Tại phiên họp, đặt câu hỏi chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn Đắk Lắk) phản ánh, thực tế tổ chức bộ máy một số tòa án chưa thực sự khoa học, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tiễn. Đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ giải pháp để khắc phục?
Ở góc độ liên quan, đại biểu Hoàng Văn Liên (Đoàn Long An) bày tỏ quan tâm đến tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố phá sản của doanh nghiệp chưa cao, được nêu trong báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao gửi Quốc hội. Đại biểu Hoàng Văn Liên đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu giải pháp cho vấn đề này.
Trả lời đại biểu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, tổ chức bộ máy của tòa án chưa thực sự hợp lý; nguyên nhân do quy mô nền kinh tế, quy mô dân số và quy mô, số lượng các vụ việc của tòa án đã thay đổi mạnh, trong khi mô hình hiện nay của tòa án đang tổ chức đồng đều.
Vì vậy, cần tiến hành sửa đổi bằng những giải pháp mang tính căn cơ, đặc biệt cần có tòa án khu vực để có khả năng giải quyết các vụ việc chuyên nghiệp hơn.
Cụ thể, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu thực tế, hiện nay một số loại án chuyên biệt đòi hỏi tính chuyên môn sâu nhưng không có thẩm phán, không có tòa chuyên trách để giải quyết, nên hiệu quả giải quyết rất khiêm tốn. Ví dụ như tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ, tòa hành chính…
Do vậy, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Quốc hội xây dựng các tòa án chuyên biệt để chuyên xử các vụ án chuyên biệt, nhất là chuyên xử các vụ án hành chính của cấp tỉnh để khắc phục được tình trạng nể nang như một số đại biểu Quốc hội đã nêu.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị Quốc hội xây dựng các tòa án chuyên biệt để chuyên xử các vụ án chuyên biệt. |
Liên quan đến tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố phá sản của doanh nghiệp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận "quả thực đang có vấn đề về án phá sản".
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, các quy định về phá sản ở Việt Nam khác với nhiều nước. Có nước quan niệm phá sản là quá trình phục hồi của doanh nghiệp nên có Luật Phá sản và phục hồi. Họ coi việc kết thúc một doanh nghiệp thua lỗ là sự hồi sinh mới, cơ cấu kinh tế mới, do đó, phá sản là hoạt động bình thường và lành mạnh. Trong khi đó, Việt Nam coi phá sản là nghiêm trọng, nên luật đang quy định ngặt nghèo về trình tự phá sản. Thậm chí doanh nghiệp hết tiền rồi vẫn bị yêu cầu đóng kinh phí làm thủ tục phá sản.
"Có những quy định tương đối bất cập, nên trên thực tế có hạn chế", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, hơn 6.000 thẩm phán hiện nay có chuyên môn cao trong án hình sự và kinh tế, dân sự, song kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp trong giải quyết án phá sản còn hạn chế.
Để khắc phục tình trạng này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cần tiếp tục đề xuất Quốc hội sửa Luật Phá sản nhằm tháo gỡ khó khăn hiện nay. Đồng thời, sẽ nâng cao trình độ Thẩm phán trong xét xử vụ án phá sản.
Đặc biệt là tiến tới hình thành tòa phá sản chuyên biệt được hình thành ở các trung tâm kinh tế lớn, chuyên xét xử phá sản, không xét xử các vụ án khác. Chánh án Nguyễn Hòa Bình kỳ vọng chất lượng xét xử án phá sản sẽ được nâng cao sau khi có các tòa chuyên biệt như vậy.
Mặt khác, về tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đổi mới cách họp tuyển chọn Hội đồng thẩm phán quốc gia, sớm có nhận xét, tiến cử thẩm phán trong bổ nhiệm...
THẢO NGUYÊN