• Click để copy

Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira: Chương mới trong quan hệ Việt Nam-Brazil

Nhân dịp Tổng thống Brazil Lula da Silva thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 27 đến 29-3, phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao Brazil, Đại sứ Mauro Vieira. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Phóng viên: Kính thưa Bộ trưởng Mauro Vieira, chuyến thăm của Tổng thống Lula da Silva tới Việt Nam có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt là khi chuyến thăm diễn ra chỉ vài tháng sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Brazil trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Rio de Janeiro năm 2024?

Bộ trưởng Mauro Vieira: Năm 2024, Brazil và Việt Nam đã kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, được xây dựng trên nền tảng hữu nghị, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của Brazil tại Đông Nam Á, với kim ngạch thương mại đạt mức kỷ lục 7,7 tỷ USD vào năm ngoái. 

Kể từ khi Tổng thống Lula trở lại nắm quyền vào tháng 1-2023, quan hệ với Việt Nam đã đạt được động lực đáng kể. Một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác đổi mới giữa Brazil và Việt Nam đó là chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil vào tháng 9-2023, chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam.

Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Lula đánh dấu một chương mới trong quan hệ đối tác này.

Phóng viên: Tháng 11-2024, Việt Nam và Brazil đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược sau 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông có thể chia sẻ các lĩnh vực hợp tác ưu tiên nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam trong giai đoạn mới này của Chính phủ Brazil không?

Bộ trưởng Mauro Vieira: Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Lula và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bước đi lịch sử trong việc nâng cấp mối quan hệ của chúng ta lên Đối tác chiến lược. Cột mốc này phản ánh sức mạnh của quan hệ ngoại giao và tình hữu nghị lâu dài giữa Brazil và Việt Nam.

Việc nâng cấp quan hệ cũng nhấn mạnh đến phạm vi chương trình nghị sự chung của chúng ta và tầm nhìn chung của chúng ta về một nền quản trị toàn cầu được cải cách bắt nguồn từ hòa bình và phát triển. Cả hai quốc gia cam kết theo đuổi chủ nghĩa đa phương, pháp quyền và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, với Liên hợp quốc là cốt lõi của hệ thống quốc tế. Chúng ta chia sẻ khát vọng về sự ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira: Chương mới trong quan hệ Việt Nam-Brazil
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Luiz Lula da Silva tại cuộc hội đàm hồi tháng 11 năm 2024. Ảnh: TTXVN 

Hiện chúng tôi đang xây dựng Kế hoạch hành động để thực hiện Quan hệ đối tác chiến lược. Đây sẽ là lộ trình hợp tác trong các lĩnh vực chính, bao gồm quốc phòng, khoa học, công nghệ, đổi mới, nông nghiệp, tính bền vững của môi trường và chuyển đổi năng lượng. Các lĩnh vực này có tiềm năng to lớn để tăng cường hợp tác và chúng tôi tin tưởng rằng các lĩnh vực hợp tác mới sẽ xuất hiện khi quan hệ đối tác của chúng ta tiếp tục phát triển.

Phóng viên: Việt Nam và Brazil đã cam kết nâng thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2025 và 15 tỷ USD vào năm 2030. Bộ trưởng có tin rằng việc khởi động các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) sẽ giúp đẩy nhanh việc hiện thực hóa mục tiêu này không? Triển vọng đàm phán về thỏa thuận này trong tương lai là gì?

Bộ trưởng Mauro Vieira: Chúng tôi đánh giá cao quan hệ đối tác kinh tế với Việt Nam, thể hiện qua cam kết mở rộng thương mại song phương. Chúng tôi đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng có thể đạt được với nỗ lực chung từ cả hai nước.

Brazil là thành viên của MERCOSUR, mọi cuộc đàm phán thương mại liên quan đến thuế quan đều cần có quyết định của các thành viên. Chúng tôi đang đánh giá khuôn khổ phù hợp nhất cho hợp tác kinh tế sâu sắc hơn với Việt Nam, có cân nhắc đến các chính sách kinh tế của các nước thành viên MERCOSUR.

Dưới thời chính quyền của Tổng thống Lula, Brazil đang thực hiện các chính sách tái công nghiệp hóa nền kinh tế, tăng cường khả năng cạnh tranh trong ngành công nghiệp và bảo vệ việc làm chất lượng cao. Những nỗ lực này cũng ưu tiên đầu tư vào đổi mới sáng tạo và các giải pháp bền vững. Chúng tôi đang kết hợp quan điểm này vào tất cả các cuộc đàm phán thương mại hiện tại của mình.

Việc tăng cường quan hệ kinh tế của chúng tôi cũng phụ thuộc vào việc thúc đẩy chương trình nghị sự song phương về các chủ đề cùng quan tâm, chẳng hạn như đầu tư, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật. Điều này sẽ tạo ra một quan hệ đối tác kinh tế toàn diện hơn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và thịnh vượng cho cả hai quốc gia.

Phóng viên: Hội nghị lần thứ 30 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 30) sẽ được tổ chức tại Belém (Brazil) vào tháng 11 này. Trong bối cảnh toàn cầu phức tạp và đầy thách thức ngày nay, Brazil sẽ ưu tiên những vấn đề chính nào tại hội nghị để giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trên Trái đất?

Bộ trưởng Mauro Vieira: COP30 nhằm đại diện cho một bước ngoặt trong vấn đề khí hậu, thúc đẩy tiến bộ trên 5 trụ cột: Giảm thiểu, thích ứng, tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực. Hội nghị cũng sẽ đánh dấu việc đệ trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) mới của tất cả các bên. Brazil đã đệ trình NDC cập nhật vào tháng 11 năm ngoái, cam kết giảm 67% lượng khí thải nhà kính vào năm 2035, so với mức năm 2005.

Tiếp theo thỏa thuận năm 2024 nhằm huy động 300 tỷ USD mỗi năm, từ nay cho đến năm 2035, các nước Chủ tịch COP 29 và COP 30 sẽ thúc đẩy "Lộ trình Baku-Belém hướng tới 1.300 tỷ USD", nhằm cung cấp tài trợ cho quá trình chuyển đổi khí hậu công bằng và bình đẳng ở các nước đang phát triển. Điều này đòi hỏi phải mở rộng tài chính thích ứng với khí hậu, kêu gọi đầu tư lớn hơn của khu vực tư nhân và đảm bảo các ngân hàng phát triển đa phương đóng vai trò quan trọng trong tài trợ cho vấn đề khí hậu.

Trọng tâm trong các cuộc thảo luận của chúng tôi là khái niệm về quá trình chuyển đổi công bằng. Nền kinh tế carbon thấp phải bao trùm và bình đẳng, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Quá trình chuyển đổi phải thúc đẩy công lý xã hội, giảm bất bình đẳng và tạo cơ hội cho các sinh kế bền vững, có phẩm giá.

Những ưu tiên này sẽ định hình chương trình nghị sự của COP 30. Thành công của chương trình sẽ không chỉ được đo bằng các thỏa thuận đã đàm phán mà còn bằng khả năng thúc đẩy hành động chuyển đổi trên thực tế.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

TTXVN

Tin mới

Thời tiết hôm nay (5-7): Ngày nắng, chiều tối có mưa dông cục bộ
Thời tiết hôm nay (5-7): Ngày nắng, chiều tối có mưa dông cục bộ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết các khu vực trên cả nước trong ngày 5-7 được dự báo là ngày nắng, chiều tối có mưa dông cục bộ.

Kết luận số 174-KL/TW: Một số nhiệm vụ tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả
Kết luận số 174-KL/TW: Một số nhiệm vụ tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả

Ngày 4-7-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ký ban hành Kết luận số 174-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nhiệm vụ tiếp tục xây dựng tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính 2 cấp bảo đảm thông suốt, hiệu quả (gọi tắt là Kết luận số 174).

Điện mừng Quốc khánh Hoa Kỳ
Điện mừng Quốc khánh Hoa Kỳ

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (4-7-1776 / 4-7-2025) và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (12-7-1995 / 12-7-2025), ngày 4-7, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi các điện mừng tới Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump.

Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp
Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp

Ngày 4-7, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương kiêm Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã ký ban hành Kế hoạch số 56-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo về tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp (gọi tắt là Kế hoạch số 56).

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng tại Brazil
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng tại Brazil

Chiều 4-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil từ ngày 4 đến 8-7, theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brazil Lula da Silva.

Chuyển nhượng ly kỳ ở V-League
Chuyển nhượng ly kỳ ở V-League

Cầu thủ Nguyễn Đức Chiến phải chi 3 tỷ đồng để đổi lấy... 2 tháng còn lại trong giao ước với Câu lạc bộ (CLB) Thể Công Viettel (TCVT).