• Click để copy

Bộ Công Thương: Hoàn thiện cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại biên giới

Bộ Công Thương chính thức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại biên giới; khắc phục những tồn tại, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 14/2018/NĐ-CP như khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới thời gian qua, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá (đặc biệt là nông sản) qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc theo hình thức

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động thương mại biên giới nhằm thúc đẩy XNK hàng hoá, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại. Ảnh: THTiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động thương mại biên giới nhằm thúc đẩy XNK hàng hoá, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại. Ảnh: TH

Bất cập từ thực tế

Theo đánh giá của Bộ Công Thương trong công tác quản lý hoạt động thương mại biên giới còn một số bất cập như: Khu vực cửa khẩu biên giới một số nơi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ; việc huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu còn hạn chế, tiến độ xây dựng còn chậm. Công tác tuyên truyền quy định pháp luật về thương mại biên giới đã được thực hiện nhưng còn hạn chế. Trình độ dân trí, nhận thức của cư dân biên giới đa phần vẫn còn hạn chế, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của đa số cư dân vùng biên giới nhìn chung còn thấp. Một bộ phận cư dân biên giới không có nghề nghiệp ổn định, khó khăn trong cuộc sống nên dễ bị các đối tượng buôn lậu lôi kéo, lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm. Tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu vẫn còn diễn ra khi vào thời điểm thu hoạch chính vụ hoặc vào các dịp Lễ, Tết, đặc biệt tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, một số quy định hiện nay được đánh giá là không còn phù hợp hoặc không theo kịp tình hình phát triển thương mại biên giới trong thực tế cũng như chính sách, định hướng quản lý biên giới, phát triển xuất nhập khẩu nói chung hiện nay.

Đơn cử: các quy định hiện nay rất thông thoáng đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới đất liền, đặc biệt là với xuất khẩu, cụ thể: mọi tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh (thương nhân) đều được quyền xuất khẩu hàng hóa qua biên giới. Cá nhân không có đăng ký kinh doanh, nếu cư trú tại khu vực biên giới, cũng được quyền xuất khẩu hàng hóa qua biên giới nếu đó là hàng sản xuất tại Việt Nam. Nói chung, thương nhân và cư dân có thể xuất khẩu tất cả các loại hàng hóa, trừ hàng hóa cấm xuất khẩu; việc xuất khẩu hàng hóa có thể được thực hiện ở tất cả các cửa khẩu cũng như lối mở; thương nhân và cư dân không nhất thiết phải xuất trình hợp đồng mua bán bằng văn bản với cơ quan hải quan khi xuất khẩu hàng hóa. Thương nhân có thể tự lập bảng kê hàng hóa để thay cho hợp đồng;  đồng tiền thanh toán và phương thức thanh toán đối với hoạt động xuất khẩu cũng rất linh hoạt. Điều này đã và đang phần nào gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng thực thi tại khu vực cửa khẩu trong công tác thống kê chính xác số liệu xuất nhập khẩu theo đúng mục đích, hình thức thương mại; trong công tác kiểm dịch, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu một cách có hiệu quả.

Theo đánh giá của một số địa phương, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 14/2018/NĐ-CP chưa quy định rõ quy chuẩn, điều kiện cơ sở hạ tầng nên đã gây khó khăn cho các tỉnh trong công tác triển khai thực hiện. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, khoản 3 Điều 6 Nghị định số 14/2018/NĐ-CP chưa phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 5 của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền về nguyên tắc xuất nhập qua cửa khẩu biên giới. Tại Điều 21, Điều 22, Chương V của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP quy định công dân hai Bên có chung biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia có thể sử dụng chứng minh nhân dân/căn cước công dân qua lại biên giới và chợ biên giới, tuy nhiên quy định này không phù hợp với Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Lào năm 2016, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người Việt Nam tại nước ngoài (Luật số 47/2014/QH13 ngày 16/6/2014), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 49/2019/QH14 ngày 22/11/2019) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan (các giấy tờ được phép xuất nhập cảnh qua biên giới với Lào không bao gồm chứng minh nhân dân).

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu theo thông lệ quốc tế tại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới diễn ra khá sôi động. Theo quy định của Trung Quốc, hàng hoá nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân biên giới sẽ được hưởng một số ưu đãi nhất định, ví dụ như được miễn kiểm dịch, không cần hợp đồng, không cần thanh toán qua ngân hàng và được miễn thuế nếu giá trị hàng hóa trao đổi không vượt quá 8.000 Nhân dân tệ/người/ngày. Đặc biệt, nhiều nông sản của Việt Nam mặc dù chưa được phép nhập khẩu chính thức vào Trung Quốc (như nhiều loại trái cây, thịt lợn) nhưng vẫn có thể bán vào Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân. Do có các ưu đãi này, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán lớn, cụ thể là lập danh sách cư dân, sau đó gom tiêu chuẩn miễn thuế của cư dân để nhập khẩu các lô hàng lớn. Đây chính là hoạt động “tiểu ngạch” như vẫn được đề cập tới thời gian qua. Hàng hóa xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), sau khi qua biên giới, sẽ được gom về tiêu thụ tại các chợ biên giới bên phía Trung Quốc.

Có thể nói, các ưu đãi của Trung Quốc đối với hình thức “trao đổi cư dân” kết hợp với chính sách có tính tương thích cao của Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến việc hình thành hình thức “xuất khẩu tiểu ngạch”. Dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các mặt hàng chưa được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc (như chanh leo, na, roi) hoặc chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của Trung Quốc (như không có mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp …). Thậm chí, để tận dụng ưu đãi thuế, một số mặt hàng tuy đã được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc (như sản phẩm sắn, quả vải) vẫn chủ động chuyển sang hình thức tiểu ngạch để xuất khẩu vào Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã  tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động nhập khẩu tại khu vực biên giới;  tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc về vệ sinh an toàn thực phẩm; siết chặt công tác kiểm dịch, kiểm nghiệm và quản lý chất lượng sản phẩm nông sản nhập khẩu thông qua các thủ tục mang tính kỹ thuật như truy xuất nguồn gốc, yêu cầu đăng ký vùng nuôi trồng và doanh nghiệp xuất khẩu đối với nông sản, thực phẩm; quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Trung Quốc đã ban hành và chính thức áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249 từ ngày 01 tháng 01 năm 2022).. Chính vì vậy, phương thức xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng bấp bênh, không bền vững, không còn có nhiều cơ hội cho hàng nông thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là những hàng nông thủy sản chưa đăng ký truy suất nguồn gốc.

Theo Bộ Công Thương, từ thực tiễn các khó khăn, vướng mắc nêu trên, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại biên giới và khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP là cần thiết nhằm hướng tới mục tiêu đưa hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới về đúng bản chất của trao đổi cư dân. Không cho phép lợi dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán lớn. Hàng hóa xuất khẩu, bao gồm cả nông sản, xuất khẩu dưới bất kỳ hình thức nào, qua bất kỳ cửa khẩu nào, đều phải đáp ứng được các điều kiện như xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (xuất khẩu chính ngạch).  Kết hợp nhuần nhuyễn giữa áp dụng biện pháp hành chính và tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong xã hội, nhất là sự đồng thuận của bà con nông dân. Không thay đổi đột ngột mà từng bước triển khai theo lộ trình đủ dài để hoạt động xuất khẩu dần thích nghi.

Xây dựng quy định chuyển tiếp về miễn thuế, điều kiện xuất khẩu

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP đã  sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 theo hướng điều chỉnh phạm vi đối tượng cư dân biên giới áp dụng theo Nghị định số 14/2018/NĐ-CP; Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 theo hướng quy định chi tiết các Bộ phối hợp, tham gia ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới để quyết định công bố danh mục các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21 theo hướng điều chỉnh quy định về các giấy tờ xuất nhập cảnh phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 22 theo hướng điều chỉnh quy định về các giấy tờ xuất nhập cảnh phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 24 theo hướng bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính về việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân, thương nhân biên giới, định kỳ ngày 10 hàng tháng cung cấp thông tin, số liệu cho Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới và cung cấp thông tin, số liệu đột xuất theo đề nghị của Bộ Công Thương để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Về điều khoản chuyển tiếp về miễn thuế, điều kiện xuất khẩu: Dự thảo quy định kể từ ngày1/1/2025, giảm số lần được miễn thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hoá theo hình thức trao đổi cư dân để hài hòa, đồng bộ với việc thay đổi chính sách đ­ối với xuất khẩu hàng hoá theo hình thức trao đổi cư dân. Kể từ ngày 1/1/2025, hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới. Kể từ ngày 1/1/2025, chỉ cư dân cư trú tại khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân. Chính thức áp dụng định mức mới đối với mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân phải có mặt để làm thủ tục xuất cảnh. Kể từ ngày 1/1/2026, các mặt hàng đã được xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức chính ngạch chỉ được phép làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và các cửa khẩu phụ, lối mở đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa. Kể từ ngày 1/1/2027, dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới chưa đạt được thoả thuận song phương về việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới. Kể từ ngày 1/1/2028, tại tất cả các cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Đặng Thu Hằng

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.