Argentina nỗ lực vượt khó
Cứ 10 người Argentina thì có 6 người rơi vào cảnh nghèo đói. Đó là thực tế đang diễn ra ở nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Mỹ Latin.
Một can dầu, một hộp sữa, bánh mì và phô mai là số lương thực mà gia đình anh Walter, một thợ sửa xe 36 tuổi tại Buenos Aires (Argentina), dùng để chống đói trong 20 ngày tới. Anh Walter nhìn vào chiếc xe đẩy hàng và than thở: “Một nửa tiền lương của tôi (330.000 peso, tương đương 367 euro) được dùng để mua lương thực. Chúng tôi có thể sử dụng tiết kiệm số lương thực ít ỏi này trong vòng 20 ngày, nhưng chúng tôi cũng cần có rau và thịt”.
Trong khi đó, vợ của anh Walter là Julieta, một giáo viên 35 tuổi, làm việc 12 tiếng/ngày và đảm nhiệm hai công việc cùng lúc để nuôi sống gia đình. Cuộc sống của gia đình Julieta và Walter cũng giống như rất nhiều gia đình trung lưu khác tại Argentina bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát. Trong tháng 1 vừa qua, lạm phát của nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Mỹ Latin đã tăng 254,2% so với năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất trong 32 năm qua ở Argentina, trong đó, hàng hóa và dịch vụ hằng ngày chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng lên người dân Argentina trong bối cảnh tân chính phủ bắt buộc phải thực hiện các biện pháp điều chỉnh “gây sốc” để giải quyết những vấn đề đang tồn tại của nền kinh tế. Ngày 12-12-2023, chính phủ của Tổng thống Javier Milei đã công bố các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” như cắt giảm trợ cấp của chính phủ cho các lĩnh vực vận tải và năng lượng, phá giá đồng peso hơn 50%, đồng thời loại bỏ các biện pháp kiểm soát giá cả. Từ khi nhậm chức, ông Milei nhiều lần nhấn mạnh Argentina bắt buộc phải cắt giảm chi tiêu ngân sách nhà nước bởi ngân sách đã cạn kiệt. Chiến lược của ông Milei tập trung vào vấn đề cắt giảm chi tiêu công và thúc đẩy mạnh mẽ tư nhân hóa, hạn chế phân bổ ngân sách từ trung ương cho các địa phương xuống mức tối thiểu; hủy bỏ các dự án cơ sở hạ tầng chưa khởi công và tiến tới loại bỏ thuế xuất khẩu.
Theo Chính phủ Argentina, việc áp dụng các biện pháp nêu trên có thể khiến tình hình kinh tế nước này tồi tệ hơn trong khoảng vài tháng, đặc biệt là tình trạng lạm phát, song là cần thiết để cứu nền kinh tế. Thực tế, các biện pháp kinh tế mới đã ngay lập tức khiến giá cả leo thang chóng mặt trong những ngày cuối năm 2023, ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống của người dân. Một số hộ kinh doanh cho biết hóa đơn năng lượng đã tăng 2-4 lần kể từ đầu tháng 2. Giá vé xe buýt và tàu điện ngầm cũng được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần trong những tháng tới. Song, về lâu dài, Tổng thống Milei nhấn mạnh thành quả từ những nỗ lực này sẽ tạo nền tảng cho sự tăng trưởng vững chắc và lâu dài của đất nước. Ông Milei dự báo lạm phát sẽ được kiểm soát trong vòng hai năm.
Người dân xếp hàng nhận khẩu phần ăn miễn phí ở khu dân cư dành cho tầng lớp lao động tại ngoại ô Buenos Aires, Argentina. Ảnh: Reuters |
Những tín hiệu đáng mừng đã đến với Argentina khi ngày 17-2, Bộ trưởng Kinh tế Luis Caputo cho biết trong tháng 1 vừa qua, Argentina không thâm hụt ngân sách và đạt mức thặng dư hơn 518 tỷ peso (tương đương 600 triệu USD), nhờ áp dụng triệt để kỷ luật trong chi tiêu ngân sách. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 8-2012, nước này không thâm hụt ngân sách.
Trước đó, Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (INDEC) thông báo chỉ số giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 1-2024 tăng 20,6% so với tháng trước đó, thấp hơn mức tăng 25,5% ghi nhận trong tháng 12-2023. Theo ông Manuel Adorni-Người phát ngôn Phủ Tổng thống Argentina, đây là dấu hiệu cho thấy đà tăng lạm phát tại nước này đang có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng đánh giá cao các biện pháp mạnh tay của chính quyền Tổng thống Milei nhằm khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các rào cản đối với tăng trưởng.
Tuy vậy, điều đáng lo ngại hiện nay là tỷ lệ đói nghèo tại Argentina. Trong bài chia sẻ trên mạng xã hội vào ngày 17-2, Tổng thống Milei cho biết cứ 10 người Argentina thì có 6 người nghèo. Đây là tỷ lệ nghèo đói cao nhất trong vòng 20 năm qua. Điều tra của Đại học UCA, một trường đại học có tiếng ở Argentina, cũng cho thấy gần 27 triệu người Argentina nằm ở ngưỡng nghèo đói, trong đó 7 triệu người trong cảnh bần cùng.
Những cải cách mạnh tay như sa thải hàng nghìn người lao động ở khu vực công, cắt giảm trợ cấp đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm cơ bản cũng như nhiều trợ cấp xã hội và dịch vụ y tế... có thể giúp chính quyền Tổng thống Milei nhanh chóng cụ thể hóa mục tiêu cắt giảm chi tiêu công và hạn chế thâm hụt ngân sách quốc gia. Nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi có thể tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, thị trường lao động, tiền lương thực tế và làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói. Trao đổi với AP, Eduardo Donza, nhà nghiên cứu của cơ quan giám sát nợ xã hội thuộc Đại học UCA cho biết, tình trạng nghèo đói sẽ ảnh hưởng đến ít nhất 60% dân số Argentina vào tháng 3 tới. Điều này có khả năng trở thành rào cản đối với các biện pháp cải cách của chính phủ, bởi sẽ thật khó để người dân Argentina đoàn kết, ủng hộ chính phủ thực hiện các biện pháp quyết liệt khi mà bát cơm của gia đình họ đang ngày càng vơi dần.
HÀ LAN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.