Hiện nay, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa trên nền tảng các trang mạng xã hội, mua bán hàng hóa trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử đang phát triển mạnh, giúp kết nối giữa người mua và người bán nhanh chóng, thuận lợi. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì hình thức mua bán này cũng tiềm ẩn nguy cơ bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ… gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023, phê duyệt đề án chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. UBND tỉnh Long An cũng đã ban hành kế hoạch số 1461/KH-UBND, ngày 30/5/2023, triển khai đề án chống hành giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tạm giữ 2 tấn đồ gia dụng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại 01 cơ sở bán hàng trên nền tảng fecebook
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT, chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đầu năm 2024, Cục QLTT Long An đã quán triệt, chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát, nắm tình hình hoạt động kinh doanh trên nền tảng các trang mạng xã hội như zalo, tiktok, fecebook, các website thương mại điện tử bán hàng để kịp thời kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
Theo đó, từ đầu năm 2024, các Đội QLTT trực thuộc Cục QLTT Long An thực hiện kiểm tra, phát hiện, xử lý 14 trường hợp vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính 447,2 triệu đồng và tịch thu một số tang vật vi phạm gồm: 02 tấn hàng hóa gia dụng (chén, dĩa, ly…) sành, sứ, gốm, thủy tinh đã qua sử dụng, 583 sản phẩm quạt điện, bình giữ nhiệt, máy pha cà phê, 3.015 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ, 164 đơn vị sản phẩm quần áo giả nhãn hiệu adidas, CHANEL…
Kiểm tra cơ sở lievstream trực tuyến trên mạng xã hội Facebook, tạm giữ 3.015 sản phẩm quần áo không rõ nguốn gốc xuất xứ.
Các hành vi vi phạm qua kiểm tra phát hiện như: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định…
Tạm giữ 164 sản phầm quần áo giả nhãn hiệu tại 01 cơ sở kinh doanh thông qua hình thức bán hàng trên nền tảng mạng xã hội tài khoản facebook
Trong thời gian tới, Cục QLTT Long An tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra hoạt động mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đồng thời, kết hợp công tác kiểm tra, xử lý với công tác tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức cá nhân. Đảm bảo hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Long An.