• Click để copy

Bộ Công an: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, triển khai các biện pháp đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật tại cửa khẩu đường hàng không

Bộ Công An chính thức hoàn tất dự thảo Nghị định về quản lý, bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không nhằm hoàn thiện thể chế, pháp luật về công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung và công tác quản lý cửa khẩu đường hàng không nói riêng, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các lực lượng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động xuất nhập cảnh , xuất nhập khẩu qua đường hàng không chiếm tỷ lệ ngày càng lớn.

Phối hợp lực lượng phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển hàng hóa nhập lậu qua cửa hàng không. Ảnh: Tư liệu

Theo Bộ Công an,  thời gian qua việc chưa xác định phạm vi chính xác khu vực cửa khẩu đường hàng không dẫn đến lúng túng trong xác định thẩm quyền xử lý vụ việc, triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, áp dụng pháp luật đối với một số hành vi vi phạm cụ thể. Khu vực cửa khẩu biên giới đất liền và cửa khẩu cảng biển đã có quy chế bảo đảm an ninh riêng biệt. Nghị định số 112/2014/NĐ-CP, Nghị định số 77/2017/NĐ-CP, Nghị định số 71/2015/NĐ-CP đã quy định cụ thể phạm vi, cơ quan có thẩm quyền xác định phạm vi cửa khẩu, cơ quan chủ trì duy trì an ninh trật tự là Bộ đội Biên phòng, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng quản lý nhà nước trong bảo đảm an ninh tại cửa khẩu, trường hợp tạm dừng hoạt động cửa khẩu. Việc xác định phạm vi cửa khẩu có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo đảm an ninh, làm rõ phạm vi cụ thể để áp dụng các biện pháp quản lý, biện pháp an ninh tăng cường khi cần thiết.

Ví dụ, khi xem xét tội danh theo Điều 259 Bộ Luật hình sự, một trong những hành vi khách quan là vi phạm các quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu (tại điểm d, khoản 1). Về vi phạm hành chính, trong các lĩnh vực an ninh trật tự, hải quan, y tế, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định hành vi gây mất trật tự khu vực cửa khẩu (điểm b, khoản 1 Điều 5) và hành vi vi phạm các quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu (điểm e, khoản 4 Điều 21). Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định các hành vi vi phạm về quy định kiểm dịch y tế biên giới (Điều 13), Nghị định số 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính tại cửa khẩu (Điều 12, Điều 13, Điều 18, Điều 20, Điều 21).

Nếu chưa xác định được ranh giới khu vực cửa khẩu đường hàng không sẽ không đủ căn cứ để xử lý các hành vi này nếu xảy ra tại các cảng hàng không. Việc xác định khu vực cửa khẩu đường hàng không sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng Công an, Hải quan, Kiểm dịch y tế, Kiểm dịch động thực vật, Cảng vụ Hàng không có căn cứ xử lý các hành vi vi phạm liên quan lĩnh vực chuyên ngành.

Việc xác định rõ khu vực cửa khẩu đường hàng không phù hợp với các khuyến cáo của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế liên quan đến việc phân chia các khu vực tại sân bay, việc cấp thẻ vào các khu vực tại sân bay phù hợp từng mục đích cụ thể tại Công ước Chicago, Phụ lục 17, Tài liệu 8973 điểm 4.2.3, 11.2.6.4 và 11.2.6.5; không xung đột với quy định Công ước Tokyo 1963 về tội phạm và một số hành vi khác thực hiện trên tàu bay; Công ước Montreal 1999 về thống nhất một số quy tắc liên quan đến vận chuyển hàng không quốc tế; Công ước Hague 1970 về loại trừ hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay; Nghị định thư Montreal 1988 về loại trừ những hành vi bạo lực bất hợp pháp tại các cảng hàng không phục vụ hàng không dân dụng quốc tế.

Bên cạnh đó,  khu vực cách ly cần được quản lý chặt chẽ hơn, tránh phát sinh vấn đề phức tạp về an ninh. Khu vực cách ly là khu vực hành khách đã hoàn thành toàn bộ các thủ tục về soi chiếu an ninh, xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch y tế; tiếp cận trực tiếp với tàu bay. Bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào tại khu vực này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự nói chung và an ninh, an toàn của tàu bay, cảng hàng không nói riêng.

Việc quản lý khu vực cách ly tại cửa khẩu đường hàng không đã được quy định nhưng chưa cụ thể, chặt chẽ. Đây là khu vực cần quản lý nghiêm ngặt vì quy chế pháp lý đối với hành khách trong khu vực này mang tính đặc thù, cần hạn chế tối đa người vào ngoài hành khách xuất nhập cảnh. Người ở khu vực cách ly nhập cảnh mặc dù đã ở trên lãnh thổ Việt Nam nhưng về thủ tục là chưa nhập cảnh Việt Nam. Người ở khu vực cách ly xuất cảnh vẫn ở trên lãnh thổ Việt Nam nhưng về thủ tục là đã xuất cảnh. Do đó, việc áp dụng quy định pháp luật tại khu vực cách ly cũng sẽ có những đặc thù trong xử lý vụ việc.

Ví dụ: Năm 2016 xảy ra nhiều vụ đoàn du lịch người Trung Quốc mặc áo in bản đồ “đường lưỡi bò” nhập cảnh Việt Nam. Nếu đương sự chưa nhập cảnh (vẫn ở khu vực cách ly), ta có thể vận dụng quy định xuất nhập cảnh để từ chối nhập cảnh. Tuy nhiên, nếu đương sự hoàn thành thủ tục nhập cảnh (ra khỏi khu vực cách ly) mới bỏ áo khoác ngoài để lộ áo in bản đồ “đường lưỡi bò”, ta không thể từ chối nhập cảnh và cũng chưa đủ căn cứ buộc xuất cảnh hoặc trục xuất, phải áp dụng các quy định khác để tịch thu áo, xử phạt vi phạm hành chính. Các vụ việc như trộm cắp trên tàu bay đến Việt Nam, gây rối trật tự khi tàu bay hạ cánh cũng được xử lý tương tự.

Theo quy định về an ninh hàng không, các cá nhân, tổ chức có thể sử dụng thẻ kiểm soát an ninh hàng không vào khu vực cách ly. Số lượng lớn người được quyền tiếp cận khu vực cách ly ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan chức năng. Trên thực tế khu vực cách ly cửa khẩu đường hàng không đã xảy ra một số vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, đáng chú ý, nhân viên cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài sử dụng thẻ kiểm soát an ninh hàng không vào khu vực cách ly can thiệp vào việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan chức năng Việt Nam, tiếp cận các đối tượng liên quan an ninh quốc gia, thậm chí cấp giấy thông hành của nước ngoài ngay tại khu vực cách ly...

Những bất cập trên đòi hỏi cấp thiết có cơ sở pháp lý để triển khai hiệu quả các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, xác định rõ phạm vi cửa khẩu, quản lý chặt chẽ khu vực cách ly xuất nhập cảnh, quy định cụ thể về cơ quan tiếp nhận, thụ lý, phối hợp, xử lý các vụ việc về an ninh trật tự.

Từ những lý do nêu trên, theo Bộ Công an việc xây dựng Nghị định về quản lý, bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không là cần thiết. Việc xây dựng Nghị định nhằm hoàn thiện thể chế, pháp luật về công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung và công tác quản lý cửa khẩu đường hàng không nói riêng, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các lực lượng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động xuất nhập cảnh qua đường hàng không chiếm tỷ lệ ngày càng lớn.  Khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động của cửa khẩu đường hàng không, hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu đường hàng không thuận lợi về mặt thủ tục nhưng cũng chặt chẽ về quy định. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, triển khai các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật tại cửa khẩu đường hàng không

Nghị định được chia thành 04 chương (Quy định chung; Phạm vi các khu vực tại cửa khẩu đường hàng không, dòng lưu chuyển hành khách; Bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không; Tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành) gồm 17 Điều.. Đơn cử như quy đinh các loại cửa khẩu đường hàng không gồm: Cửa khẩu đường hàng không quốc tế; cửa khẩu đường hàng không quốc gia; cửa khẩu đường hàng không tạm thời. Mặc dù Luật chưa quy định các loại hình cửa khẩu cụ thể, tuy nhiên để bảo đảm yêu cầu quản lý trên thực tiễn và căn cứ các loại hình cửa khẩu chung tại Luật Biên giới quốc gia năm 2003 (Khoản 7 Điều 4). Bộ Công an kiến nghị Chính phủ quy định các loại hình cửa khẩu đường hàng không cụ thể trong Nghị định.

Về phạm vi các khu vực tại cửa khẩu đường hàng không, dòng lưu chuyển hành khách, gồm 02 điều (từ Điều 5 đến Điều 6) quy định phạm vi các khu vực cửa khẩu đường hàng không; dòng lưu chuyển hành khách tại cửa khẩu đường hàng không, cụ thể: phạm vi các khu vực tại cửa khẩu đường hàng không, dòng lưu chuyển hành khách nhằm xác định rõ khu vực cửa khẩu đường hàng không, cơ quan chủ trì quản lý để xác định đối tượng, địa bàn quản lý đảm bảo chặt chẽ. Quy định cụ thể việc thủ tục đối với hành khách nhập cảnh, xuất cảnh để từ đó bố trí vị trí các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ.

Phan Anh

Bài liên quan

Tin mới

Bão số 4: Quảng Bình kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, đảng viên không chấp hành di dời
Bão số 4: Quảng Bình kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, đảng viên không chấp hành di dời

Ngày 19-9, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đã ký công điện về việc di dời người dân đến nơi an toàn để ứng phó với bão số 4 và mưa lớn.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó bão số 4
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó bão số 4

Trước diễn biến của bão số 4, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống và ứng phó.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV

Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Quốc hội Liên bang Nga Valentina Matvienko, ngày 18-9, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV bằng hình thức phát biểu ghi hình.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm cấp Nhà nước tới Cuba
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Từ ngày 21-27/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và sau đó sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cuba.

Khẩn trương di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp
Khẩn trương di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các giải pháp để di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp, thuộc diện phải phá dỡ theo quy định.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bão lũ
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bão lũ

Ngày 18-9, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết sẽ cung ứng bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bị bão lũ.