Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, bị cáo buộc vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD (khoảng 106.730 tỷ đồng) qua biên giới trong 10 năm; rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB giai đoạn hai.
C03 đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Ba đồng phạm của bà Lan ở nhóm tội này là: Nguyễn Phương Anh, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula; Trịnh Quang Công, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý Acumen; Trương Khánh Hoàng, nguyên quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB.
Đồng phạm với bà Lan ở hành vi Rửa tiền là: Chu Lập Cơ, chồng bà Lan, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường thời đại (Việt Nam) - Times Square; Bùi Văn Dũng, lái xe riêng của bà Lan; Trần Thị Hoàng Uyên, thư ký của bà Lan; Trần Xuân Phượng, thư ký của Ngô Thanh Nhã, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát.
Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra ở Ngân hàng SCB. |
Liên quan vụ án, Tô Thị Anh Đào, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Bốn người khác bị đề nghị truy tố về hai tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là: Nguyễn Vũ Anh Thi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam; Nguyễn Hữu Hiệu, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Square Việt Nam, công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty Cổ phần Quản lý Bất động sản Windsor; Võ Tấn Hoàng Văn, nguyên tổng giám đốc ngân hàng SCB; Bùi Anh Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB.
Nguyên phó tổng giám đốc SCB Trần Thị Mỹ Dung bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.
Ngoài ra, 20 người khác bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm: Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Hồ Bửu Phương, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Ngô Thanh Nhã, Chủ tịch Công ty Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, nguyên Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông (2015-2019); Kwok Hakman Oliver (Trung Quốc), Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông; Trương Wincent Kinh (Lâm Khắc Vinh, trú Mỹ), Chủ tịch Công ty Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, nguyên chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World...
Cơ quan điều tra cáo buộc, trong 10 năm từ 27-10-2012 đến 7-10-2022, có 21 công ty thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ USD.
21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định, với 152 giao dịch, tổng hơn 3 tỷ USD.
Việc chuyển tiền quốc tế đều thông qua các hợp đồng khống - là các hợp đồng mua bán cổ phần, góp vốn; hợp đồng tư vấn; hợp đồng vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài, kết luận điều tra nêu.
Vì vậy, C03 cáo buộc hành vi của Trương Mỹ Lan và đồng phạm phạm vào tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, theo Điều 189 Bộ Luật Hình sự, với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ USD, tương đương 106.730 tỷ đồng.
'Rửa' 445.747 tỷ đồng của SCB và trái chủ
Đồng thời, bà Lan và đồng phạm cũng bị cáo buộc Rửa tiền từ nguồn tiền tham ô tài sản của ngân hàng SCB và lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ phát hành trái phiếu, tổng 445.747 tỷ đồng.
Từ ngày 1-1-2018 đến 7-10-2022, để che giấu nguồn gốc tiền do phạm tội mà có và hợp thức việc sử dụng 415.666 tỷ đồng (trong số tiền tham ô của SCB), tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền, Trương Mỹ Lan và đồng phạm để chuyển số tiền chiếm đoạt được ra khỏi hệ thống SCB hoặc chuyển khoản cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản.
"Thủ đoạn này nhằm cắt đứt việc truy vết dòng tiền, tiếp tục sử dụng cho mục đích cá nhân của bà Lan", C03 cáo buộc. Số tiền này sau đó chuyển vào tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân, tiếp tục chuyển khoản, rút tiền mặt, nộp tiền vào tài khoản để sử dụng theo chỉ đạo của bà Lan.
Từ 2018 đến 2019, bà Lan và đồng phạm thực hiện hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành 25 gói trái phiếu của 4 Công ty An Đông, Quang Thuận, Setra, Sunny World (đều thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát), chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại.
Sau khi chiếm đoạt được tiền, nhằm che giấu nguồn gốc và sử dụng bất hợp pháp số tiền này, bà Lan và đồng phạm đã rút tiền mặt trực tiếp tại SCB và giao Bùi Văn Dũng vận chuyển, chuyển giao theo chỉ đạo của bà Lan để sử dụng cho mục đích cá nhân. Bà Lan cũng bị cáo buộc rút tiền, chuyển tiền cho tổ chức, cá nhân đứng tên, nộp tiền mặt vào các tài khoản theo chỉ định để trả nợ khoản vay, thanh toán thẻ tín dụng, chuyển tiền cho các công ty, cá nhân.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rất lớn, phức tạp, số lượng bị can nhiều nên Bộ Công an phải tách thành hai giai đoạn điều tra.
Ở giai đoạn đầu, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc, trong 10 năm thâu tóm SCB đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10-2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi.
Hôm 11-4, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt bà Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.
Tuoitre.vn
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.