Bao giờ Mường Phăng được công nhận là xã An toàn khu?
Lâu nay, xã Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ) là địa danh lịch sử nổi tiếng của tỉnh Điện Biên và cả nước, gắn liền với tên tuổi của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng như ghi dấu Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Mặc dù địa phương đã nhiều lần đề nghị, nhưng đến nay, nơi đây vẫn chưa được công nhận là xã An toàn khu (ATK).
Cách trung tâm TP Điện Biên Phủ khoảng 30km, xã Mường Phăng là vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng, nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - địa điểm thứ ba và cũng là cuối cùng (từ ngày 31-1 đến 15-5-1954) mà cơ quan chỉ huy của Quân đội ta đứng chân trong chiến dịch. Hai địa điểm đầu tiên của Sở chỉ huy chiến dịch lần lượt đặt tại hang Thẩm Púa, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo và hang Huổi He, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên (nay thuộc TP Điện Biên Phủ).
Du khách tham quan di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Trước đó, từ cuối năm 1953, địch cho quân nhảy dù tăng cường cho mặt trận Điện Biên Phủ, bố trí lực lượng, lập đồn bốt ở khắp các ngả đường nhằm chặt đứt mọi đường tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm và hậu cần cho bộ đội ta. Theo lời kể của số ít cụ cao niên trong xã Mường Phăng, lúc đó đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã trao tặng bộ đội gần chục tấn gạo, đồng thời nhiều người tình nguyện đăng ký tham gia vận chuyển quân lương.
Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển Sở chỉ huy chiến dịch từ Huổi He về Mường Phăng, người dân địa phương tiếp tục chung tay đóng góp sức người, sức của xây dựng căn cứ, làm giao liên, quyên góp lương thực, thực phẩm, tham gia khai thác đá mở đường, góp phần bảo đảm chiến dịch toàn thắng.
Nhằm ghi nhận công lao đóng góp và tri ân đồng bào các dân tộc đã có công nuôi dưỡng, đùm bọc cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngày 27-5-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 897/QĐ-TTg ban hành tiêu chí, quy trình thủ tục công nhận xã ATK, vùng ATK. Ngày 24-3-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Theo đó, người dân của xã ATK được Nhà nước hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế; địa phương được hỗ trợ xây dựng, tu sửa bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng và các thiết chế văn hóa.
Triển khai thực hiện quyết định trên, từ khi xã Mường Phăng chưa sáp nhập về TP Điện Biên Phủ, Phòng Nội vụ huyện Điện Biên đã tiến hành các bước lập hồ sơ xã ATK cách mạng đối với xã Mường Phăng. Theo chức năng, nhiệm vụ, Đảng ủy, UBND xã Mường Phăng đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thu thập thông tin, chứng cứ về các sự kiện, di tích lịch sử, các hoạt động cách mạng, khái quát tình hình hiện trạng về di tích, tài liệu, tư liệu các sự kiện và hoạt động cách mạng ở xã.
Ngày 1-1-2020, xã Mường Phăng sáp nhập về TP Điện Biên Phủ theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Điện Biên. Sau khi sáp nhập, bên cạnh nhiệm vụ chú trọng phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho bà con, cấp ủy, chính quyền xã Mường Phăng tập trung làm lại hồ sơ đề nghị công nhận xã ATK dựa trên các tiêu chí cụ thể theo quy định và trình lên thành phố từ cuối tháng 11-2023.
Quang cảnh một phần xã Mường Phăng hôm nay. |
Về nội dung này, đồng chí Nguyễn Đức Anh, chuyên viên Phòng Nội vụ TP Điện Biên Phủ, người được giao trực tiếp hoàn tất hồ sơ xã ATK cho xã Mường Phăng cho biết: “Trước đây hồ sơ của xã Mường Phăng thiếu một số tài liệu gốc quan trọng. Đồng thời, việc xã Pá Khoang được thành lập ngày 1-7-2013 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của xã Mường Phăng và sau đó xã Mường Phăng lại sáp nhập vào TP Điện Biên Phủ gây khó khăn đối với chính địa phương, dẫn đến mất nhiều thời gian hơn trong việc tái thống kê, rà soát, xác định các tiêu chí. Hiện Phòng Nội vụ TP Điện Biên Phủ đã nhận được hồ sơ của xã Mường Phăng và đang hoàn tất thủ tục báo cáo UBND TP Điện Biên Phủ thành lập hội đồng thẩm định”.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: “Người dân trên địa bàn vẫn rất mong mỏi Mường Phăng sớm được công nhận xã ATK. Với bà con, ngoài những chính sách của Đảng, Nhà nước dành để tri ân, nâng cao mức sống thì đó còn là phần thưởng lớn lao, là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc ở Mường Phăng”.
Xã Mường Phăng hiện có hơn 1.200 hộ với hơn 5.500 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Kinh... sinh sống tại 20 thôn, bản. Đến Mường Phăng hôm nay, dấu vết đạn bom năm xưa trên mảnh đất cách mạng này giờ là những bản làng khang trang, đời sống đồng bào ngày càng ấm no, hạnh phúc. Nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, năm 2018, Mường Phăng đã về đích xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, từ khi sáp nhập về TP Ðiện Biên Phủ, xã được tập trung các nguồn lực đầu tư điện, đường, trường, trạm. Toàn xã hiện chỉ còn 4 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo.
Chỉ ít tháng nữa, người dân Mường Phăng nói riêng và cả nước nói chung sẽ chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024). Mong mỏi của xã Mường Phăng sớm được công nhận xã ATK là hoàn toàn chính đáng.
Bài và ảnh: HIẾU TRƯỜNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.