• Click để copy

Australia và Pháp hàn gắn quan hệ song phương

Australia và Pháp vừa mới công bố một lộ trình hợp tác mới. Đây là tín hiệu cho thấy hai bên đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ song phương vốn rơi vào căng thẳng sau khi Canberra đột ngột hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm với Paris hồi năm 2021.

Theo Kyodo News, Pháp và Australia đã đạt được sự đồng thuận về lộ trình hợp tác mới vào ngày 4-12 trong khuôn khổ chuyến thăm Australia của Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp Catherine Colonna. Lộ trình hợp tác mới được xây dựng trên những khuôn khổ pháp lý hiện có. Theo lộ trình này, hai bên sẽ thực hiện thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới, trong đó cho phép tiếp cận các căn cứ quân sự của nhau.

Cụ thể, thỏa thuận cho phép binh sĩ Australia có khả năng tiếp cận ở mức độ lớn hơn đối với các căn cứ quân sự của Pháp ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong khi đó, binh sĩ Pháp cũng sẽ được phép sử dụng các căn cứ của Australia một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, theo lộ trình hợp tác mới, hai nước cũng sẽ tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng như lĩnh vực giáo dục và văn hóa. 

Australia và Pháp hàn gắn quan hệ song phương
Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp Catherine Colonna (bên trái) cùng Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong tại họp báo. Ảnh: The Guardian 

Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong tại Canberra, bà Colonna tái khẳng định mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa lực lượng vũ trang của hai nước. Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực hiệp đồng tác chiến thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi để binh sĩ hai nước tiếp cận căn cứ quân sự của nhau và tăng cường triển khai các hoạt động huấn luyện chung. “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của Pháp. Chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh, tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực”, bà Colonna khẳng định. Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong nhấn mạnh thỏa thuận cho phép hai bên tiếp cận các căn cứ quân sự của nhau có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương.

Sóng gió bủa vây quan hệ giữa Pháp và Australia vào tháng 9-2021 sau khi Mỹ, Anh và Australia công bố thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh 3 bên, có tên gọi AUKUS, ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo quy định của AUKUS, Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân. Do đó, Australia đã từ bỏ hợp đồng mua 12 tàu ngầm thông thường trị giá 66 tỷ USD với Tập đoàn Naval của Pháp. Thủ tướng Australia khi đó là ông Scott Morrison tuyên bố nước này đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu để giải thích cho việc hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp.

Giữa năm 2022, sau khi ông Anthony Albanese nhậm chức Thủ tướng, Chính phủ Australia tuyên bố trả 830 triệu AUD tiền bồi thường cho Tập đoàn Naval của Pháp vì đã hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với hãng này. Ông Albanese cho biết, khoản bồi thường này là “công bằng và bình đẳng” và sẽ cho phép tái thiết lập quan hệ song phương giữa Australia và Pháp. Theo CNN, ông Albanese cho rằng mối quan hệ với Pháp cần được “khởi động lại” sau những căng thẳng liên quan vụ hủy hợp đồng mua bán tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD giữa hai nước. Ông Albanese nhấn mạnh Pháp là một “trung tâm quyền lực” ở châu Âu và cũng là nước đóng vai trò chủ chốt ở khu vực Thái Bình Dương.

Các nhà phân tích nhận định, lộ trình hợp tác mới là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ giữa Australia và Pháp sau một thời gian quan hệ song phương rạn nứt. Với lộ trình này, hai nước mong muốn hướng tới mối quan hệ hài hòa và chiến lược hơn cho một kỷ nguyên hợp tác mới trước những thách thức toàn cầu.

LÂM ANH

Bài liên quan

Tin mới

Tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk về Sở Công Thương
Tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk về Sở Công Thương

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có quyết định về việc sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu tổ chức của Sở Công thương, trong đó tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk (thuộc Bộ Công thương) và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường tỉnh trực thuộc Sở Công Thương.

Thu giữ 1.500 điếu cigar nhập lậu tại Hà Nội
Thu giữ 1.500 điếu cigar nhập lậu tại Hà Nội

Đội Quản lý thị trường số 1 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh tại quận Long Biên, qua đó phát hiện khoảng 1.500 điếu cigar cùng thuốc lá ngoại nhập lậu, có dấu hiệu tiêu thụ trái phép.

Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra
Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra

Tại Toạ đàm với chủ đề "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra" do Báo Tiền phong tổ chức ngày 2/4/2025 đại diện bộ ngành, cơ quan quản lý cho rằng thực trạng buôn lậu thuốc lá nói chung và thuốc lá mới nói riêng vẫn không ngừng gia tăng, mặc dù lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ Nghị quyết 173/2024/QH15.

Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng đồng chí Khamtay Siphandone
Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng đồng chí Khamtay Siphandone

Sáng 4-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tới Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Hà Nội viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Bản tin nông sản hôm nay (4-4): Giá cà phê, hồ tiêu duy trì ổn định
Bản tin nông sản hôm nay (4-4): Giá cà phê, hồ tiêu duy trì ổn định

Bản tin nông sản hôm nay (4-4): Giá cà phê, hồ tiêu trong nước duy trì ổn định, giá lúa gạo tăng nhẹ.

Thuế 46% của Mỹ - tác động và giải pháp ứng phó
Thuế 46% của Mỹ - tác động và giải pháp ứng phó

Ngày 2-4-2025 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố biểu thuế đối kháng có hiệu lực từ ngày 9-4-2025, theo đó thuế suất đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên đến 46% - chỉ thấp hơn mức 49%, 48% mà Mỹ áp đặt lên Campuchia và Lào.