Theo bài viết trên tờ Wall street journal, Việt Nam đã chiếm một số thị phần xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc, nhưng cường quốc xuất khẩu mới nổi vẫn còn nhiều việc phải làm.
Các quốc gia Đông Nam Á đang trở thành sự thay thế hấp dẫn cho Trung Quốc khi thế giới vẽ lại bản đồ thương mại của nước này. Nhưng họ cần phải tự vươn mình nếu muốn thu hút nhiều hơn nữa chuỗi cung ứng công nghệ. Việt Nam là một trường hợp điển hình.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, chính sách zero-Covid của Trung Quốc và xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu tăng cao. Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi lớn do ở gần Trung Quốc và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Hiện tại, Việt Nam đang có cơ hội để tiến xa hơn trong chuỗi giá trị từ lắp ráp, đóng gói và kiểm nghiệm. Nhưng cường quốc xuất khẩu của Đông Nam Á sẽ cần những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để đạt được điều đó, một nhiệm vụ không hề nhỏ.
Xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam đã tăng hơn 30 lần kể từ năm 2008. Ảnh Bloomberg.
Xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam đã tăng lên 101,53 tỷ USD vào năm 2020 từ 3,01 tỷ USD vào năm 2008 (tăng hơn 30 lần), theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Dữ liệu của Goldman Sachs cho thấy tỷ trọng nhập khẩu công nghệ của Mỹ trực tiếp từ Trung Quốc đã giảm 10% kể từ năm 2017, chủ yếu do xuất khẩu điện thoại di động từ Trung Quốc chậm lại.
Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất: Việt Nam đã tăng 6% thị phần nhập khẩu công nghệ của Hoa Kỳ so với cùng kỳ, phần lớn là từ các nhà sản xuất điện tử tới từ Hàn Quốc như Samsung.
Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vũ khí hóa thương mại với Trung Quốc có thể đã khởi động quá trình này, nhưng đại dịch dường như cũng đóng một vai trò quan trọng. Nhiều công ty đang tìm cách thiết lập chuỗi cung ứng đáng tin cậy hơn bằng cách đa dạng hóa các nhà máy. Việt Nam hiện có sự góp mặt của Samsung, Intel, Foxconn và LG. Việt Nam cũng đã là nơi sản xuất một phần nhỏ sản lượng toàn cầu của Apple, là một trong những quốc gia đang có được cái nhìn sâu hơn từ công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ như là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ và ngày càng trở nên sâu sắc. Trong một lưu ý gần đây, Oxford Economics cho biết mặc dù họ kỳ vọng xuất khẩu của Đông Nam Á sẽ tăng lên, nhưng việc phá vỡ sự phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ đòi hỏi sự phụ thuộc với ngành công nghiệp Trung Quốc phải giảm đáng kể - và có rất ít bằng chứng về điều này. Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu vào trung gian của nước ngoài.
Chuyển dịch từ lắp ráp trước đây để trở thành một địa điểm chính để sản xuất các sản phẩm tiên tiến sau đó được sử dụng ở nơi khác là việc khó khăn hơn nhiều. Ở mức tối thiểu, nó có thể đòi hỏi một lực lượng lao động có trình độ hơn và đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng. Trung Quốc hiện tại có cơ sở hạ tầng về điện và giao thông hàng đầu, đội ngũ kỹ sư trong đó nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, vẫn là những lợi thế của quốc gia tỷ dân.
Xuất khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm với nền kinh tế Hoa Kỳ đang mất dần sức hút. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của đất nước vẫn còn tươi sáng. Điều đó sẽ đặc biệt đúng nếu nguồn thu từ xuất khẩu được tái tái đầu tư thành cơ sở hạ tầng, con người và những thứ khác — và nếu quan hệ Trung-Mỹ vẫn căng thẳng.
Quang Trung/VOV.VN
Theo WSJ