Trong những năm gần đây, xu thế phát triển của TMĐT ở nước ta ngày trở thành một kênh mua sắm quan trọng của người tiêu dùng. TMĐT dần đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng và là công cụ, phương thức kinh doanh phù hợp của xu thế phát triển hiện nay.
Song song với sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT cũng tạo ra nhiều kẻ hở cho nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ,…. tràn lan trên khắp các nền tảng Zalo, Facebook, Tiktok…. với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, phức tạp hơn, đang là vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng….
Thực hiện Công văn số 58/QLTTBT-NV ngày 24/01/2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre về việc triển khai thực hiện kế hoạch 888 trong năm 2024; Quyết định số 180/QĐ-QLTTBT ngày 07/3/2024 của Cục QLTT tỉnh Bến Tre ban hành kế hoạch công tác về Thương mại điện tử năm 2024 của Cục QLTT Bến Tre; Kế hoạch số 06/KH-TT.BCĐ389 ngày 29 tháng 02 năm 2024 của Thường trực Ban chỉ đạo 389 về phối hợp kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024.
Qua công tác thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, giám sát, quản lý địa bàn, kết hợp giám sát trên nền tảng thương mại điện tử, Đội QLTT số 4 phát hiện Hộ kinh doanh P.H.N tại ấp TX1, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử qua hình thức lievstream bán hàng trên Tiktok và kinh doanh buôn bán trực tiếp tại cửa hàng có hàng hóa là hàng hóa nhập lậu và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa....
Ngày 28 tháng 3 năm 2024, Đội QLTT số 4 chủ trì phối hợp Đội QLTT số 1, Đội QLTT số 2, Đội QLTT số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường thuộc Công an tỉnh Bến Tre, tiến hành kiểm tra tại hộ kinh doanh P.H.N.
Qua kiểm tra phát hiện, Hộ kinh doanh P.H.N kinh doanh, buôn bán 10.991 đơn vị sản phẩm các loại (mỹ phẩm, phụ kiện làm đẹp, điện gia dụng) lưu thông trên thị trường có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật; không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Với tổng trị giá hàng hóa vi phạm 377.300.000 đồng.
Đội QLTT số 4 tiến hành hoàn tất thủ tục hồ sơ chuyển Cục trưởng Cục QLTT Bến Tre trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định xử phạt theo thẩm quyền.
Ngày 20 tháng 4 năm 2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 818/QĐ-XPHC đối với hộ kinh doanh P.H.N với tổng số tiền phạt phải nộp vào ngân sách nhà nước là: 224.276.517 đồng.
Buộc tiêu hủy 4.581 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng trị giá hàng hóa vi phạm: 291.030.000 đồng; Tịch thu 6.410 đơn vị sản phẩm là hàng hóa nhập lậu với tổng trị giá hàng hóa vi phạm: 86.270.000 đồng.
Ngày 22 tháng 4 năm 2024, ông P.H.N đại diện hộ kinh doanh P.H.N đã nhận quyết định xử phạt và đã hoàn thành việc đóng phạt theo đúng quy định.
Hình ảnh Đoàn kiểm tra đang kiểm tra hàng hóa tại hộ kinh doanh
Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là trên nền tảng thương mại điện tử, trong thời gian tới, Đội QLTT số 4:
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Cục trưởng, trong đó tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả: Quyết định số 323/QĐ-CQLTT ngày 19/5/2021 của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre về việc ban hành kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 180/QĐ-QLTTBT ngày 07/3/2024 của Cục QLTT tỉnh Bến Tre ban hành kế hoạch công tác về Thương mại điện tử năm 2024 của Cục QLTT Bến Tre; Kế hoạch số 06/KH-TT.BCĐ389 ngày 29 tháng 02 năm 2024 của Thường trực Ban chỉ đạo 389 về phối hợp kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024.
- Thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ về công tác giám sát, quản lý địa bàn.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đấu tranh phòng chống gian lận thương mại liên quan đến TMĐT.
- Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thương mại điện tử; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện việc kinh doanh, mua bán hàng hóa trên nền tảng TMĐT; đồng thời tuyên truyền, phổ biến về các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…trong hoạt động TMĐT để người dân nhận biết và chủ động tham gia tố giác các hành vi vi phạm, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.