• Click để copy

Xử lý ô nhiễm không khí đô thị: Cần bài toán căn cơ, bền vững

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ở nước ta như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang trở thành thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và quá trình phát triển bền vững. Trước thực trạng này, việc xây dựng những giải pháp căn cơ, dài hạn, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và toàn xã hội là yêu cầu cấp thiết.

Hiểm họa bụi mịn

Theo báo cáo của Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ô nhiễm không khí hiện tập trung cao tại hai vùng kinh tế trọng điểm: Miền Bắc (đặc biệt là Hà Nội và vùng phụ cận) và miền Nam (TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận). Trong đó, bụi mịn PM2.5, loại hạt siêu nhỏ có thể xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và hệ tuần hoàn, được xác định là tác nhân gây hại hàng đầu.

Tại Hà Nội, lượng phát thải PM2.5 chủ yếu bắt nguồn từ giao thông vận tải, chiếm 50-70%; tiếp theo là hoạt động công nghiệp, xây dựng (14-23%). Ở các địa phương như Bắc Ninh, Hưng Yên, các làng nghề và hoạt động đốt phụ phẩm nông nghiệp ngoài trời là nguồn phát thải lớn, chiếm hơn 20%. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hệ thống kiểm kê phát thải không khí cấp quốc gia-một lỗ hổng đáng lo ngại cần sớm được lấp đầy.

Xử lý ô nhiễm không khí đô thị: Cần bài toán căn cơ, bền vững
Lượng xe máy không ngừng gia tăng trong khu vực nội đô là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng tại Hà Nội.

Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí tại các đô thị nước ta đến từ nhiều yếu tố cộng hưởng: Sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe máy cũ sử dụng động cơ đốt trong không đạt chuẩn khí thải; quy hoạch đô thị chưa hợp lý, mật độ xây dựng cao, thiếu không gian cây xanh; phát triển công nghiệp nhanh nhưng công nghệ xử lý khí thải lạc hậu.

Theo PGS, TS Nguyễn Đức Lượng (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), thành công của Bắc Kinh (Trung Quốc) trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí là kết quả của một chiến lược đồng bộ trong quản lý, giám sát và thực thi. Mô hình “Phương tiện-Nhiên liệu-Đường sá” tại Bắc Kinh có thể là bài học quý cho các đô thị Việt Nam trong việc đồng bộ hóa hạ tầng giao thông với quy chuẩn môi trường.

Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của PGS, TS Nguyễn Thị Nhật Thanh (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phát triển mô hình dự báo nồng độ bụi mịn PM2.5 bằng trí tuệ nhân tạo với độ phân giải 1km, dự báo trước 7 ngày. Cùng với đó, hệ thống WebGIS cho phép cập nhật dữ liệu không khí theo thời gian thực, giúp người dân và chính quyền chủ động ứng phó.

Từ góc độ chuyên gia môi trường đô thị, TS Trần Hồng Hà, nguyên Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhận định: “Việc kiểm kê phát thải phải được thực hiện theo chu kỳ, không chỉ bằng thiết bị cảm biến mà cần kết hợp cả dữ liệu vệ tinh, khí tượng, mô hình hóa khu vực dân cư. Đồng thời, cần có cơ chế thu hồi xe cũ, ban hành chuẩn kiểm định khí thải bắt buộc và lộ trình loại bỏ phương tiện không đạt chuẩn”.

Mục tiêu rõ ràng đến năm 2030

Theo TS Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm không khí giai đoạn 2025-2030 đang được hoàn thiện, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm nay. Mục tiêu cụ thể là giảm ít nhất 20% nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội (từ 47 µg/m³ xuống khoảng 37 µg/m³), giảm tối thiểu 10% tại các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Ninh Bình...

Đáng chú ý, đến năm 2030, 100% xe buýt tại Hà Nội sẽ sử dụng điện hoặc nhiên liệu xanh; 100% nguồn phát thải lớn được giám sát, kiểm soát và giảm phát thải theo lộ trình. Ngoài ra, sẽ kiểm soát nghiêm ngặt các công trình xây dựng trong nội đô, chấm dứt tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp ngoài trời, hạn chế đốt vàng mã tại các cơ sở tâm linh.

Tuy vậy, theo TS Hoàng Văn Thức, điều kiện tiên quyết để thực hiện các mục tiêu nói trên chính là nguồn lực, bao gồm tài chính, công nghệ và nhân lực. “Nhiều địa phương còn thiếu ngân sách cho bảo vệ môi trường. Sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư hiện chưa hiệu quả, thiếu tính bền vững và chưa có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ”, đồng chí Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.

Hiện nay, cả nước có 27 trạm quan trắc không khí quốc gia, trong đó Hà Nội chỉ có 3 trạm. Trong số này, 7 trạm đã hoạt động trên 10 năm, độ chính xác giảm rõ rệt do không được bảo trì, nâng cấp. Hệ thống quan trắc khí thải công nghiệp cũng bộc lộ nhiều bất cập: Chỉ 58% trong số 581 trạm tự động đáp ứng yêu cầu truyền dữ liệu.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nhiều trạm quan trắc sau vài năm vận hành đã xuống cấp, không có kinh phí sửa chữa, dẫn tới mất dữ liệu và mất lòng tin của người dân. Do đó, cần đầu tư bổ sung các trạm cảm biến chất lượng cao, đồng bộ dữ liệu giữa các địa phương, đẩy nhanh xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí.

Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho rằng: “Càng hành động sớm, mức độ thiệt hại càng được hạn chế và chi phí càng tiết kiệm”. Theo đó, Bộ đã đề xuất hai nhóm giải pháp trọng tâm: Về quy hoạch, hạ tầng: Phát triển hệ thống cây xanh, không gian mở; đẩy mạnh giao thông công cộng; thí điểm vùng phát thải thấp tại các đô thị lớn. Về kiểm soát phát thải: Tăng cường siết chặt quy chuẩn khí thải, xây dựng lộ trình giảm phát thải rõ ràng, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch và phương tiện xanh. 

Thực tiễn cho thấy, giải quyết ô nhiễm không khí đô thị là bài toán cần tư duy dài hạn, cách tiếp cận liên ngành và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Với quyết tâm chính trị cao, ứng dụng công nghệ hiện đại và sự đồng thuận xã hội, mục tiêu làm sạch không khí đô thị hoàn toàn có thể đạt được. “Chúng ta không thể chần chừ thêm nữa. Bảo vệ không khí hôm nay chính là bảo vệ sức khỏe và tương lai cho thế hệ mai sau”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Tin mới

Thực trạng gian lận và trốn thuế đang diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp
Thực trạng gian lận và trốn thuế đang diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp

Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Thực trạng gian lận và trốn thuế đang diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp. Các hành vi vi phạm không chỉ dừng lại ở việc kê khai sai lệch, giấu doanh thu hay lập hóa đơn khống đơn thuần, mà đã phát triển thành các thủ đoạn có tổ chức với quy mô lớn, liên quan đến nhiều chủ thể và địa bàn khác nhau.

Cơ cấu lại mô hình hoạt động để mở ra không gian mới cho VNPT
Cơ cấu lại mô hình hoạt động để mở ra không gian mới cho VNPT

Sau Nghị quyết số 186/NQ-CP của Chính phủ, mới đây, tại Văn bản số 6468/VPCP-ĐMDN, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đồng ý chủ trương sáp nhập VNPT-Vinaphone, VNPT-Media vào Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT. Đây là một trong các động thái đầu tiên trong chiến lược cơ cấu lại mô hình hoạt động mà VNPT đang thực hiện.

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước: Đột phá để nâng cao vai trò quản lý nhà nước
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước: Đột phá để nâng cao vai trò quản lý nhà nước

Nhiệm kỳ 2025 - 2030, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước thực hiện những giải pháp có tính sáng tạo, đột phá nhằm nâng cao vai trò quản lý nhà nước.

Cơ động: Kiểm tra, tạm giữ gần 4 tấn chân gà không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Cơ động: Kiểm tra, tạm giữ gần 4 tấn chân gà không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Đội Quản lý thị trường số 6 cùng các cơ quan phối hợp đã tiến hành khám phương tiện vận tải BKS 15C-431.34, phát hiện gần 4.000 kg chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đề phòng thời tiết nguy hiểm từ nay đến cuối năm: Bão, mưa lớn diện rộng
Đề phòng thời tiết nguy hiểm từ nay đến cuối năm: Bão, mưa lớn diện rộng

Theo nhận định mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Cục Khí tượng thủy văn), từ nay đến cuối năm 2025, dự báo có khoảng 3 - 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền; trên phạm vi cả nước tiếp tục xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá.

Áp thấp nhiệt đới khả năng sẽ mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông vào cuối tuần này
Áp thấp nhiệt đới khả năng sẽ mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông vào cuối tuần này

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 16-7, một vùng áp thấp trên khu vực phía Đông của Philippines đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.