• Click để copy

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau: Ngăn chặn đưa người đi nước ngoài trái phép

Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, các đối tượng trong nhiều đường dây môi giới đã lôi kéo, dụ dỗ đưa người qua biên giới trái phép. Hậu quả, họ bị cưỡng bức lao động và mỗi năm có hàng chục lao động bất hợp pháp ở nước ngoài bị thiệt mạng hoặc vướng vào vòng lao lý. Trước tình hình này, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn.

Mới đây, BĐBP tỉnh Cà Mau đã đấu tranh thành công Chuyên án CM324 và khởi tố điều tra vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép” liên quan đến tàu cá vẽ biển số giả CM 99840 TS khai thác hải sản vi phạm vùng biển Thái Lan bị bắt giữ, sau đó bàn giao hồ sơ cho Công an tỉnh Cà Mau tiếp tục điều tra, xử lý. Theo điều tra ban đầu, ngày 22-9-2023, ông Ngô Văn Luận (sinh năm 1968, ngụ tại khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) mua tàu cá KG 90309 TS của ông Nguyễn Văn Lễ ở tỉnh Kiên Giang với giá 490 triệu đồng.

Ngày 7-10-2023, ông Ngô Văn Luận bán lại tàu cá KG 90309 TS cho ông Phạm Văn Dũng (sinh năm 1978, thường trú tại khu phố 6, phường Vĩnh Thông, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) với giá 350 triệu đồng; hình thức thanh toán là trả 250 triệu đồng tiền mặt, còn lại 100 triệu đồng ông Luận hùn vốn cùng ông Dũng để cùng sử dụng tàu cá KG 90309 TS khai thác hải sản trên biển (làm nghề cào chân châu). Sau đó, ông Luận giới thiệu Phan Văn Tình (sinh năm 1990) và Phan Văn Thiệt (sinh năm 1988) cùng thường trú tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời cho ông Phạm Văn Dũng để làm thuyền viên tàu cá KG 90309 TS.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau: Ngăn chặn đưa người đi nước ngoài trái phép
Đồn Biên phòng Sông Đốc tuyên truyền, vận động ngư dân khu vực biên giới biển của tỉnh Cà Mau chấp hành pháp luật. 

Mua tàu xong, ông Phạm Văn Dũng thuê thợ sửa chữa và sơn lại số đăng ký thành CM 99840 TS và làm giả hồ sơ đăng ký tàu cá; thuê Phan Văn Tình làm thuyền trưởng, Phan Văn Thiệt, Trần Văn Phương, Nguyễn Việt Khái, Nguyễn Văn Thanh làm thuyền viên, hoạt động nghề cào chân châu.

Khi tàu cá khai thác tại tọa độ 07046,3’N-100053,8’E, cách phao đèn ở cửa kênh Songkhla (Thái Lan) 46,7 hải lý thì bị lực lượng chức năng của Thái Lan bắt giữ. Qua điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, lực lượng chức năng xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Trước đó, vào ngày 6-5-2024, Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời tổ chức xét xử lưu động, tuyên án phạt 2 năm tù giam đối với bị cáo Phạm Văn Nghệ (sinh năm 1973, tạm trú tại thị trấn Sông Đốc) về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Theo cáo trạng, thông qua Lê Quốc Khánh, vào khoảng tháng 11-2022, Phạm Văn Nghệ quen biết và kết bạn Zalo với một người tên Trang là người Việt Nam đang ở Malaysia. Qua trao đổi, Nghệ đồng ý sang Malaysia làm biển thuê (thuyền trưởng tàu cá) cho Trang và tìm thêm 7 thuyền viên để cùng đi Malaysia khai thác hải sản. Sau đó, Trang chuyển cho Nghệ 35 triệu đồng tiền làm hộ chiếu cho 7 người sang Malaysia.

Sau khi điều khiển tàu KG 94137 TS đi ra vùng biển tiếp giáp Việt Nam-Malaysia, Khánh cùng một số đối tượng sử dụng sơn có sẵn trên tàu để đổi thành biển số PAF 4860 rồi chạy thẳng sang cảng En Dau (Malaysia). Tuy nhiên, quá trình hoạt động và hợp tác giữa Nghệ và Trang xảy ra nhiều mâu thuẫn nên Nghệ hỏi ý kiến các thuyền viên, chạy tàu về Việt Nam, cả 6 thuyền viên đều đồng ý.

Ðến ngày 24-4-2023, Nghệ điều khiển tàu cá KG 94137 TS (PAF 4860) chở 6 người chạy về Việt Nam, tới vàm cửa Sông Ðốc thì bị lực lượng Ðồn Biên phòng Sông Ðốc tuần tra phát hiện, bắt giữ. Ðến ngày 13-9-2023, Chỉ huy trưởng BÐBP tỉnh Cà Mau ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”, quy định tại Ðiều 349 Bộ luật Hình sự hiện hành và tiến hành điều tra theo thẩm quyền.

Thượng tá Phan Xuân Huyền, Phó trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết: “Hiện nay, các đối tượng phạm tội thành lập các nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook để tìm kiếm, liên lạc với người có nhu cầu xuất, nhập cảnh trái phép. Các đối tượng thường sử dụng phương thức, thủ đoạn phổ biến như: Đưa ra lời mời “việc nhẹ lương cao” để đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, ham muốn có được việc làm đem lại thu nhập cao, từ đó rủ rê, lôi kéo nạn nhân xuống tàu rồi cưỡng bức, đưa đi lao động sang vùng biển nước ngoài...”.

Theo dự báo của BĐBP tỉnh Cà Mau, thời gian tới, tình hình hoạt động của tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp. Để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng này, BĐBP tỉnh Cà Mau chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện ra, vào, hoạt động trên biển, trong đó tập trung tại các cửa biển trọng điểm như Sông Đốc, Rạch Gốc, Khánh Hội; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền trong các buổi họp dân tại các xã, thị trấn ven biển; phát huy vai trò của đảng viên biên phòng trong sinh hoạt chi bộ ấp, khóm ven biển và phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới; kêu gọi quần chúng nhân dân tích cực tố giác tội phạm.

Đồng thời, BĐBP tỉnh Cà Mau quyết liệt chỉ đạo các đơn vị điều tra, xác minh và lập chuyên án để đấu tranh hiệu quả với các đối tượng, đường dây tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau: Ngăn chặn đưa người đi nước ngoài trái phép
Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời tổ chức xét xử lưu động đối với bị cáo Phạm Văn Nghệ về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. 

Đồng chí Võ Quốc Thống, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sông Đốc cho biết: “Thời gian qua, bằng nhiều hình thức, địa phương và BĐBP tích cực tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tại địa bàn chấp hành việc không tham gia, tổ chức, môi giới xuất, nhập cảnh trái phép nhằm bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới biển. Từ đó, bà con nhân dân đã nhận thức đúng đắn và chấp hành nghiêm, đến nay, địa bàn thị trấn gần như không có ai xuất, nhập cảnh trái phép và tiếp tay cho hoạt động này”. Còn ông Nguyễn Văn Minh (chủ tàu cá CM 23126 TS) ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc chia sẻ: “Thời gian qua, BĐBP cùng với các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn, nhất là chủ các phương tiện chấp hành việc không tham gia, tổ chức môi giới xuất, nhập cảnh trái phép. Qua đó, chúng tôi có thêm nhiều kiến thức về pháp luật trong đánh bắt trên biển để từ đó tuyệt đối không vi phạm và cảnh giác trước những thủ đoạn của các đối tượng xấu”.

Bài và ảnh: HOÀNG TÁ - LƯƠNG BÌNH

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.