Bệnh nhân tim mạch cần thận trọng khi mắc cúm mùa
Trong bối cảnh số người mắc cúm mùa ngày càng gia tăng thì yếu tố thời tiết nồm ẩm càng là điều kiện thuận lợi để số người mắc bệnh tăng cao, đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp...
Theo PGS,TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện Trưởng Viện Tim Mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, cúm mùa có thể gây sốt, mất nước và tăng nhu cầu oxy khi nhiễm cúm khiến tim phải làm việc nhiều hơn, dễ dẫn đến suy tim cấp mất bù ở bệnh nhân suy tim, tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân tim mạch. Thêm nữa bệnh nhân tăng huyết áp hoặc suy tim thường đang được bác sĩ kê đơn các thuốc giãn mạch và lợi tiểu, khi bị cúm bệnh nhân có thể bị mất nước và giãn mạch do sốt do đó cần tham vấn ý kiến bác sĩ tim mạch ngay để điều chỉnh các loại thuốc này.
Cúm mùa cũng có thể làm tăng nguy cơ các biến chứng tim mạch ở cả người khỏe mạnh và đặc biệt là bệnh nhân có bệnh nền tim mạch. Trong một số trường hợp, cúm mùa có thể dẫn đến viêm cơ tim cấp, gây nên rối loạn nhịp tim cấp, suy tim cấp tiến triển rất nhanh, bệnh sẽ nguy hiểm hơn trên nền bệnh nhân có bệnh tim mạch mạn tính. Ngoài ra, cúm mùa thường gây phản ứng viêm hệ thống, làm tăng nguy cơ rối loạn đông máu, điều này sẽ tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở bệnh nhân có bệnh tim mạch do xơ vữa.
![]() |
Người có bệnh lý tim mạch nên tiêm vaccine phòng cúm. Ảnh: PHONG LAN |
Do đó, người bị bệnh tim mạch cần lưu ý 3 vấn đề khi bị mắc cúm: Chế độ uống thuốc, chế độ sinh hoạt và chế độ ăn uống.
Về chế độ thuốc, PGS,TS Nguyễn Thị Thu Hoài lưu ý cần duy trì thuốc tim mạch: Uống đúng liều, không tự ý ngưng (kể cả thuốc huyết áp, chống đông, statin). Quan trọng nhất là bệnh nhân cần hiểu mình đang được dùng những loại thuốc gì, tác dụng chính ra sao để theo dõi phù hợp. Một số loại thuốc hay dùng khi điều trị triệu chứng của cúm như thuốc giảm đau hạ sốt, đặc biệt thuốc nhóm NSAID (ibuprofen..) hay corticoid có thể làm nặng lên triệu chứng suy tim, tăng huyết áp nên cần tham vấn ý kiến bác sĩ tim mạch và bác sĩ truyền nhiễm trước khi dùng. Cúm có thể gây sốt cao, gây phản ứng giãn mạch mạnh và mất nước do đó nếu bệnh nhân tim mạch đang dùng các thuốc giãn mạch hay lợi tiểu cần chú ý theo dõi sát, cần thông báo cho bác sĩ tim mạch đang quản lý điều trị để có điều chỉnh kịp thời.
Về sinh hoạt, việc tiêm vaccine cúm có ý nghĩa quan trọng đối với bệnh nhân tim mạch. Vaccine giúp giảm nguy cơ mắc cúm và giảm mức độ tiến triển nặng khi mắc cúm, điều này rất quan trọng với bệnh nhân tim mạch, đặc biệt là bệnh nhân suy tim sung huyết. Bên cạnh đó, cần lưu ý đeo khẩu trang, rửa tay, tránh nơi đông người; ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày, tránh gắng sức nặng.
Về ăn uống, người bệnh tim mạch cần tăng cường miễn dịch bằng việc bổ sung vitamin C (cam, ổi), kẽm (hạt, thịt), tỏi; giữ cân bằng dịch bằng uống đủ nước (1,5-2 lít/ngày); kiểm soát huyết áp như ăn nhạt, hạn chế mỡ động vật, tăng rau xanh và cá.
Nếu bị mắc cúm, người có bệnh tim mạch cần tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ truyền nhiễm, tham vấn ý kiến bác sĩ tim mạch đang quản lý điều trị về phác đồ tim mạch đang dùng xem có cần điều chỉnh thuốc tim mạch hay không. Cần lưu ý tái khám tim mạch ngay nếu có các triệu chứng sau: Nhịp tim nhanh kéo dài, khó thở, đau ngực, phù chân...
"Bệnh nhân tim mạch rất nên tiêm phòng vaccine cúm hằng năm, điều này đã được các hội tim mạch uy tín như hội tim mạch Mỹ, hội tim mạch châu Âu , hội tim mạch Việt Nam khuyến cáo rất rõ: Vaccine cúm giảm 15-45% nguy cơ biến cố tim mạch. Chúng tôi khuyến cáo tiêm cho tất cả bệnh nhân tim mạch, kể cả người suy tim hoặc sau can thiệp mạch vành, bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh van tim, bệnh cơ tim", PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hoài nói.
PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hoài cũng lưu ý, những người mắc bệnh tim mạch cần khám bác sĩ tim mạch trước khi tiêm để bảo đảm tình trạng tim mạch, huyết áp đang được điều trị ổn định. Đặc biệt không tiêm vaccine nếu huyết áp quá cao hoặc quá thấp hoặc bệnh nhân đang có tình trạng cấp cứu về tim mạch, tình trạng suy tim mất bù. Nên tiêm vaccine dạng bất hoạt để bảo đảm an toàn, tránh vaccine sống giảm độc lực. Vì thế, trong mùa cúm, bệnh nhân tim mạch cần quan tâm đến chế độ uống thuốc, sinh hoạt và ăn uống.
ĐỖ HẰNG
Tin mới
Mã vùng điện thoại cố định thay đổi thế nào sau khi sáp nhập tỉnh, thành?
Việc thay đổi, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch mã vùng điện thoại cố định mặt đất, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện kể từ ngày 1-7-2025.
Miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh trên toàn quốc từ năm học 2025 - 2026
Ngày 3-7, Tổng thư ký Quốc hội công bố 9 nghị quyết của Quốc hội và 9 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
VNVC ra mắt vaccine não mô cầu thế hệ mới
Ngày 4-7, Hệ thống Tiêm chủng VNVC ra mắt và triển khai tiêm vaccine não mô cầu thế hệ mới MenACYW (Sanofi, Pháp) được sản xuất từ nhà máy đặt tại Mỹ.
Cử bác sĩ luân phiên tăng cường cho đặc khu duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh
Chỉ 3 ngày sau hợp nhất địa giới hành chính với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã họp bàn, lên kế hoạch nâng cao năng lực y tế cho đặc khu Côn Đảo nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, kể cả nơi xa nhất. Trước mắt, Sở Y tế Thành phố sẽ cử bác sĩ có tay nghề luân phiên ra đảo; lên kế hoạch phát triển, nâng cao năng lực y tế cho đặc khu duy nhất của Thành phố.
Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân
Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 sẽ tác động tích cực đến người tham gia BHYT. Theo quy định mới, người tham gia BHYT có thể đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế nào thuộc hệ thống BHYT trên toàn quốc, không bị giới hạn bởi địa giới hành chính.
Mỹ: Bang California chống chọi với đám cháy rừng lớn nhất kể từ đầu năm
Hơn 300 lính cứu hỏa của Mỹ đang nỗ lực khống chế vụ cháy rừng quy mô lớn tại bang California, trong bối cảnh bang này đang đối mặt nguy cơ hỏa hoạn nghiêm trọng mùa hè, đặc biệt khi thời tiết khô nóng gia tăng.