Ba Lan khẳng định nguồn cung khí đốt của EU “vẫn ổn định”
Ba Lan, quốc gia đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), xác nhận nguồn cung khí đốt của các thành viên trong khối “vẫn ổn định” sau khi dòng chảy khí đốt của Nga chạy qua lãnh thổ Ukraine đến châu Âu đã bị dừng lại vào ngày đầu năm mới 2025 do thỏa thuận trung chuyển giữa Moscow và Kiev hết hạn.
Theo AFP, ngày 2-1, trong một tuyên bố, Ba Lan nhấn mạnh, tình hình hiện "vẫn ổn định" khi tất cả các quốc gia thành viên đều sử dụng kết hợp kho dự trữ mùa đông và nhập khẩu khí đốt từ các nước thứ ba, những nước cung cấp nguồn cung ổn định cho người tiêu dùng. Tuyên bố của Chủ tịch EU Ba Lan nêu rõ: “Có thể quan sát thấy những thay đổi đáng kể trong mô hình nhập khẩu, nhưng rõ ràng là có rất nhiều năng lực để đáp ứng nhu cầu của các nước EU. Không có sự gia tăng đáng kể nào về giá khí đốt được ghi nhận”. Dù vậy, Ba Lan cũng bày tỏ quan ngại về tình hình tại Moldova-quốc gia đang nỗ lực đàm phán gia nhập EU khi nhiều nhà máy phải dừng hoạt động do thiếu khí đốt.
![]() |
Một cơ sở lưu trữ khí đốt ở thị trấn Muhldorf, Đức. Ảnh: Bloomberg |
Nga chính thức ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống từ thời Liên Xô chạy qua lãnh thổ Ukraine vào ngày 1-1 vừa qua, đánh dấu sự kết thúc nhiều thập kỷ thống trị của Moscow trên thị trường năng lượng châu Âu sau khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine hết hạn. Theo RT, Tập đoàn Năng lượng Gazprom (Nga) thông báo dừng vận chuyển khí đốt sau khi các cuộc đàm phán gia hạn thỏa thuận trung chuyển có hiệu lực từ năm 2019 với công ty Naftogaz và Nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt của Ukraine thất bại. Lâu nay, Kiev từ chối gia hạn thỏa thuận vì muốn chặn nguồn thu mà Nga kiếm được từ hoạt động xuất khẩu khí đốt.
Sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, EU đã nỗ lực giảm dần nguồn cung khí đốt từ Nga và đặt mục tiêu không phụ thuộc năng lượng Nga vào năm 2027. Để giải bài toán thiếu khí đốt, EU đã nhập khí đốt từ Na Uy, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ. Trong năm 2023, khí đốt từ Nga chiếm chưa đến 10% nhu cầu nhập khẩu của EU. Con số này giảm đáng kể so với mức hơn 40% trước khi xung đột ở Ukraine diễn ra. Dù vậy, một số thành viên phía Đông Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt nhập khẩu này của Nga.
Việc dòng chảy khí đốt từ Nga bị cắt đứt đang gây phản ứng mạnh từ các nước Đông Âu. Theo Reuters, Thủ tướng Slovakia Robert Fico thông báo nước này sẽ thảo luận các biện pháp đáp trả Ukraine sau khi Kiev chặn dòng khí đốt từ Nga qua lãnh thổ Ukraine vào Slovakia. Trong một thông điệp video đăng trên Facebook, ông Fico cho biết, Slovakia sẽ xem xét cắt nguồn cung cấp điện cho Ukraine, giảm viện trợ cho người tỵ nạn Ukraine và yêu cầu nối lại hoạt động vận chuyển khí đốt hoặc bồi thường cho những tổn thất mà Slovakia phải gánh chịu. Slovakia có thể thiệt hại hàng trăm triệu USD do mất nguồn thu phí trung chuyển và phải trả phí cao hơn để nhập LNG từ nơi khác. Ông Fico cũng cảnh báo giá khí đốt và điện của châu Âu sẽ tăng trong thời gian tới vì hành động của Ukraine. Về phần mình, trên mạng xã hội X, nghị sĩ Đức Sevim Dagdelen đã lên án Ukraine khi chấm dứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga, đồng thời nhấn mạnh ngành công nghiệp châu Âu sẽ bị hủy hoại khi giá năng lượng tăng.
Mặc dù EU tuyên bố có thể xoay xở mà không cần khí đốt Nga vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine, nhưng giới phân tích cảnh báo châu Âu sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy. Theo Press TV, nhà phân tích Philipp Lausberg tại Trung tâm Chính sách châu Âu có trụ sở Bỉ, khẳng định: “Châu Âu có phương án thay thế, nhưng thường sẽ đắt hơn khí đốt Nga. Tác động sẽ bộc lộ rõ rệt ở Áo, Hungary và Slovakia, khiến giá năng lượng tại đây tăng. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt cũng như các ngành công nghiệp ở châu Âu, làm suy yếu sức cạnh tranh của khu vực”.
LÂM ANH
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.