Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc tại tỉnh Kon Tum
Chiều ngày 7/8, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Kon Tum về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Cổng TTĐT Bộ Công Thương cho biết: Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương gồm Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Công nghiệp, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Công Thương địa phương, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Dầu khí và Than, Văn phòng Bộ…Cùng tham gia với đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam; Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Về phía tỉnh Kon Tum có ông Dương Văn Trang - Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cùng các Sở, ban ngành địa phương.
Thông tin tại buổi làm việc, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới với trên 53% dân số là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ các Bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Công Thương và sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 6,47% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 30/63 tỉnh thành trên cả nước; Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 7 tháng đầu năm 2024 tăng 9,89% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 5.729 tỷ đồng, đạt 57,3% kế hoạch. Tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo cụ thể về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 5.729 tỷ đồng, đạt 57,3% kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt 22.314 tỷ đồng, tăng 12,74% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2024 đạt 219,5 triệu USD tăng 8,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 4,75 triệu USD tăng 15,9% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum cũng cho biết tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra trong năm 2024. Đồng thời bày tỏ mong muốn Bộ trưởng Bộ Công Thương, cùng các thành viên trong đoàn công tác quan tâm, giải quyết các nội dung kiến nghị của tỉnh về lĩnh vực năng lượng và khoáng sản; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Kon Tum bổ sung các dự án năng lượng, khoáng sản vào Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện, góp phần phát huy hiệu quả tiềm năng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị tham gia Đoàn công tác đã trao đổi, thảo luận giải đáp cơ bản các kiến nghị của tỉnh; đồng thời đề xuất các giải pháp trọng tâm mà Kon Tum cần chú trọng trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, công nghiệp, thương mại trên địa bàn thời gian tới.
Qua khảo sát thực tế, lắng nghe báo cáo và ghi nhận các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá tỉnh Kon Tum đã nhận thấy và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, các chỉ số chính trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại của tỉnh đều có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng sản phẩm GRDP tăng 6,47% (cả nước tăng 6,42%), đứng thứ nhất trong Vùng và thứ 30 cả nước; chỉ số SXCN tăng 9,57% (cả nước tăng 7,72%), đứng thứ nhất trong Vùng và thứ 28 cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 12,1% (cả nước tăng 8,6%), đứng thứ tư trong Vùng và thứ 51 cả nước; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 16,42% so với cùng kỳ…“Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, những kết quả nêu trên là rất đáng khích lệ, góp phần vào thành tựu chung của vùng Tây Nguyên và cả nước” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực Công Thương tỉnh Kon Tum vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục, trong đó, lớn nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng còn khó khăn; Sản xuất công nghiệp quy mô còn nhỏ, thiếu tính đột phá (nhất là trong công nghiệp chế biến); chưa thu hút được các dự án sản xuất quy mô lớn có tính động lực, lan tỏa, thúc đẩy các ngành khác phát triển; Quy mô xuất khẩu còn khiêm tốn (đứng thứ 58/63 cả nước và thấp nhất Vùng); cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp; (iv) Thị trường nội địa sức mua thấp (phần nào do quy mô dân số nhỏ, đứng thứ 61 cả nước, trong đó khoảng 55% là người dân tộc thiểu số). Hệ thống phân phối, hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng đều và còn hạn chế; Kinh tế cửa khẩu chưa phát triển tương xứng với tiềm năng (quy mô hàng hóa xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y còn thấp); hạ tầng dịch vụ logistics chưa được đầu tư xứng tầm với vai trò là trung tâm trung chuyển, kho vận quy mô vùng và quốc tế.
Đánh giá về tiềm năng của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới ở phía Bắc Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh; tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và có bản sắc văn hóa đặc trưng lâu đời của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên. Với những lợi thế có gần 300 km đường biên với 2 nước bạn Lào và Campuchia; có Cửa khẩu quốc tế Bờ Y - nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia; là điểm kết nối, trung chuyển trên trục Đông - Tây… nên Kon Tum có thế mạnh phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực về: Giao thương hàng hóa, dịch vụ logistis, kinh tế biên mậu; Nông nghiệp giá trị cao gắn với các sản phẩm đặc thù (như cà phê, cao su, hạt mắc-ca, sâm Ngọc Linh, cây dược liệu); Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; năng lượng tái tạo (như thủy điện, điện gió, điện mặt trời…).
Bộ trưởng Công Thương cũng cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh đã đề ra thời gian tới. Đồng thời cho biết, dưới góc độ ngành Công Thương, đề nghị tỉnh quan tâm, chú trọng một số nội dung trọng tâm.
Trước hết, đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là một số chính sách mới có hiệu lực thi hành, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định có liên quan về giá đất, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; các quy định mới về giảm 2% thuế VAT, chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất... Đặc biệt là các chính sách đột phá mới được ban hành trong lĩnh vực năng lượng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu...
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là tập trung rà soát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của những dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn; rà soát, tháo gỡ các quy định, thủ tục hành chính, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh không phù hợp, giúp giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, chủ động rà soát, trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tỉnh (nếu cần), bảo đảm phù hợp, liên thông với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các Quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, bổ sung Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với Quy hoạch tỉnh, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo dư địa, động lực tăng trưởng mới.
Thứ ba, khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn Tỉnh đã được quy hoạch 44 dự án nguồn điện (gồm: 02 DA điện gió trên bờ; 42 dự án thủy điện nhỏ); 5MW điện sinh khối; 7MW điện mặt trời mái nhà; 16 dự án lưới điện, 17 điểm mỏ khoáng sản (vàng, đồng, sắt, khoáng nóng ...). Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho Quy hoạch năng lượng và khoáng sản; đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai, bảo đảm đưa các dự án vào vận hành đúng tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương. Theo Bộ trưởng, để hiện thực hóa được nhiệm vụ này, tỉnh cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi; đồng thời, áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư có hiệu quả (như đầu tư công-quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công…) để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các khu, cụm công nghiệp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Cùng với đó, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh (như công nghiệp chế biến nông - lâm sản, dược liệu, nhất là phát triển công nghiệp chế biến sâu sâm Ngọc Linh theo chuỗi từ sản xuất, trồng thu hoạch, chế biến và phân phối, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao). Chú trọng phát triển năng lượng sạch và phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với lợi thế sẵn có của địa phương để phục vụ các ngành công nghiệp thuộc các lĩnh vực như: cao su, nhựa, linh kiện điện tử, da giày…. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics và các lĩnh vực có tính kết nối trong chuỗi giá trị với các tỉnh, thành phố lân cận để phát huy lợi thế về địa kinh tế của Kon Tum. Hơn nữa, có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ; có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây truyền sản xuất và phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh nhằm từng bước phát triển phát triển các ngành công nghiệp hiện đại và các ngành công nghiệp có tính nền tảng (như công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến, sửa chữa động cơ phục vụ công nghiệp chế biến, hóa chất...), tạo nền tảng vững chắc và đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, hướng dẫn các đối tượng liên quan tham gia thị trường hoán đổi chứng chỉ carbon, phát huy thế mạnh rừng và sản xuất nông nghiệp xanh của tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý, trong định hướng sản xuất và xuất khẩu của tỉnh chú ý đến quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) sẽ được áp dụng từ tháng 01/2025 đối với nhà nhập khẩu lớn và từ tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ; theo đó châu Âu sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng thuộc 7 nhóm hàng nông sản (chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và sản phẩm từ gỗ). “Với tỉnh Kon Tum (là một trong 6 tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước), có 3 mặt hàng chủ đạo bị ảnh hưởng bởi quy định này là cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ” – Bộ trưởng cho hay.
Thứ năm, đề nghị tỉnh chú trọng rà soát Quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất đạt chuẩn để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa ở cả thị trường trong nước và quốc tế; triển khai có hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng thương mại (gồm cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử); đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Cùng với đó, cần chú trọng hỗ trợ xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm đặc trưng của địa phương và tích cực hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhất là các Hiệp định thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… để phát triển, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.
Bộ trưởng cũng ghi nhận các kiến nghị của tỉnh thuộc các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và logistics... sau buổi làm việc này, Bộ Công Thương sẽ có văn bản hướng dẫn, giải đáp cụ thể những vướng mắc, kiên nghị, đề xuất của tỉnh để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Còn đối với một số kiến nghị khác liên quan đến chức năng của các Bộ, ngành khác và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, chuyển đến các Bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Trong khuôn khổ chuyến làm việc tại tỉnh Kon Tum, chiều 7/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác đã đến thăm, khảo sát tại Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai (lô N18 - Khu Công nghiệp Sao Mai, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum). Bộ trưởng đã thăm hỏi tình hình hoạt động, đồng thời động viên, chia sẻ các thông tin nhằm giúp công ty tháo gỡ các khó khăn, phát triển hơn trong thời gian đến.
Tiếp nối chương trình làm việc, ngày 8/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024 và việc triển khai thực hiện quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.