mốc lớn nhất về hội họa, bản hùng ca về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam với Tổ quốc. Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu giữ và trưng bày nhiều tác phẩm mỹ thuật thời kỳ kháng chiến của các họa sĩ nổi tiếng, như: “Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ”, “Bộ đội hành quân qua đèo Lũng Lô tiến vào Chiến dịch Điện Biên Phủ” của Tô Ngọc Vân; “Nhi đồng Tháng Tám” của Trần Văn Cẩn; “Trận Tầm Vu” của Nguyễn Hiêm; “Du kích La Hai”, “Hà Nội đầu năm 1946” của Nguyễn Đỗ Cung; “Lớp học ban đêm” của Dương Bích Liên; “Giặc đốt làng tôi” của Nguyễn Sáng… Ngoài ra, còn có một số lượng lớn tranh cổ động tuyên truyền về các đề tài, như: “Tuần lễ vàng”, “Mùa đông binh sĩ”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo nuôi quân”…

Văn học nghệ thuật góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Các nhà văn Quân đội các thời kỳ. 

Một ví dụ tiêu biểu, tác phẩm “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân đã được sáng tác và hát phục vụ bộ đội ngay tại các bệ pháo. Với khúc thức mạnh mẽ, ca từ giản dị, nhịp điệu chắc khỏe, lập tức “Hò kéo pháo” được bộ đội và nhân dân tiền tuyến cũng như hậu phương nhiệt liệt đón nhận: “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo! Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi! - Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi! Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù! - Hai, ba nào...". Lời bài hát chính là nhịp đập trái tim thôi thúc người chiến sĩ giáp mặt với quân thù trong tư thế của chính nghĩa tất thắng.

Một tài năng sau này là tượng đài âm nhạc đã sớm có mặt trong đội hình chiến sĩ Điện Biên, đó là nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ông sớm có mặt trong đội hình Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên Phong, khi hành quân cùng bộ đội, thấy chiến sĩ ta bàn chuyện với nhau: “Là lính, đâu có giặc là ta cứ đi”. Chính từ câu nói của bộ đội, với sự tài hoa của mình, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có ngay “Hành quân xa” được bộ đội nhiệt liệt đón nhận: "Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ/ Vai vác nặng, chân có đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng, chí căm thù bọn thực dân cướp nước/ Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi...". Âm nhạc của Đỗ Nhuận đã nhanh chóng nằm trong bản hòa ca cách mạng, khơi thông sức mạnh, nhất là với người chiến sĩ trên chiến trường. Tiếp sau đó, khi chứng kiến bộ đội chiến đấu vô cùng dũng cảm trong chiến hào tại đồi Him Lam, ca khúc “Chiến thắng Him Lam” đã ra đời, được bộ đội ta, văn công và dân công cất cao tiếng hát trong hầm hào Điện Biên đầy bùn và máu. Sau này, các ca khúc của Đỗ Nhuận, trong đó có “Chiến thắng Điện Biên” (1954) càng cho thấy sức mạnh của âm nhạc, văn học nghệ thuật là to lớn trong đời sống tinh thần người chiến sĩ, nhất là người chiến sĩ đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Với thơ, những tác phẩm xuất sắc của thơ kháng chiến, như: “Đèo cả” của Hữu Loan; “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm; “Tây tiến” của Quang Dũng; “Nhớ” của Hồng Nguyên; “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi; “Bao giờ trở lại” của Hoàng Trung Thông; “Đồng chí” của Chính Hữu; “Núi Đôi” của Vũ Cao... Mỗi khi đọc lại “Núi Đôi”, nhất là nghe ngâm bài thơ này, tôi luôn cho rằng, đó là một khúc “ru ca” dành cho người đã khuất, những nữ du kích vùng Đồng bằng Bắc Bộ đã hy sinh vì Tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ai viết tên em thành liệt sĩ?

Bên những hàng bia trắng giữa đồng

Nhớ nhau anh gọi em: Đồng chí!

Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Rõ ràng là một khúc hát ru cho người nằm xuống. Một khúc ru có hàng bia trắng, như lời mẹ ru xưa cánh cò trắng trên đồng. Một khúc ru đã trở thành lời ru đất nước non sông bình dị, sự tri ân đồng chí thiêng liêng thân thiết, “một tấm lòng trong vạn tấm lòng”.

Văn học nghệ thuật góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Bộ "Tổng tập nhà văn Quân đội".

Ngay trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Cầm đã có bài thơ dài “Giữ lấy tuổi trẻ”, với nội dung là một bức thư của người em gái nông thôn hậu phương, gửi người anh ngoài tiền tuyến, tố cáo tội ác của thực dân Pháp bắt phụ nữ làm lính: Em viết thư cho anh/ Trong làng còn lửa đỏ/ Tay viết, lòng càng nhớ/ Thầy, giặc giết nằm kia/ Tiếng súng bờ sông khuya/ Đến nay còn xé ruột… - Em thấy bóng các chị/Dù bị giặc giày vò/ Đôi mắt còn mở to/ Nhìn trời sao sáng mãi/ - Tuổi trẻ quyết giằng lại/ Chặt tay lũ súc sinh/ Trong ấy bùng đấu tranh/ Ngoài này súng lên đạn/ Thư em viết không cạn/ Lòng căm giận tràn đầy/ Anh xuất trận đêm nay/ Bao quân thù gục xuống?

Bài thơ “Giữ lấy tuổi trẻ” của Hoàng Cầm, khi ra đời, ấn hành trên Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận, đã nhanh chóng trở thành bài thơ trong ba lô của chiến sĩ và cán bộ ta ở Điện Biên, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi. Tác giả Hoàng Cầm được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Có thể thấy, thơ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc, ca ngợi cuộc kháng chiến và con người kháng chiến là những cảm hứng chính. Hình ảnh quê hương và những con người kháng chiến, từ anh vệ quốc quân, bà mẹ chiến sĩ, chị phụ nữ nông thôn đến em bé liên lạc, được thể hiện chân thực và giàu hình ảnh.

Những thành tựu và kinh nghiệm của công tác văn hóa văn nghệ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã cho chúng ta một nền tảng chắc chắn và phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, có chiều sâu về mảng công tác này trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Công tác văn hóa văn nghệ trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1955-1975) đã có những đóng góp quan trọng, chủ động thực hiện thắng lợi đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đó là tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước đúng theo sự lãnh đạo, chỉ đạo, dẫn dắt của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện vọng chính đáng của quân và dân ta ở hai miền Nam - Bắc.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI

Tin mới

Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin

Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.

Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện

Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.

Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?

Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.

TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng

Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.

Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao

Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B

Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.